Để khoa học làm giàu cho Tây Bắc

author 19:58 26/07/2013

Ngày 26/7 tại Hà Nội, Ban Chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2013-2018 "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” đã họp phiên thứ nhất nhằm xác định nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ, lộ trình cơ bản triển khai Chương trình và những sản phẩm khoa học công nghệ chủ yếu qua các giai đoạn của chương trình.

Sự kiện: Làm giàu

Chương trình do Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan khoa học, các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai từ năm 2013 đến năm 2018. 

Đây là chương trình khoa học và công nghệ có tính liên ngành, liên lĩnh vực, tính hướng đích và ứng dụng cao, nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc giải quyết những vấn đề cơ bản và nóng bỏng nhất đang đặt ra trong thực tiễn, góp phần giải phóng các tiềm năng, tháo gỡ khó khăn, phát huy cao độ các nguồn lực, tạo nên xung lực mạnh mẽ trong quá trình phát triển bền vững của vùng Tây Bắc. 

Một thoáng Tây Bắc.
Một thoáng Tây Bắc.

Song song với cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ điều chỉnh, xây dựng, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; đề xuất các mô hình sinh kế, phát triển kinh tế phù hợp cho một số tiểu vùng, liên vùng, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao mức tăng trưởng kinh tế của vùng, Chương trình cũng đề ra mục tiêu chuyển giao các giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa; phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh và xác định nhu cầu đào tạo và đề xuất giải pháp phù hợp thực hiện phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Bắc. 

Theo PGS.TS Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Chủ nhiệm Chương trình, trong giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2015), Chương trình tập trung triển khai nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, điều tra bổ sung để đến năm 2014 có được bộ cơ sở dữ liệu tích hợp về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, kinh tế, văn hóa, xã hội, nguồn nhân lực, môi trường và tai biến thiên nhiên vùng Tây Bắc, làm cơ sở đề xuất xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển các tiểu vùng, liên vùng và cho toàn vùng Tây Bắc. 

Cùng với nghiên cứu, điều tra bổ sung, Chương trình đẩy mạnh rà soát các nghiên cứu đã có, các mô hình thực tiễn thành công để lựa chọn những kết quả, mô hình, công nghệ phù hợp với điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường và trình độ phát triển của các địa phương để chuyển giao, đưa vào triển khai ứng dụng sớm trong thực tiễn, đặc biệt là trong một số vấn đề bức thiết hiện nay như quốc phòng - an ninh, dân tộc và thiên tai. 

Bên cạnh xác định nhu cầu đào tạo của từng địa phương trong vùng, trên cơ sở đó đề xuất với Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ , ngành liên quan xác định các mô hình, giải pháp phù hợp để phát triển nguồn nhân lực cho vùng Tây Bắc, Chương trình huy động đội ngũ giảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, các trường đại học trong vùng Tây Bắc và các cơ sở giáo dục đào tạo khác triển khai ngay các khóa đào tạo, bồi dưỡng phù hợp nhằm nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các sở, ngành, huyện, xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp của các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc. 

Trong giai đoạn 2 (từ năm 2016 đến năm 2018), Chương trình tậ p trung đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ theo 4 nhóm nội dung đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt vào thực tiễn để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Bắc. 

Vùng Tây Bắc - phạm vi chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Tây Bắc gồm 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Đây cũng là địa bàn sinh sống của trên 11,6 triệu người thuộc hơn 30 dân tộc anh em, trong đó khoảng 63% là đồng bào các dân tộc thiểu số. 

Vùng Tây Bắc giàu tiềm năng, với lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Đây là nơi có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên thiết yếu đối với sự phát triển bền vững của Vùng và của cả nước. Trong lịch sử cũng như hiện tại, vùng Tây Bắc luôn luôn có vị thế địa-chính trị vô cùng quan trọng, liên quan mật thiết đến sự hưng thịnh, tồn vong của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay Tây Bắc là một trong những vùng đang phải đương đầu với rất nhiều khó khăn.

Theo TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang