Đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU
Nhu cầu nhập khẩu cá tra phile đông lạnh của EU ổn định: Cơ hội cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam
Doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến tiêu chí 'xanh' đối với sản phẩm, hàng hóa
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), gọi tắt là Hiệp định EVFTA được hai bên ký kết vào ngày 30/6/2019 và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020. Hiệp định chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2020.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, 3 năm thực thi Hiệp định EVFTA (1/8/2020 - 1/8/2023), Việt Nam đã xuất sang EU gần 128 tỷ USD hàng hóa. Trong đó, từ 1/8 đến 31/12/2022, xuất khẩu 15,62 tỷ USD, tăng 3,8% so cùng kỳ năm 2019. Năm 2021, xuất khẩu sang EU 40,12 tỷ USD, tăng 14,2%, xuất siêu 23,23 tỷ USD. Năm 2022, xuất khẩu sang EU đạt 46,8 tỷ USD, xuất siêu 31,4 tỷ USD. Từ đầu năm 2023 - 31/7/2023, xuất sang EU đạt 25 tỷ USD.
Những con số nêu trên là minh chứng khẳng định nhiều tác động tích cực to lớn mà EVFTA mang lại cho xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua. Việt Nam đã vươn lên thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN và đứng thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU. Đồng thời, EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam phải phát huy đổi mới sáng tạo, đầu tư về công nghệ... để có thể hợp tác bình đẳng với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE), để liên kết, hợp tác đầu tư, kinh doanh và chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp EU, phải nâng tầm doanh nghiệp Việt để chúng ta tham gia được vào chuỗi giá trị thông qua công nghiệp hỗ trợ và các liên kết làm ăn, hợp đồng hợp tác kinh doanh. Các doanh nghiệp Việt Nam phải phát huy đổi mới sáng tạo, đầu tư về công nghệ, chất xám, con người để có thể hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài một cách bình đẳng.
Bên cạnh đó, theo ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý 05 điểm, cụ thể như sau:
Thứ nhất là tư duy. Các doanh nghiệp phải xác định làm với EU là làm chuẩn, bài bản, phải cùng một tư duy với họ, đẳng cấp với họ. Chúng ta có thể chưa nhất thiết phải đẳng cấp như họ về trình độ công nghệ hay tài chính nhưng phải cùng tư duy, tức là cùng một tư duy, cùng một cách làm. Đó là điều quan trọng đầu tiên. Nếu chúng ta còn suy nghĩ rằng làm ăn theo kiểu không cần bài bản thì việc tiếp cận để có kết nối với doanh nghiệp EU tương đối khó.
Thứ hai phải tương thích dần về các tiêu chuẩn kỹ thuật. Những thương hiệu như made in EU là bảo chứng về chất lượng trên toàn thế giới. Nếu chúng ta làm với họ, chúng ta muốn tham gia chuỗi cung ứng của họ thì trình độ quản trị, trình độ kỹ thuật của chúng ta phải tăng lên.
Thứ ba, các doanh nghiệp cần chú ý nâng cao trình độ quản trị và đặc biệt phải rất quan tâm đến truy xuất nguồn gốc. Sắp tới những quy định của EU như đạo luật chuỗi cung ứng sẽ áp dụng. Đây là đạo luật bắt buộc áp dụng với nhà nhập khẩu EU, nhưng nhà nhập khẩu lại có trách nhiệm giám sát các nhà cung cấp cho mình, trong đó có doanh nghiệp từ Việt Nam.
Thứ tư là sở hữu trí tuệ. Vấn đề sở hữu trí tuệ cũng là một điểm mạnh trong EVFTA, bởi vì quy định về sở hữu trí tuệ trong EVFTA cao hơn hiệp định TRIPS của WTO và đấy là điểm thuận lợi. Thuận lợi vì các doanh nghiệp EU tin tưởng rằng khi giao thương với doanh nghiệp Việt Nam, thương hiệu của họ, công nghệ của họ chia sẻ sẽ được đảm bảo, không lo rằng có gì rò rỉ hay bị đánh cắp công nghệ.
Cuối cùng nhưng rất quan trọng đó là các doanh nghiệp phải quan tâm đến lao động và môi trường, phát triển bền vững. Đây là điều rất quan trọng bởi vì Hiệp định EVFTA có một chương riêng về phát triển bền vững và không chỉ các doanh nghiệp EU hay cơ quan quản lý mà người tiêu dùng EU cũng rất quan tâm đến vấn đề lao động, phát triển bền vững.
“Đó là 5 điểm doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý và nếu chúng ta làm được thì cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng của EU trong thời gian tới sẽ rất lớn”, ông Khanh nhấn mạnh.
Mai Phương (t/h)