Chưa có bằng chứng khoa học chứng minh nước ion kiềm có tác dụng trị bệnh

author 13:50 05/07/2023

(VietQ.vn) - Hiện nay trên các trang mạng xã hội rầm rộ thông tin sử dụng nước ion kiềm sẽ có nhiều tác dụng chữa bệnh tuy nhiên theo các chuyên gia, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này.

Theo ghi nhận của báo chí, trên các trang mạng xã hội, nước ion kiềm đang được quảng cáo chứa lượng khí Hydro cao, giàu tính kiềm tự nhiên nên có nhiều tác dụng "thần thánh" trong chữa bệnh. Đây còn là loại nước uống tốt thay thế nước lọc trung tính bình thường, có thể uống trực tiếp trong thời gian dài.

Cụ thể như trên trang Fanpage A.K, nước ion kiềm được quảng cáo có nhiều công dụng như giảm lưu trữ mỡ, trẻ hóa da, thanh lọc độc tố, trung hòa axit dạ dày, tăng cường đề kháng, hỗ trợ giải rượu bia...

Tương tự, trên trang Fanpage T.G.Đ.G, nước kiềm cũng được quảng cáo là "cứu tinh" cho người bệnh gout. Theo quảng cáo của trang này, "Gout đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Nguyên nhân gây ra chủ yếu do cơ thể tích tụ nhiều axit uric. Nếu không được chữa trị kịp thời, axit uric sẽ gây cơn đau nhức dữ dội, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Hiểu được tác nhân hình thành, nên việc loại bỏ lượng axit uric thừa là mấu chốt để điều trị. Một trong những phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa và điều trị gout được nhiều bác sĩ khuyên dùng là sử dụng nước ion kiềm".

 Không nên lạm dụng uống nước ion kiềm hàng ngày vì chưa có bằng chứng khoa học chứng minh. Ảnh minh họa

Bác sĩ chuyên khoa 1, Đinh Trần Ngọc Mai, khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, nước kiềm là nước có chỉ số pH >7. Còn nước thông thường qua máy lọc có độ pH khoảng 6.5 -7.

Gần đây nhiều quảng cáo là nước ion kiềm giúp làm tăng sức đề kháng, giảm cân, ổn định huyết áp, thải độc và phòng chống ung thư. Một số nghiên cứu nhỏ ở Nhật Bản báo cáo khả năng hỗ trợ cải thiện bệnh gout, táo bón, tiêu chảy mạn tính, viêm dạ dày do nước kiềm hoạt động tương tự một chất chống oxy hóa.

"Tuy nhiên hiện nay chưa có các bằng chứng rõ ràng và nghiên cứu chuyên sâu về tác dụng của loại nước này. Uống nước kiềm lâu dài sẽ làm phá vỡ mức độ pH bình thường của cơ thể, gây ra các triệu chứng khó chịu như nôn ói, run tay, buồn nôn… Do đó, với nhiều lợi ích chưa được chứng minh hoàn toàn có lợi cho sức khỏe nên không khuyến cáo sử dụng nước kiềm hằng ngày", bác sĩ Mai cho biết.

Cùng quan điểm, bác sĩ Phan Tất Khánh Dương, Tổ trưởng tổ Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết, nước ion kiềm đóng chai có chứa một thành phần quan trọng là chất điện giải, tốt cho cơ thể, nhưng không phải là thuốc, do đó, loại nước này không thể giúp chữa bệnh.

Theo bác sĩ Dương, hiện nay, lợi ích mà nước ion kiềm mang lại cho sức khỏe vẫn chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, một số tác hại do việc uống nước ion kiềm quá nhiều có thể kể đến như rủi ro về việc phá vỡ mức độ pH bình thường của cơ thể, dẫn đến tình trạng nhiễm kiềm chuyển hóa (độ pH trong máu tăng lên trên mức bình thường) gây ra các triệu chứng như: buồn nôn, nôn ói, co giật cơ, run tay, ngứa ran ở mặt, bàn tay hoặc bàn chân", bác sĩ Dương chia sẻ.

Bên cạnh đó những người mắc các bệnh lý liên quan tới thận hay những người trên 80 tuổi và trẻ em dưới 3 tuổi không cần thiết phải uống nước ion kiềm. Có thể uống nước trung tính có độ pH = 7.0 từ máy ion kiềm. Nên uống nước kiềm từ cấp 1 (pH 8.5) đến cấp 2 (pH 9.5) đối với trẻ em từ 4 - 12 tuổi.

Quy chuẩn nước uống trực tiếp QCVN 6-1:2010/BYT

Quy chuẩn QCVN6-1:2010/BYT được Bộ Y tế ban hành ngày 02/06/2010 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2011. Đây là Quy chuẩn Quốc gia cao nhất dành cho nước uống trực tiếp hiện nay tại Việt Nam.

Quy chuẩn này nêu rõ những yêu cầu về sản phẩm nước đóng chai được sử dụng để uống trực tiếp. Theo đó, nước uống đóng chai có thể có chứa khoáng chất và carbon dioxyd (CO2) tự nhiên hoặc bổ sung nhưng không phải là nước khoáng thiên nhiên đóng chai và không chứa đường, các chất tạo ngọt, các chất tạo hương hoặc bất kỳ chất nào khác.

Quy chuẩn chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT

Quy chuẩn chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT được Bộ Y tế ban hành ngày 17/06/2009 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/12/2009. Quy chuẩn này quy định về chất lượng sạch sử dụng cho mục đích ăn uống của người dân (gọi tắt là nước ăn uống).

Quy chuẩn nước sinh hoạt QCVN 02/2009-BYT

Quy chuẩn QCVN 02/2009/BYT được áp dụng với mức quy định giới hạn các chỉ tiêu chất lượng đối với nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt hằng ngày. Không sử dụng nước để ăn uống và chế biến thực phẩm mà nước dùng chủ yếu như: tắm, giặt, rửa các loại thực phẩm,…

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang