Cảnh báo: Nhiều đồ gia dụng chứa 'hóa chất vĩnh cửu' có thể gây vô sinh
Khi mang bầu nếu mẹ tiếp xúc nhiều với hóa chất nhựa nguy cơ ảnh hưởng tới thần kinh trẻ
Hóa chất được tìm thấy trong mỹ phẩm và các sản phẩm vệ sinh có nguy cơ gây sinh non
Hóa chất tẩy rửa làm tăng khả năng mắc bệnh Parkinson
“Hóa chất vĩnh cửu” tồn tại nhiều trong đồ gia dụng
“Hóa chất vĩnh cửu” hay còn được gọi là PFAS (Per- and Polyfluorinated Substances) là các hợp chất tổng hợp được ứng dụng trong các sản phẩm tiêu dùng khác nhau kể từ giữa thế kỷ 20.
PFAS được biết đến với lợi ích chống nước hoặc các chất dầu. Vì vậy, chúng thường được thêm vào dụng cụ nấu nướng, thảm, hàng dệt và các mặt hàng khác để làm tăng khả năng chống thấm nước và chống bẩn.
Điều đáng nói là trong khi ban đầu một số nhà khoa học tin rằng 'hóa chất vĩnh cửu' chỉ có trong các sản phẩm công nghiệp, thì ngày càng nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng PFAS có thể có khắp mọi nơi: cốc nhựa, giấy bọc, chảo chống dính, lò vi sóng... Thậm chí, ngay cả ở những vật dụng sinh hoạt tưởng chừng như không thể nào có như giấy vệ sinh cũng xuất hiện PFAS.
Tác hại của "hóa chất vĩnh cửu" đến sức khỏe con người là vô cùng lớn. Các hóa chất này có thể lắng đọng trong máu, thận, gan. Phơi nhiễm hợp chất PFAS có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như ung thư, béo phì, bệnh tuyến giáp, cholesterol cao, giảm khả năng sinh sản, tổn thương gan, ức chế hormone, làm gián đoạn quá trình chuyển hóa lipid và acid amin.
Các hóa chất này có liên quan những nguy cơ sức khỏe như ung thư, rối loạn nội tiết tố, suy giảm hệ miễn dịch và giảm phản ứng vaccine ở trẻ em, thậm chí là vô sinh.
Một nghiên cứu do trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai (Mỹ) dẫn đầu đã phân tích mẫu máu của nhóm phụ nữ ở Singapore và phát hiện các chất PFAS trong huyết tương có liên quan đến tỷ lệ mang thai thấp hơn.
Mặc dù bản chất của mối liên hệ này không rõ ràng, kết quả làm tăng thêm mối lo ngại về tác hại của “hóa chất vĩnh cửu” đến sức khỏe của chúng ta hiện nay và trong tương lai.
Nhà dịch tễ học môi trường Damaskini Valvi, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Theo một số nghiên cứu trước đây, PFAS có thể phá vỡ các hormone sinh sản ở phụ nữ, liên quan việc dậy thì muộn cũng như tăng nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung và mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Giờ đây, nghiên cứu của chúng tôi bổ sung thêm PFAS cũng có thể làm giảm khả năng sinh sản ở những phụ nữ khỏe mạnh, đang cố gắng thụ thai một cách tự nhiên”.
Trong nghiên cứu, Valvi cùng đồng sự thu thập thông tin, lấy mẫu máu của hơn 1.000 phụ nữ đang cố gắng có con. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu phát hiện khả năng mang thai giảm trung bình khoảng 30-40% ở những phụ nữ tiếp xúc với hỗn hợp các hóa chất PFAS khác nhau.
Nhà khoa học môi trường Nathan Cohen, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: "Thông qua nghiên cứu của chúng tôi, những phụ nữ muốn mang thai nên nhận thức được tác hại tiềm ẩn của PFAS và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh tiếp xúc với loại hóa chất này, đặc biệt khi họ đang cố gắng thụ thai".
Các nhà nghiên cứu đang tìm cách tăng tốc độ phân hủy của các hóa chất độc hại này. Nếu hạn chế được việc sử dụng “hóa chất vĩnh cửu”, chúng ta có thể làm giảm hàng loạt các vấn đề sức khỏe mà chúng gây ra.
Làm sao tránh tiếp xúc hóa chất vĩnh cửu?
Chúng ta chưa có cách nào tránh hoàn toàn và cũng không phải lúc nào cũng biết vật dụng nào chứa PFAS hay không. Đây là việc đòi hỏi phải có sự chung tay từ cấp chính quyền đến địa phương. Mỗi quốc gia cần thiết lập các quy định mới, hạn chế mức tối đa hoặc đặt định mức cụ thể đối với việc sử dụng hóa chất trong sản xuất công nghiệp.
Đối với người dân, cần nâng cao nhận thức về hóa chất vĩnh cửu, thay đổi thói quen sinh hoạt để tránh tối đa việc tiếp xúc với PFAS bằng một số việc đơn giản: Không uống nước chưa qua xử lý, tránh sử dụng thảm và đệm chống ố, bình xịt chống thấm.
Thay toàn bộ đồ dùng nhà bếp có lớp phủ chống dính bằng các sản phẩm từ gang, thép không gỉ, thủy tinh hoặc tráng men. Kiểm tra nhãn để nhận biết thành phần polytetrafluoroethylene, hoặc PTFE, hoặc các thành phần "fluoro" khác và tránh những thành phần đó.
Hạn chế dùng giấy gói thực phẩm, hộp nhựa xốp đựng đồ ăn nhanh và giấy bọc thực phẩm khác. Tránh các loại mỹ phẩm trang điểm và chăm sóc cá nhân được quảng cáo là "lì, thấm sâu và lâu trôi" vì chúng cũng chứa PFAS.
An Dương (t/h)