Giải pháp phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn
Bản tin Cảnh báo: Gà ủ muối hoa tiêu siêu rẻ - chất lượng có đảm bảo?
Cảnh báo: Chiêu trò giả mạo trang web bán vé concert lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Vinhomes Grand Park: Giải mã tầm nhìn 'triệu đô' từ căn hộ hạng sang The Beverly
Theo TS. Từ Minh Thiện - Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Dịch vụ Thái Bình Dương chia sẻ, thị trường nông sản hiện nay có 5 nhu cầu gồm: Thứ nhất, giá cả phải thực sự cạnh tranh. Theo ông Từ Minh Thiện, nông sản hiện nay đang cạnh tranh rất mạnh, đặc biệt là cạnh tranh với giá của nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan… Thứ hai, phải có khả năng cung cấp thường xuyên, đúng thời hạn. Thứ ba, có khả năng cung cấp số lượng lớn (ngành nông nghiệp của Việt Nam rất đa dạng, nhưng khả năng cung cấp số lượng lớn là chưa tốt). Thứ tư, phải có chất lượng tốt, vị ngon phải đồng đều và bao bì phải đảm bảo. Thứ năm, là an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Thiện cho biết, xu hướng tiêu thụ thực phẩm trên thế giới hiện nay chúng ta phải cố gắng xâm nhập được vào các thị trường ngách. Đồng thời, giao thoa giữa 3 vấn đề là sức khỏe, thuận tiện, thích thú. Đây là giá trị cốt lõi của sản phẩm, phải có sự khác biệt.
Các giải pháp thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng
Về vấn đề liên kết chuỗi cung ứng, TS. Từ Minh Thiện cho rằng, tất cả các liên kết cuối cùng chỉ để phục vụ khách hàng. Theo ông, có 3 loại liên kết là liên kết chiều ngang, liên kết chiều dọc và liên kết hỗn hợp. Đối với liên kết chiều ngang, ông cho rằng liên kết này khá phức tạp, làm sao mọi người hợp tác theo tinh thần của hợp tác xã một cách tự nguyện và có lợi. Việt Nam có thể nghiên cứu các mô hình hợp tác xã của Nhật Bản - đây là mô hình hợp tác xã rất thành công nhưng tại Việt Nam thì vẫn còn nhiều khó khăn, rất ít hợp tác xã thành công.
Liên kết chiều dọc cần phải có một doanh nghiệp lớn để dẫn đầu, như kiểu "chim đầu đàn". Liên kết này theo mô hình "đàn chim bay" và đây là mô hình rất quan trọng. Tuy nhiên, ông cho rằng, mô hình liên kết này lại khá lỏng lẻo. Một sự thay đổi về giá trên thị trường có thể làm liên kết này thay đổi ngay. Vai trò của địa phương rất quan trọng nhưng vẫn chưa rõ trách nhiệm, quyền lợi của địa phương khiến địa phương khó tham gia. “Trong khi đó, liên kết hỗn hợp sẽ khắc phục được một số nhược điểm của 2 loại liên kết trên. Các phương pháp đánh giá chuỗi cung ứng, trong đó, khó nhất là khả năng kiểm soát được lợi ích của các cá nhân và tổ chức trong chuỗi”, TS. Từ Minh Thiện đánh giá.
80% các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu hiện nay chủ yếu ở dạng nông sản thô, hàm lượng chế biến thấp. Ảnh minh họa
Nhận xét thực trạng chuỗi cung ứng nông sản hiện nay, TS. Từ Minh Thiện cho rằng, hiện nay việc đầu tư cho sản xuất nông sản chưa có nhiều và chưa dám đầu tư mạnh vì sản xuất nông sản khá bấp bênh. Do đó, cần phải tính được tổng cầu của tất cả thị trường rồi mới ra được kế hoạch sản xuất. Ông cũng cho rằng, Việt Nam có rất nhiều chính sách nhưng để tiếp cận chính sách không dễ, nhất là đối với người nông dân. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ cao vẫn còn hạn chế. “Liên kết giữa các vùng, trong sản xuất nông nghiệp không tính theo địa phương, mà phải tính theo vùng nguyên liệu mà vùng nguyên liệu tính theo thổ nhưỡng”, TS. Từ Minh Thiện chia sẻ.
Từ đó, TS. Từ Minh Thiện kiến nghị, cần nhiều tiềm năng để phát triển chuỗi cũng như để đạt được hiệu quả cao. Các giải pháp cần được triển khai đồng bộ, xuyên suốt và linh hoạt. Về lâu dài, cần thay đổi tư duy liên kết sản xuất kinh doanh của người sản xuất lẫn cấp quản lý. Ông cho rằng, trong giai đoạn đầu, vai trò nhà nước cũng như các Viện, Trường có ý nghĩa và tác động quan trọng trong việc hình thành và duy trì các thành viên trong liên kết theo chuỗi giá trị thông qua các chính sách ưu đãi vốn vay, hỗ trợ kỹ thuật và thị trường. Sau đó, sẽ giảm dần các hỗ trợ về tài chính, chỉ còn các hỗ trợ về mặt kỹ thuật, về xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Để dần dần, các chuỗi sẽ được hình thành và vận hành theo hướng tự giác, dựa trên hiệu quả kinh tế và sự hợp tác tự nguyện giữa các thành viên.
Một vấn đề khác quan trọng trong chuỗi cung ứng nông sản là logistics (gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm). Trong đó, với hạ tầng cứng, theo ông Trần Chí Dũng, Trưởng Ban Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam (VLA), Nghiên cứu Đề án Logistics đã được Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đề xuất (hệ thống trung tâm logistics 3 cấp: Trung tâm logistics tại các vùng sản xuất, Trung tâm logistics nông nghiệp gắn với thị trường trượng điểm, Trung tâm logistics phục vụ xuất nhập khẩu nông sản). Đề án này được Bộ trưởng phê duyệt và trình Thủ tướng nên các tỉnh có thể áp dụng. Tuy vậy với hạ tầng mềm, theo ông Dũng, nhiều người chưa quan tâm. “Điểm cực thiếu đó là công nghệ thông tin, chưa có áp dụng nào phù hợp để hỗ trợ liên kết nông sản. TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh xung quanh cần hình thành một mạng lưới vừa sản xuất và tiêu thụ. Trong thời đại này tất cả nhu cầu đều được dự đoán trước nên cần có những hệ thống thông minh để thực hiện”- ông Dũng nêu ý kiến.
Ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn đang nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu với nhiều sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu cao như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, hoa quả,… Đây là những mặt hàng nông sản chủ lực có tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Những mặt hàng này luôn là thế mạnh của Việt Nam bởi các lợi thế cạnh tranh quốc gia mang lại. Theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/07/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp là hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Tuy vậy, theo đánh giá của Viện Công nghệ sau thu hoạch, do trình độ phát triển và chi phí đầu tư cho công nghiệp chế biến còn thấp nên tỷ lệ sản phẩm nông sản chế biến đạt chất lượng quốc tế mới chỉ đạt khoảng trên dưới 10% và số doanh nghiệp chế biến nông sản đăng ký chất lượng sản phẩm hiện mới dừng ở tỷ lệ khoảng 15%. Chính vì vậy, để tham gia chuỗi cung ứng hàng nông sản an toàn và bền vững, trước hết nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp qua việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao hiệu lực hợp đồng và hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước tạo điều kiện cho liên kết phát triển.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự quyết tâm của các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam phải tự vận động đi lên bằng cách đầu tư thích đáng cho công nghệ, liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, với vai trò là trung tâm chuỗi, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cũng cần có sự kết nối chặt chẽ với các thành viên khác trong chuỗi. Việc này sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu hình thành các chuỗi cung ứng nông sản để có thể đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu.
Khánh Mai (t/h)