Giải quyết bất cập trong hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại Bạc Liêu

author 06:06 28/06/2024

(VietQ.vn) - Sau khi chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng ở Bạc Liêu đã nảy sinh những vướng mắc, khó khăn. Việc đổi mới phương thức hoạt động của lĩnh vực này trở thành nhiệm vụ rất quan trọng của ngành KH&CN Bạc Liêu.

Những khó khăn vướng mắc trong chuyển đổi cơ cấu tổ chức

Trước xu thế hội nhập và phát triển, hoạt động quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) đã có tác động tích cực đối với nền kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, chống gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này ngày càng được hoàn thiện với 3 đạo luật cơ bản (Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Luật Đo lường) và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo hành lang pháp lý toàn diện và đồng bộ điều chỉnh các hoạt động tiêu chuẩn hoá, quản lý chất lượng sản phẩm và đo lường trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc chuyển đổi Chi cục TCĐLCL thành phòng chức năng trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. 

Đổi mới hoạt động TCĐLCL là một trong những nhiệm vụ quan trọng tại Bạc Liêu. Ảnh: Sở KH&CN Bạc Liêu

Phó Giám đốc Sở KH&CN Bạc Liêu Huỳnh Hùng Dũng cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định Chi cục TCĐLCL là tổ chức trực thuộc Sở KH&CN, có chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Sở KH&CN thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực TCĐLCL, mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; quản lý và tổ chức thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực TCĐLCL trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó ở Bạc Liêu, hoạt động quản lý TCĐLCL thuộc Phòng Quản lý TCĐLCL (cấp phòng thay vì cấp Chi cục). Như vậy, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Quản lý TCĐLCL thuộc Sở KH&CN Bạc Liêu như hiện nay là chưa thật sự chắc chắn về cơ sở pháp lý.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về đo lường, chất lượng của Bạc Liêu còn hạn chế, thiết bị thiếu và lạc hậu gây khó khăn cho công tác quản lý. Công tác kiểm định và thử nghiệm chưa đáp ứng yêu cầu thực tế phục vụ sản xuất và đời sống địa phương, cũng như công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành. Do năng lực về trang thiết bị, con người còn nhiều hạn chế, nên chưa mở rộng được khả năng kiểm định, thử nghiệm.

Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định về đo lường, chất lượng chưa kịp thời và đồng bộ. Một số tổ chức, cá nhân kiểm định phương tiện đo nằm trong danh mục phương tiện đo phải kiểm định theo quy định nhưng chỉ kiểm định mang tính chất tượng trưng hoặc khi có cơ quan chức năng thanh/kiểm tra.

Giải pháp phát triển thời gian tới

Nhằm phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng và dịch vụ kỹ thuật đo lường theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác, theo ông Huỳnh Hùng Dũng hoạt động TCĐLCL Bạc Liêu cần hướng tới các giải pháp cơ bản gồm:

Một là, tiếp tục tham mưu xây dựng dự thảo trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2024-2030; Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 21/2022/QĐ-UBND ngày 19 tháng 08 năm 2022 của UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn văn bản pháp luật về TCĐLCL.

Tổ chức những buổi đào tạo nâng cao năng suất chất lượng doanh nghiệp là cần thiết. Ảnh: Sở KH&CN Bạc Liêu

Hai là, tăng cường tổ chức phổ biến áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế cho các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh bằng hình thức lồng ghép với công tác phổ biến, hướng dẫn văn bản quy phạm pháp luật về TCĐLCL. Thực hiện hướng dẫn, quản lý xây dựng, công bố và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ba là, theo dõi và duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính Nhà nước tỉnh Bạc Liêu; tổ chức và tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ; kiểm tra việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tại các cơ quan, đơn vị; báo cáo tình hình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh (theo Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05 tháng 03 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ và các kế hoạch của UBNB tỉnh Bạc Liêu).

Bốn là, chủ trì phối hợp với Thanh tra Sở KH&CN, Phòng Kinh tế thành phố, thị xã hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện trong tỉnh và các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra đo lường, chất lượng và nhãn hiệu hàng hóa trong sản xuất, lưu thông trên thị trường tỉnh thuộc trách nhiệm quản lý của ngành theo kế hoạch và theo yêu cầu đột xuất (tập trung vào các đối tượng như xăng dầu và dầu nhờn động cơ đốt trong, công tơ điện, biến áp đo lường, biến dòng đo lường, áp kế, cân, quả cân, hàng đóng gói sẵn, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, điện và điện tử, thép làm cốt bê tông, vàng trang sức, mỹ nghệ...).

Năm là, cập nhật các thông tin về hàng rào kỹ thuật trong thương mại; xây dựng, cập nhật về văn bản pháp quy, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn của Việt Nam và các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); cập nhật và thông tin cảnh báo của Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp quốc gia về TCĐLCL (Văn phòng TBT Việt Nam); thông báo và hỏi đáp (nếu có) để cung cấp cho các cơ quan, doanh nghiệp.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang