Chủ thuê bao bị xúc phạm, làm phiền khi từ chối cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo

author 11:41 10/07/2023

(VietQ.vn) - Hiện nay, rất nhiều người dùng nhận được các cuộc gọi rác, như kêu gọi đầu tư chứng khoán, việc nhẹ lương cao, mời mua bất động sản... Khi người nghe từ chối vì không có nhu cầu, thì các đối tượng thực hiện cuộc gọi còn văng tục, chửi thề, thậm chí đe dọa người nghe.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, hiện có tình trạng nhiều chủ thuê bao di động bị xúc phạm khi từ chối cuộc gọi làm phiền. Theo đó, hiện nay rất nhiều người dùng nhận được các cuộc gọi rác, như kêu gọi đầu tư chứng khoán, việc nhẹ lương cao, mời mua bất động sản... khi từ chối vì không có nhu cầu, họ bị các đối tượng thực hiện cuộc gọi văng tục, chửi thề, thậm chí là đe dọa. Chưa kể, tình trạng lừa đảo trực tuyến vẫn diễn biến phức tạp nhưng đối tượng bị lừa đảo đã có sự thay đổi, nhằm vào người già và trẻ em.

Bộ TT&TT đã tổ chức 82 đoàn thanh tra các doanh nghiệp viễn thông về tình trạng SIM rác. Kết quả thanh tra ban đầu ghi nhận một số lỗi sơ bộ như: một số thuê bao được đăng ký ở nhiều tỉnh thành phố khác nhau trong thời gian ngắn. Đáng chú ý, có hiện tượng ảnh chủ thuê bao là người cởi trần hoặc không có ảnh chụp của chủ thuê bao. Nhiều chủ thuê bao không thực hiện giao kết hợp đồng khi đăng ký từ SIM thứ 4 trở lên. Khiến cho việc quản lý sim và thuê bao chính chủ trở nên khó khăn hơn.

Nhiều chủ thuê bao bị xúc phạm, làm phiền khi từ chối cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo. Ảnh minh họa 

Bên cạnh đó, tình trạng một số đối tượng sử dụng các trạm thu phát sóng giả để mạo danh tin nhắn tổ chức tài chính, ngân hàng lừa đảo người dùng vẫn tiếp tục tái diễn. Các đơn vị chuyên môn của Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện rà quét, phát hiện và xử lý kịp thời. Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ có những giải pháp hiệu quả để phát hiện ngay khi đối tượng lừa đảo bật thiết bị phát sóng giả mạo và có thể phối hợp với các cơ quan chức năng truy bắt các đối tượng này nhanh nhất. 

Giải pháp để xử lý lừa đảo trực tuyến trong lâu dài

Đề cập đến giải pháp khắc phục tình trạng phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo qua trạm BTS giả, đại diện Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, bên cạnh các giải pháp đã triển khai, gần đây Bộ TT&TT đã có giải pháp mới để phát hiện và bắt giữ các đối tượng sử dụng trạm BTS giả mạo. Đó là, phối hợp với nhà mạng và cơ quan công an, khi có trạm BTS giả hoạt động, nhà mạng sẽ nhận biết và khoanh vùng. Sau khi định vị và xác định chính xác vị trí của các trạm BTS giả, Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT&TT cùng Bộ Công an sẽ phối hợp và bắt giữ tại chỗ.

Đáng chú ý, sự gia tăng mạnh của tấn công lừa đảo trực tuyến nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan truyền thông. Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Trần Quang Hưng chỉ rõ, các chiêu thức lừa đảo nhờ tận dụng được các tiện ích công nghệ hiện đại nên ngày càng tinh vi, hiệu quả, giống thật, khiến người dùng khó nhận diện hơn. Không những thế, hoạt động lừa đảo trực tuyến hiện nay có tổ chức, không chỉ giới hạn ở Việt Nam mà còn cả ở các nước lân cận như Campuchia, Lào, Philippines. Trong khi đó, khả năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo của người dùng, nhất là những nhóm đối tượng như trẻ em, người già, sinh viên, công nhân… còn khá thấp. “Vì thế, bên cạnh các biện pháp kỹ thuật, một việc quan trọng không kém là làm sao thúc đẩy, tuyên truyền những thông tin về các hình thức lừa đảo trực tuyến đến được càng nhiều người càng tốt”, đại diện Cục An toàn thông tin nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký SIM thuê bao và xử lý tập thuê bao đứng tên nhiều SIM không đúng quy định (các chủ thuê bao sở hữu 10 sim/người trở lên). Hoàn thiện nền tảng đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân chất lượng, thực chất.

Để đưa trạm BTS đi vào hoạt động cần những điều kiện gì?

Theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Thông tư 09/2009/TT-BTTTT ngày 24/03/2009 về kiểm định và công bố sự phù hợp đối với công trình kỹ thuật chuyên ngành viễn thông và Thông tư 11/2009/TT-BTTTT về danh mục công trình viễn thông bắt buộc công bố sự phù hợp. Theo đó thì từng BTS lắp đặt mới trong thời gian 90 ngày kể từ ngày đưa công trình vào khai thác sử dụng phải được kiểm định, nếu tuân thủ TCVN 3718-1:2005 thì mới được hoạt động, đồng thời phải đảm bảo các yêu cầu về tiếp đất, chống sét bằng hình thức công bố sự phù hợp (có nghĩa là tất cả các trạm BTS không có trạm nào gây ra mức phơi nhiễm vượt mức giới hạn cho phép 2W/m2 (hoặc 27,5V/m) trong khu vực dân cư sinh sống, đi lại xung quanh trạm phát sóng BTS). Đối với các BTS khi có sự thay đổi cấu hình như tăng công suất bức xạ, thay đổi vị trí, độ cao và hướng ăngten làm cho các tiêu chí về an toàn trong trường bức xạ tần số vô tuyến điện vượt quá giá trị đã được kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định hết hiệu lực (5 năm) thì phải kiểm định lại. Người dân có thể nhận biết các trạm BTS đã được kiểm định vì theo quy định trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày trạm BTS được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, tổ chức, doanh nghiệp phải niêm yết bản sao Giấy chứng nhận kiểm định tại địa điểm lắp đặt trạm.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang