Đề xuất bỏ quy định hạn chế tỷ lệ nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

author 13:35 19/12/2023

(VietQ.vn) - VCCI kiến nghị bỏ quy định hạn chế tỷ lệ nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và hạn chế nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý  đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2022/NĐ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Theo VCCI, điều 1.16 (sửa đổi Điều 45 Nghị định 08/2022/NĐ-CP) quy định các cơ sở sử dụng nhập khẩu phế liệu chỉ được nhập tối đa 80% nhu cầu sử dụng, còn lại phải sử dụng phế liệu thu gom trong nước từ 01/01/2025. Quy định này cần xem xét ở các điểm sau:

Thứ nhất, quy định này chưa phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường. Điều 71.2 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về các yêu cầu (về bảo vệ môi trường) với doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và giao Chính phủ quy định chi tiết. Luật Bảo vệ môi trường 2020 không giao Chính phủ quy định về lộ trình hạn chế nhập khẩu nguyên liệu. Do vậy, quy định tại Dự thảo không tuân thủ với Điều 11.1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ hai, quy định này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Nguồn phế liệu nhập khẩu, nếu được sử dụng đúng cách, sẽ được tái chế thành nguyên liệu để sản xuất các loại sản phẩm công nghiệp phục vụ cho nền kinh tế, đồng thời tiết kiệm chi phí và giảm khai thác nguyên vật liệu thô. Trong nhiều trường hợp, việc nhập khẩu phế liệu còn giúp doanh nghiệp giảm khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên vật liệu đầu vào do các căng thẳng từ nguồn cung khoáng sản thô. Có thể suy đoán rằng, cơ quan soạn thảo muốn thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện tái chế với các phế liệu trong nước.

Tuy nhiên, việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải hình thành được chuỗi thu gom phế liệu trong nước, trong khi thực tế, chuỗi thu gom chính thức chưa được hình thành ở Việt Nam (4/5 mặt hàng phế liệu cũng chưa thuộc danh mục thực hiện EPR để tạo nguồn phế liệu trong nước) và cũng chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm các chủ thể phát sinh chất thải. Như vậy, một mặt, các doanh nghiệp sản xuất sẽ gặp khó khăn trong việc thiết lập chuỗi thu gom phế liệu trong nước và có thể mất nhiều năm để chuỗi này hoạt động hiệu quả, trong khi lại bị siết nguồn nguyên liệu sản xuất.

Việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nước là điều hoàn toàn cần thiết, dù vậy, các quy định cần được quy định theo lộ trình dài hơi cụ thể, sau khi được tham vấn với các bộ chuyên ngành (về kế hoạch kinh tế tuần hoàn của ngành, lĩnh vực đó) và các doanh nghiệp, để phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực của doanh nghiệp. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

 Ảnh minh hoạ

Nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất

Cũng theo VCCI, Điều 1.16 (sửa đổi Điều 45 Nghị định 08/2022/NĐ-CP) quy định doanh nghiệp không được nhập khẩu phế liệu nhựa để làm nguyên liệu sản xuất ra hạt nhựa tái chế kể từ 31/12/2024. Quy định này cần được xem xét ở các điểm sau:

Thứ nhất, quy định này chưa phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường. Điều 71.2 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về các yêu cầu (về bảo vệ môi trường) với doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và giao Chính phủ quy định chi tiết. Luật Bảo vệ môi trường 2020 không giao Chính phủ quy định về lộ trình hạn chế nhập khẩu nguyên liệu hay điều kiện về sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp. Do vậy, quy định tại Dự thảo không phù hợp với Điều 11.1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ hai, quy định này chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của ngành công nghiệp nhựa. Hạt nhựa tái chế và thành phẩm nhựa là một chuỗi giá trị thượng nguồn và hạ nguồn phụ thuộc, bổ trợ nhau, nhưng lại là hai lĩnh vực khác nhau, với quy trình sản xuất và bí quyết công nghệ khác biệt. Doanh nghiệp tái chế không có kinh nghiệm sản xuất thành phẩm nhựa, ngược lại, doanh nghiệp sản xuất thành phẩm cũng không có kinh nghiệm sản xuất hạt nhựa tái chế. Hai nhóm doanh nghiệp này sẽ không thể đảm nhiệm thay vị trí của nhau trong chuỗi giá trị.

Trong bối cảnh nguồn nguyên liệu của ngành nhựa chủ yếu phải dựa vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này sẽ có ảnh hưởng tức thời đến chuỗi giá trị của ngành nhựa, khiến doanh nghiệp sản xuất nhựa thành phẩm phải gia tăng phụ thuộc nguồn hạt nhựa nhập khẩu, từ đó giảm sức cạnh tranh và khó tận dụng ưu đãi thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do; hoặc có thể mất nhiều đơn hàng xuất khẩu vì không đáp ứng đủ tỷ lệ nhựa tái chế theo yêu cầu của nhà nhập khẩu ở các nước phát triển. Việc này sẽ càng tác động lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp đang liên tục chịu tác động bất lợi trong một vài năm gần đây (dịch bệnh Covid-19 và suy giảm kinh tế ở các thị trường nhập khẩu).

Việc hạn chế nhập khẩu phế liệu nhựa (nếu có) cần được cân nhắc đến sự phát triển của ngành với quá trình tham vấn đầy đủ và lộ trình chuyển đổi dài hạn đi cùng với sự phát triển của hệ thống thu gom, tái chế EPR trong nước, do đó không nên được ban hành theo quy trình rút gọn. Vì các lý do trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang