Đo lường đối mặt với những đòi hỏi từ cuộc sống

author 08:34 09/07/2012

(VietQ.vn) - Do thiếu hụt về hạ tầng đo lường nên đã làm ra tăng những rào cản thương mại, các biện pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nhu cầu đối với kết quả đo tin cậy và dễ so sánh cũng ngày càng tăng cao; các ứng dụng đo lường vào y tế, môi trường, kiểm soát biến đổi khí hậu… cũng đang đặt ra những đòi hỏi thiết từ cuộc sống.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không thể đưa ra tất cả những vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra và đòi hỏi khoa học đo lường không chỉ của Việt Nam hay khu vực mà còn cả toàn cầu cần phải có lời giải đáp. Dựa trên cơ sở khoa học nghiên cứu và đánh giá tổng hợp, chúng tôi giới thiệu vắn tắt những nghiên cứu của TS. Trần Bảo - Phó chủ tịch Hội Đo lường Việt Nam để bạn đọc có cái nhìn rõ nét hơn.

Theo nhận định của TS. Trần Bảo, đo lường ngày nay đã thâm nhập vào mọi ngành, mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó bao gồm cả những khía cạnh nhạy cảm và dễ tổn thương nhất. Cộng đồng đo lường quốc tế đang nỗ lực giải quyết, đáp ứng những yêu cầu đặt ra từ cuộc sống bằng những thành tựu nghiên cứu và thực tiến mới, bằng những biện pháp quản lý sáng tạo và sự phối hợp, cộng tác chặt chẽ của hệ thống đo lường quốc tế, khu vực và quốc gia. Trước những thách thức và nhiệm vụ mới, khoa học đo lường Việt Nam đang phải “gồng mình” vượt qua các thách thức, hoàn thành các nhiệm vụ, đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống.

Các chuẩn đo lường góp phần đảm bảo phép đo chính sách hơn. Ảnh: N. N
Các chuẩn đo lường góp phần đảm bảo phép đo chính sách hơn. Ảnh: N. N

Từ nghiên cứu, TS. Trần Bảo đã chỉ ra, hiện nay nhu cầu đối với những kết quả đo tin cậy, dễ so sánh đang tăng lên và liên quan đến thực hiện các quy định, tiêu chuẩn đảm bảo an toàn, sức khỏe và môi trường.

Một ví dụ rất điển hình là vào năm 2005, thương mại quốc tế đạt trên 10 ngàn tỷ USD và với tốc độ tăng trưởng hằng năm khoảng 15%. Tuy nhiên, có tới 80% doanh số nói trên chịu tác động, ảnh hưởng bởi các tiêu chuẩn, quy định mang tính bắt buộc. Trách nhiệm chứng minh sự phù hợp với quy định kỹ thuật và các yêu cầu luật pháp về đảm bảo an toàn cho nhu cầu ăn uống của con người, kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường đang tăng lên đối với nhà sản xuất và cung ứng dịch vụ. Những thực tế ấy đòi hỏi phải có kết quả đo, thử nghiệm tin cậy và dễ so sánh dựa trên cơ sở của hệ đơn vị đo lường quốc tế (SI) đã được toàn cầu công nhận.

Trong thương mại, một báo cáo mới đây của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng cho thấy, cần phải dỡ bỏ các rào chắn kỹ thuật trong thương mại gây ra do thiếu hụt hạ tầng cơ sở về đo lường và hạ tầng cơ sở về công nhận được thừa nhận quốc tế. Bởi vì, hiện nay có một thực tế là chỉ có một số ít nước có thể chứng minh sự tuân thủ thỏa thuận WTO về việc áp dụng các biện pháp vệ sinh và vệ sinh thực vật dựa trên hệ thống phân tích và kiểm tra. Còn lại các nước khác do khả năng hạn chế, nên xuất khẩu đã bị từ chối.

Trong lĩnh vực y học, chuẩn đo lường và các thủ tục đo trong lĩnh vực công nghệ sinh học và sinh học micro cũng đang có nhiều bất cập. Do sự phát triển nhanh chóng kiến thức về cấu trúc DNA, RNA và tầm quan trọng của chúng trong công nghệ sinh học và sinh học micro, xuất hiện nhu cầu đối với phép đo DNA và RNA có liên kết chuẩn và dễ so sánh. Nhiều phép đo hoạt tính sinh học hiện vẫn chưa thể diễn đạt theo các đơn vị SI ổn định lâu dài. Chính vì thế, Ủy ban tư vấn về chất lượng (CCQM) đang phải phối hợp với lĩnh vực khám chữa bệnh, với các phòng thí nghiệm y học và Tổ chức Y tế thế giới để thúc đẩy giải quyết các bất cập nói trên.

Cân đối chứng được sử dụng nhiều ở các chợ dân sinh, đảm bảo công bằng trong cân đo của người tiêu dùng. Ảnh: N. N
Cân đối chứng được sử dụng nhiều ở các chợ dân sinh, đảm bảo công bằng trong cân đo của người tiêu dùng. Ảnh: N. N

Đối với việc kiểm soát biến đổi khí hậu, hiện đang trở nên “nóng bỏng” không chỉ của một nước hay một vài nước mà cả ở quy mô toàn cầu. Biến đổi khí hậu yêu cầu các phép đo rất chính xác và cần liên hệ tới các chuẩn đo lường quy chiếu ổn định lâu dài để có thể xác định những thay đổi nhỏ trong khoảng thời gian dài. Các phép đo hàm lượng muối của nước đại dương được xem là một chỉ báo tốt về động đất, song thần và biến đổi khí hậu. Trong khi đó, các phép đo hàm lượng muối yêu cầu sự phân tích điện hóa chính xác trong đó nhiệt độ là một tham số quan trọng.

Ngoài ra các lĩnh vực như đo lường điện từ trường và bức xạ ion hóa; đo lường trong hóa học lâm sàng, y học phòng thí nghiệm; đo lường với công nghệ thông tin, hàng hải và lĩnh vực truyền thông hướng vào đảm bảo an toàn cho cộng đồng; đối với thực phẩm, dược phẩm, pháp y và an ninh… cũng đang đặt ra những đòi hỏi mới mà khoa học đo lường cần đáp ứng.

Cũng theo TS. Trần Bảo, những bức xúc đặt ra nói trên với khoa học đo lường cho thấy các lĩnh vực đo lường liên quan đến an toàn sức khỏe và môi trường đã có sự phát triển ở nước ta. Những hoạt động đo lường này đã góp phần tích cực đảm bảo cuộc sống bình yên của cộng đồng.

Tuy nhiên, liên hệ với những vấn đề được cộng đồng đo lường quốc tế quan tâm, thấy rằng sự đầu tư cho các lĩnh vực đo lường đó ở nước ta vẫn còn một khoảng cách so với yêu cầu cần phải có. Điều đó thể hiện, chúng ta chưa thật sự kiểm soát được tốt chất lượng của các phép đo hóa lý do thiếu hụt hạ tầng cơ sở về chất chuẩn và chất chuẩn được chứng nhận.

“Chúng ta cần quán triệt sâu sắc hơn nữa một nguyên tắc chỉ đạo quan trọng của Luật Đo lường mới được Quốc hội thông qua là quan tâm quản lý và phát triển các hoạt động đo lường liên quan đến việc đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe và môi trường để đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho việc thiết lập hạ tầng cơ sở đo lường hóa lý, an toàn phóng xạ, thử nghiệm và khí tượng thủy văn”, TS Trần Bảo đề xuất.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang