Dự thảo điều lệ trường tiểu học: 7 tuổi làm 'chủ tịch'

author 10:32 17/07/2015

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo điều lệ trường tiểu học, trong đó có quy định lớp học có thể có lớp trưởng hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Một buổi tranh cử vị trí Chủ tịch, Phó chủ tịch của Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm (Hà Nội).

“Muốn làm chủ tịch phải tranh cử như tổng thống”

Trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), một trong những trường áp dụng mô hình trường học mới VNEN (theo mô hình trường học Colombia) tại Việt Nam khoảng 3 năm nay. Trong đó, cách thức tổ chức lớp học theo kiểu mới cũng được trường này áp dụng.

Ngay từ đầu năm học, trường tổ chức tranh cử, bầu cử vị trí Chủ tịch hội đồng tự quản ở tất cả các lớp học. Theo bà Đào Thị Thủy, Phó hiệu trưởng Trường: “học sinh muốn giữ vị trí chủ tịch, phó chủ tịch phải có bài thuyết trình như tranh cử tổng thống. Các em phải thuyết trình: Nếu được làm Chủ tịch hội đồng tự quản tôi sẽ làm gì? Học sinh nào cũng có quyền đăng ký và thuyết trình, sau đó cả lớp tín nhiệm ai mới biểu quyết”.

Cơ cấu Hội đồng tự quản thông thường là 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch. Dưới sự định hướng của giáo viên chủ nhiệm, trước ngày tranh cử, các thành viên trong lớp trao đổi về phẩm chất, năng lực cần có của các bạn trong hội đồng, sau đó lập danh sách ứng cử, đề cử để bỏ phiếu bầu. Các bạn học sinh được tham gia tranh cử cùng nhóm bạn ủng hộ lên kế hoạch kêu gọi sự ủng hộ của các bạn khác. Khi đã lọt vào danh sách ứng cử, đề cử, ngoài việc chuẩn bị chu đáo bài “thuyết trình vận động tranh cử”, học sinh còn hăng hái tham gia các hoạt động của trường, lớp để thể hiện khả năng nổi trội của mình. Trong ngày tranh cử, có bạn học sinh trường Đoàn Thị Điểm kêu gọi khá ngộ nghĩnh : “Các bạn hãy bầu mình dù chỉ làm Phó chủ tịch”… Kết thúc cuộc bầu cử là nụ cười lẫn những giọt nước mắt. Có bạn thuyết trình kém hơn chỉ được làm Phó chủ tịch hoặc trượt đã không ngần ngại òa khóc nức nở.

Cũng theo cô Thủy, học sinh không hiểu to tát giá trị của từ “chủ tịch” như người lớn khi gắn liền với các chức danh, mà đơn thuần là người có khả năng lãnh đạo bản thân, tự tin truyền cảm hứng cho các bạn khác như lớp trưởng mà thôi.

Chức “chủ tịch” với học sinh 7 tuổi có quá sức?

Điều 17 của dự thảo quy định, lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc giáo viên chủ nhiệm chỉ định. Mỗi lớp học, chia thành các tổ, ban hoặc nhóm học sinh. Mỗi tổ, ban có tổ trưởng, tổ phó hoặc trưởng ban, phó ban, nhóm trưởng, thư ký do học sinh trong tổ, ban, nhóm bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học.

Điều 45 về khen thưởng, kỷ luật. Học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện, giáo viên không được công bố tên học sinh trước cả lớp và tùy theo mức độ vi phạm có thể nhắc nhở, hỗ trợ trực tiếp để học sinh tiến bộ hoặc thông báo với gia đình.

Bà Trần Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học – Bộ GD&ĐT giải thích: Trong dự thảo nêu trong lớp có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng. Như vậy, chỉ có những trường áp dụng mô hình trường học mới VNEN mới áp dụng cách gọi chủ tịch. Mô hình trường học mới này được áp dụng ở Việt Nam 3 năm nay, ban đầu chỉ có 24 trường ở 6 tỉnh/ thành thực hiện. Được đánh giá hiệu quả, hiện đã có 4.000 trường trên tổng số 15.300 trường tiểu học trên toàn quốc áp dụng.

Theo bà Thắm, việc tham gia làm chủ tịch, học sinh được tham gia nhiều việc dân chủ hơn lớp trưởng ở mô hình trường học cũ. Bởi học sinh được trao quyền chủ động có ý kiến, đề xuất, giải quyết sự việc trong lớp học nên tăng tính tự chủ, tự tin. “Nhiều người suy diễn, tạo cho các em tính háo danh từ bé là không đúng, bởi khi ở vị trí này, trước mỗi việc, các em đều phải trao đổi, bàn bạc với các bạn khác trong ban và cô giáo chủ nhiệm mới đưa ra quyết định. Ngược lại, các em cũng có sự tự tin khi được đề xuất mong muốn về học tập, vui chơi dù là rất trẻ con với giáo viên”, bà Thắm nói.

Trong khi đó, ông Trần Quang Vinh, một phụ huynh học sinh ở Hà Nội  lại có ý kiến khác: “Thật sai lầm nếu chúng ta dạy cho trẻ biết háo danh ngay từ nhỏ. Khi các em nghĩ mình lãnh đạo được người khác, mình sẽ luôn nghĩ ở vị trí phía trên người khác để suy nghĩ, hành động”. Ông kể, từng chứng kiến khuôn mặt vui sướng của con gái khi làm đội trưởng đội cờ đỏ, ghi phạt một bạn khác đi học muộn. Ông đã phải dùng giải pháp tỉ tê nhiều ngày để con gái hiểu, chấp nhận không ganh đua chức danh lớp trưởng để lui xuống làm lớp phó học tập trong nhiều năm.

Một phụ huynh khác chia sẻ: “thật nực cười, trẻ con lớp 2 biết gì mà gắn vào chức danh chủ tịch. Nghe to tát quá không phù hợp với lứa tuổi các cháu”.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, cái từ “chủ tịch” có thể khiến người ta hiểu ý nghĩa khác đi nhưng quan trọng là cách làm. Nếu cách làm tốt, học sinh thực sự được rèn luyện kỹ năng thì không có gì đáng bàn. Ông Lâm cũng khuyên, nên luân phiên vị trí này theo kỳ hoặc năm học và phụ huynh không nên can thiệp vào để con được làm chức này, vị trí nọ ở lớp.

Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) Nguyễn Xuân Khang bày tỏ: “Chưa có nghiên cứu sâu về mô hình nhưng học sinh lớp 2 mà chúng ta gắn vào vai từ chủ tịch, phó chủ tịch tôi e là quá sức so với độ tuổi, suy nghĩ của các cháu”.

Theo Tiền phong


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang