Công an Bình Dương phát hiện 90 vụ lừa đảo bằng công nghệ cao với số tiền lên đến 120 tỷ

author 14:26 12/10/2023

(VietQ.vn) - Tại buổi họp báo 9 tháng năm 2023 về kinh tế-xã hội diễn ra vào sáng 11/10, Đại tá Trần Văn Chính - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương nhận định tội phạm lừa đảo bằng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao đang ở mức báo động.

Tội phạm hoạt động mạnh mẽ bất chấp sự trấn áp quyết liệt của cơ quan chức năng

Trong 9 tháng năm 2023, lực lượng Công an tỉnh Bình Dương đã đấu tranh, khám phá 1.290 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt 90,7%; bắt, xử lý 2.570 đối tượng. Trong đó, tỷ lệ điều tra phá án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90,7%.

Lực lượng chức năng phát hiện và xử lý 597 vụ vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu với 628 đối tượng. Đáng chú ý, nhiều đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh với khu vực lân cận tỉnh Bình Phước để vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu về Bình Dương, sau đó mang đi tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác.

Công an đã khởi tố 76 vụ, 95 bị can, xử phạt hành chính 447 vụ với tổng số tiền xử phạt hành chính, tịch thu hàng hóa trên 5,7 tỷ đồng; chuyển cơ quan khác xử lý 268 vụ với 257 đối tượng...

 Tội phạm công nghệ cao vẫn hoành hành bất chấp những cảnh báo. Ảnh minh họa

Với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, Đại tá Trần Văn Chính cho biết, mặc dù phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng lừa đảo qua mạng không mới nhưng cách tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi. Điều này khiến nhiều người bị chiếm đoạt số tiền lớn. Qua điều tra, Cơ quan Công an phát hiện 90 vụ lừa đảo với số tiền lên đến 120 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, Công an tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm. Qua đó, bắt giữ, triệt xóa được nhiều đường dây, băng nhóm tội phạm…

Khuyến cáo của cơ quan chức năng

Để phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm trên không gian mạng, trước đó, Công an tỉnh Bình Dương đã khuyến cáo: Khi sử dụng mạng xã hội hãy cảnh giác, đặt mật khẩu khó đoán cho tài khoản của mình. Khi có người nhắn tin mượn tiền, cần xác nhận lại thông tin người mượn trực tiếp qua điện thoại; khi thấy người mượn tiền đề nghị chuyển tiền qua tài khoản khác cần xác nhận lại thông tin đối với người mượn. Nếu tài khoản mạng xã hội bị chiếm quyền điều khiển cần thông báo cho bạn bè trong danh sách để phòng tránh.

Cài đặt chế độ xác thực 2 bước qua số điện thoại đối với tài khoản.

Mỗi người dân nâng cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi từ người lạ, cuộc gọi không rõ danh tính, số điện thoại hiển thị trên màn hình hoặc các cuộc gọi có đầu số +375, +371, +563, +381, +255...

Nếu có người tự xưng là cán bộ công an, viện Kiểm sát, tòa án, bưu điện... gọi đến thông báo yêu cầu cần điều tra, thấy nghi ngờ thì đề nghị họ cho biết tên, địa chỉ nơi làm việc để đến trực tiếp trao đổi, ghi nhận lại nội dung và báo ngay cho cơ quan công an.

Không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng cho người khác qua điện thoại, mạng xã hội, đặt biệt là mã OTP cho bất kỳ ai.

Khi nghi vấn bị lừa đảo hoặc phát hiện các đối tượng có hành vi lừa đảo qua mạng xã hội, đề nghị người dân trình báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Trên thực tế hiện nay, việc điều tra, xử lý các vụ lừa đảo qua mạng hiện gặp rất nhiều khó khăn do đối tượng hoạt động tinh vi, lợi dụng khoa học kỹ thuật để thực hiện hành vi phạm tội, phần lớn máy chủ thực hiện lừa đảo đều đặt ở nước ngoài. Trong khi đó, bị hại thường trình báo công an rất trễ. Ngoài ra, ở nhiều địa phương, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật của cán bộ, chiến sĩ còn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ. Do đó, chúng ta cũng cần có sự đầu tư về nhân lực cũng như trang thiết bị hiện đại để chủ động triệt phá những vụ vi phạm ngay từ khi chúng mới manh nha.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang