Công dân có quyền được bảo đảm đất sản xuất và đất ở

author 06:58 19/03/2013

(VietQ.vn) - Đó là ý kiến của đại biểu Triệu Là Pham, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, khi cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII vừa qua.

Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt hay hàng hóa đặc biệt

Ông Triệu Là Pham cho rằng việc Quốc hội sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 để đáp ứng với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, ổn định lâu dài, góp phần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong tình hình mới của quá trình hội nhập, đã tham gia một số ý kiến cụ thể như sau. 

 
Theo ông Pham, về quyền và nghĩa vụ của công dân đã được dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung đề cập đầy đủ và tương đối chặt chẽ về các quyền con người như quyền sống, quyền được học tập, quyền có nơi ở hợp pháp... Tuy nhiên, một số nội dung hết sức quan trọng đặc biệt được cử tri chú ý quan tâm đó là quyền sở hữu về tư liệu sản xuất nói chung và đất đai nói riêng. 
 
Ông Pham phân tích, vì đất đai là một loại tư liệu sản xuất đặc biệt, là hàng hóa đặc biệt, nó không phải là tư liệu sản xuất bình thường giống như các tư liệu sản xuất khác. Nông dân không có đất thì không là chủ, đất đai là vấn đề lúc nào cũng mang tính nhạy cảm, ngày càng bộc lộ nhiều mâu thuẫn, nảy sinh ra nhiều va chạm khó giải quyết, thậm chí dai dẳng, gay gắt như đã và đang diễn ra. Nó cần được Hiến pháp quy định thành một điều riêng biệt trong Hiến pháp, không nên đánh đồng với các tư liệu sản xuất khác. Cần coi đây là một trong những quyền cơ bản của con người, là mục tiêu thiết yếu của Hiến pháp được tôn trọng như nhau với các quyền công dân khác và đảm bảo một cách bình đẳng là lợi ích chung của mọi công dân.
Ông Triệu Là Pham
 
Ông Pham đề nghị Quốc hội bổ sung thêm nội dung công dân có quyền được bảo đảm về đất sản xuất và đất ở vào Hiến pháp để khẳng định đất đai là một tư liệu sản xuất đặc biệt hay hàng hóa đặc biệt.
 
“Tại sao phải quy định thành một điều riêng biệt, bởi vì đó là đặc biệt, người dân không thể không có tư liệu sản xuất khác nhưng không thể không có đất đai, đó là tài sản truyền kiếp muôn đời chủ yếu nhất gắn với cuộc sống và cả cuộc đời của họ, cần thiết phải có thiết chế về quyền sở hữu của công dân nhằm tạo cơ sở pháp lý cao nhất cho việc xây dựng các đạo luật và các chính sách bảo đảm cho việc thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự ổn định, an toàn pháp lý cho cá nhân, bảo đảm hỗ trợ cho quyền sống của con người, góp phần phát triển bền vững của đất nước”, ông Pham nói. 
 
Về nguồn tài nguyên quốc gia, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển đất nước ông Pham đề nghị, Quốc hội bổ sung thêm một điều riêng biệt để quy định đối với tài nguyên biển, đảo chưa được khẳng định tầm quan trọng của nó trong Hiến pháp, vì nước ta là một quốc gia có biển lớn, chứa đựng nhiều tài nguyên phong phú và đa dạng với trữ lượng quy mô lớn cho phép phát triển nhiều lĩnh vực về kinh tế biển quan trọng góp phần lớn trong việc xây dựng cho nền kinh tế quốc dân. 
 
Tuy nhiên, việc khai thác về các ngành du lịch biển, khai thác hải sản và nuôi trồng thủy sản, dầu khí, các dịch vụ kinh tế biển và ven biển chưa được quy hoạch cụ thể, quy mô còn nhỏ bé chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế, những lợi ích kinh tế của biển, đảo còn thiếu bền vững, chưa thực sự đi vào phát triển đúng tiềm năng và lợi thế của biển đảo. Công tác nghiên cứu xây dựng quy hoạch không gian biển, bảo vệ môi trường biển kết hợp với phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng an ninh, chủ quyền biển, đảo của nước ta. 
 
Để khẳng định biển là tài nguyên của quốc gia, là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, nhà nước cần thống nhất quản lý theo Hiến pháp và pháp luật đảm bảo khai thác có hiệu quả vùng kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển, quy hoạch, khai thác theo quy trình nguồn tài nguyên biển. Ưu tiên phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh cũng như chủ quyền về biển. Đây là một nội dung cần được Quốc hội quy định trong Hiến pháp, được nhà nước thống nhất quản lý quy hoạch và quản lý theo pháp luật. 
 
Vai trò của Hội đồng nhân dân còn mờ nhạt
 
Về chính quyền địa phương. Ông Pham đồng tình với quy định Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Theo Hiến pháp 1992 Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Mục tiêu của Hiến pháp năm 1992 là xây dựng thể chế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. 
 
Xây dựng quyền lực nhà nước chính là xây dựng quyền lực của nhân dân, tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân, chứ không phải là quyền lực tập trung trong tay các vị đại biểu Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên việc thực hiện mục tiêu quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong thực hiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp làm cho Hội đồng nhân dân chưa thoát khỏi tình trạng hình thức, không thực quyền, hiệu lực, hiệu quả chưa cao, vai trò vị trí của các cơ quan dân chủ chưa tương xứng, chưa đáp ứng với kỳ vọng của nhân dân, thậm chí bị mờ nhạt và thụt lùi so với quy định của pháp luật. 
 
Ông Pham đề nghị cho giữ nguyên Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương theo Hiến pháp năm 1992, như vậy là chính xác và hợp lý. Đây là một chế định rất quan trọng để tiếp tục khẳng định quyền lực của nhân dân trong bộ máy chính quyền. Đồng thời bổ sung chế định bỏ phiếu tín nhiệm đối với Ủy ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn những người do Hội đồng nhân dân bầu thành chế định thường xuyên hàng năm để giám sát có hiệu quả hoạt động các cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. 
 
“Hoàn thiện hệ thống pháp luật theo mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Hoàn thiện thể chế giám sát, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho Hội đồng nhân dân, kiểm soát có hiệu lực, hiệu quả tổ chức hoạt động của chính quyền dân cử ngày càng có thực quyền để xứng đáng với vai trò vị trí và ý chí nguyện vọng của nhân dân và quyền làm chủ của nhân dân”, ông Pham nhấn mạnh. 
 
Mai Anh Tuân - Nguyễn Tiến
 
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang