Điện Biên xử phạt 3 cơ sở buôn bán phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu

author 14:57 19/06/2023

(VietQ.vn) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Điện Biên đã ra quyết định xử phạt 03 cơ sở buôn bán phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu Honda và Yamaha.

Trước đó, bằng biện pháp nghiệp vụ Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 5 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Điện Biên phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Điện Biên và Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh đã tổ chức đột xuất 03 cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe máy trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát 03 cửa hàng đang buôn bán nhiều phụ tùng xe máy có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda, Yamaha. Đội Quản lý thị trường số 5 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số phụ tùng xe máy có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu gửi đi giám định.

 Điện Biên xử phạt 03 cơ sở buôn bán phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu. Ảnh: Cục QLTT Điện Biên 

Sau khi thẩm tra, xác minh thông tin và căn cứ vào kết quả giám định, Đội Quản lý thị trường số 5 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 03 cơ sở vi phạm về hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Đội Quản lý thị trường số 5 đã hoàn chỉnh hồ sơ trình vụ việc lên Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Điện Biên để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Ngay sau sự việc, Cục trưởng Cục Quản lý tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 03 cơ sở với số tổng số tiền 18.000.000 đồng (Mười tám triệu đồng chẵn) và buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, gồm: 186 đơn vị sản phẩm phụ tùng xe máy như: Má phanh, mặt nạ đồng hồ, vòng bi, vỏ yên, phớt vít, nắp sụn… với tổng trị giá hơn 4.000.000 đồng (Bốn triệu đồng chẵn).

Theo lực lượng chức năng, phụ tùng xe giả mạo nhãn hiệu đang trở thành vấn đề nhức nhối với những con số đáng báo động. Trong đó số lượng phụ tùng xe máy giả bị xử lý phần lớn phụ tùng này là nhập lậu, một số ít là phụ tùng gắn nhãn hiệu giả sản xuất trong nước. Tình trạng nhập linh kiện, nguyên liệu, sản phẩm hoàn chỉnh vào Việt Nam sau đó chế biến, lắp ráp, sang chiết, bao gói thành các sản phẩm giả các nhãn hiệu nổi tiếng trong nước và nước ngoài đưa ra thị trường tiêu thụ rất phổ biến tại các thành phố lớn như TP. Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng...

Theo phân tích của các cơ quan chuyên môn, những phụ tùng xe máy giả nhãn hiệu có đặc điểm giá thành thấp hơn hàng thật nhưng không có tiêu chuẩn hợp quy do Cục Đăng kiểm cấp, do đó có khả năng gây nguy hiểm cho người sử dụng khi lưu hành. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với mũ bảo hiểm và dầu nhớt giả. Còn các loại phụ tùng thay thế không chính hãng có chất lượng kém cũng đe dọa đến chất lượng chung của phương tiện và sự an toàn của người điều khiển phương tiện đó.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy

Thông tư 26/2019/TT-BGTVT ban hành 5 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy gồm: 

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ắc quy chì dùng trên xe mô tô, xe gắn máy; Mã số: QCVN 47:2019/BGTVT.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia kết cấu an toàn chống cháy của xe cơ giới; Mã số: QCVN 52:2019/BGTVT.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia yêu cầu an toàn chống cháy của vật liệu sử dụng trong kết cấu nội thất xe cơ giới; Mã số: QCVN 53:2019/BGTVT.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ô tô khách thành phố để người khuyết tật tiếp cận, sử dụng; Mã số: QCVN 82:2019/BGTVT.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ắc quy sử dụng cho xe mô tô, xe gắn máy điện; Mã số: QCVN 91:2019/BGTVT.

Bên cạnh đó, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về gương dùng cho xe ô tô; Mã số: QCVN 33:2019/BGTVT.

Thông tư 26/2019/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2019 và bãi bỏ các quy định: khoản 2 Điều 1 Thông tư 57/2011/TT-BGTVT; Thông tư 40/2013/TT-BGTVT; khoản 3 Điều 1 Thông tư 52/2012/TT-BGTVT; khoản 2 Điều 1 Thông tư 82/2015/TT-BGTVT; Thông tư 62/2014/TT-BGTVT.

Quy định mới về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã sửa đổi các quy định tại Điều 4 và Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng. Theo quy định mới này, Luật Sở hữu trí tuệ đã hướng giới hạn lại phạm vi người tiêu dùng và phạm vi sử dụng các tiêu chí để công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Cụ thể quy định mới về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng được quy định cụ thể như sau:

Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam. Theo quy định cũ trước đây, một nhãn hiệu chỉ được công nhận và bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng nếu đáp ứng 2 tiêu chí:

Nhãn hiệu đó phải được người tiêu dùng biết đến rộng rãi; Sự biết đến nhãn hiệu này phải diễn ra trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Do vậy, để một nhãn hiệu được bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng, buộc nhãn hiệu đó phải được công chúng nói chung (công chúng đại chúng) trên toàn lãnh thổ Việt Nam biết đến một cách rộng rãi. Điều này vô cùng cản trở cho các chủ sở hữu có nhãn hiệu nổi tiếng trong mỗi lĩnh vực đặc thù cụ thể, mà chỉ có công chúng, người tiêu dùng trong lĩnh vực liên quan mới có thể biết và tiếp cận được thì rất khó để yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam. Trên thực tế trước đây nhiều chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng đành ngậm ngùi bị mất nhãn hiệu của mình tại thị trường Việt Nam bởi những chủ thể thiếu trung thực và có hành vi cạnh trạnh không lành mạnh.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang