Giảm phát thải khí nhà kính giúp doanh nghiệp nhựa phát triển bền vững

author 14:04 28/03/2024

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia, vấn đề phát triển bền vững, bảo vệ môi trường đang là thách thức chính đối với doanh nghiệp sản xuất nhựa Việt Nam, buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi theo xu hướng xanh hóa.

Sự kiện: DẤU CHÂN CARBON

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam trong 9 tháng của năm 2023 đạt 3,711 tỷ USD, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng trong tháng 9/2023, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa đạt 416,4 triệu USD, giảm 10,8% so với tháng 8/2023 nhưng tăng 8% so với tháng 9/2022.

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, khó khăn kinh tế khiến xuất khẩu sản phẩm nhựa Việt Nam sang các thị trường lớn trong 9 tháng của năm 2023 hầu hết giảm so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên thời gian qua, ngành nhựa đã có dấu hiệu hồi phục với mức tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước.

Hơn thế, các chuyên gia cũng cho rằng, với sự phục hồi của ngành hàng tiêu dùng và xây dựng, những nhóm đầu ra lớn nhất của ngành nhựa hiện tại cũng cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của công nghiệp nhựa Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề phát triển bền vững, bảo vệ môi trường đang là thách thức chính đối với doanh nghiệp nhựa Việt Nam, buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi theo xu hướng xanh hóa.

Doanh nghiệp sản xuất nhựa cần hướng tới sản xuất xanh, giảm dấu chân cacbon để phát triển bền vững. Ảnh minh họa

Hiện nay các doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam được hưởng các ưu đãi từ các FTA giúp sản phẩm nhựa của Việt Nam xuất khẩu đi các nước thành viên được hưởng thuế suất 0% hoặc gần bằng 0%. Đây là cơ hội rất lớn để tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nhựa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên để hưởng được những lợi thế này, doanh nghiệp ngành nhựa phải tuân thủ các quy tắc, quy định của các Hiệp định FTA và thị trường quốc tế, như quy tắc xuất xứ, cam kết về phát triển bền vững… Ngoài ra, trong xu hướng hiện nay, người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường.

Theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA), sản phẩm của ngành nhựa, bao bì là đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Do vậy, dù trong tình hình khó khăn chung, ngành nhựa vẫn có đơn hàng, doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất. Các doanh nghiệp ngành nhựa luôn nghĩ tới chu kỳ vòng đời sản phẩm và thu gom, tái chế ra sao, qua đó có giải pháp và hướng tích cực bảo vệ môi trường thời gian tới để phục hồi và phát triển.

Thực tế thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành nhựa đã chú trọng đầu tư để dần xanh hóa quy trình sản xuất, giảm "dấu chân carbon" trong hoạt động kinh doanh và tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường bằng cách sử dụng các nguyên liệu xanh như chất dẻo phân hủy sinh học; nâng cấp công nghệ, quy trình, sử dụng năng lượng sạch và các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tăng cường hiệu quả năng lượng trong sản xuất…

 
'Dấu chân carbon' là gi?
Dấu chân carbon (carbon footprint) là định nghĩa để mô tả về lượng khí nhà kính được tạo ra từ quá trình sản xuất, sử dụng các sản phẩm công nghiệp hoặc dịch vụ của con người. Các loại khí này bao gồm CO2, khí metan (CH4), nitơ oxit (NO2) và flo (F).
Những loại khí nhà kính này có ảnh hưởng tới sức khỏe con người và giữ nhiệt trong khí quyển, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.
 

Điển hình, mô hình tái chế nhựa của Công ty Tái chế Nhựa Duy Tân đảm bảo 100% các chai nhựa được thu gom theo tiêu chuẩn thông qua các trung tâm thu gom của nhà máy được liên kết với hơn 100 trạm thu gom vệ tinh tại các địa phương. Chai nhựa thu gom sẽ được phân loại, tách nhãn, nắp, sau đó được ép thành kiện. Kiện chai tiếp đó được đưa vào quy trình tái chế để tạo ra hạt nhựa thành phẩm. Các hạt thành phẩm đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng cho bao bì thực phẩm theo tiêu chuẩn FDA. Hay mô hình sản phẩm nhựa sinh học phân hủy hoàn toàn của Công ty Nhựa An Phát Xanh được làm từ các vật liệu, chất dẻo có khả năng phân hủy hoàn toàn như PBAT, PLA, PBS…bởi vi sinh vật thành nước, khí CO2, mùn hữu cơ trong môi trường tự nhiên hoặc công nghiệp và không gây hại đến môi trường xung quanh.

Các chuyên gia cũng nhận định trong tương lai gần, nhu cầu ngày càng tăng từ ngành xây dựng dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường nhựa. Phân khúc nhựa xây dựng hiện đang chiếm 1/4 thị phần ngành nhựa trong nước. Các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, cùng số lượng ngày càng nhiều nhà máy được lắp đặt mới đang làm gia tăng mạnh nhu cầu về nhựa xây dựng và nhựa kỹ thuật trong nước. Ngành công nghiệp nhựa Việt Nam trong quá trình chuyển dịch sang nền công nghiệp nhựa tái chế văn minh, tiếp cận được những công nghệ tiên tiến nhất, điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh với các công nghệ xanh trên thế giới.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang