Hậu Giang hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp về nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa

author 06:12 21/05/2024

(VietQ.vn) - Thời gian qua tỉnh Hậu Giang đã không ngừng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa để mở rộng thị trường.

Nền kinh tế thị trường, với sự tồn tại khách quan của quy luật cạnh tranh đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế đất nước nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Bất kỳ doanh nghiệp nào dù muốn hay không cũng đều chịu sự chi phối của quy luật cạnh tranh. Nó đòi hỏi mỗi doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải tìm cách thích ứng với thị trường cả về không gian và thời gian, cả về chất lượng và số lượng.

Cạnh tranh là động cơ buộc các doanh nghiệp tìm hiểu các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Nói cách khác, doanh nghiệp phải có một hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm một hệ thống quản lý chất lượng đồng bộ. Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là tiêu chuẩn, là yếu tố quan trọng hàng đầu, giúp doanh nghiệp cải thiện, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, giữ được khách hàng cũ, thu hút khách hàng mới, mở rộng thị trường tạo cơ sở cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Nhận thức được tầm quan trọng này, để tiếp tục thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 41 Thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2024.

Tỉnh Hậu Giang không ngừng hỗ trợ doanh nghiệp trong nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ảnh minh họa

Chương trình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa của tỉnh trên thị trường. Từ đó, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong năm 2024, chương trình sẽ hỗ trợ 6 doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO 9001, 14000, 22000, 50001, 17025, SA 8000, HACCP, VietGAP, GlobalGAP,…; áp dụng và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh. Hỗ trợ 4 doanh nghiệp áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù của ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về hệ thống quản lý mới được công bố.

Chương trình còn hỗ trợ 2 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài và quy chuẩn kỹ thuật. Hỗ trợ 1 doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo để nâng cao trình độ, kiến thức cho chuyên gia và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng (Kaizen, 5S, Six Sigma, các công cụ thống kê,...), công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù của ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về hệ thống quản lý mới được công bố. 

Để đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế năm 2024” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động đo lường. Hỗ trợ xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp, góp phần phát triển đồng bộ hoạt động đo lường.

Theo kế hoạch, năm nay, đề án sẽ đầu tư phát triển 1 chuẩn đo lường chính của tỉnh đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp. Theo đó, 100% thiết bị, chuẩn đo lường tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ được kiểm soát và kiểm định định kỳ theo quy định. Trên 30 lượt người tham gia hoạt động đo lường sẽ được bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Trên 6 doanh nghiệp sẽ được triển khai Chương trình đảm bảo đo lường thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và hoạt động xây dựng phương pháp đo.

Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh còn ban hành Kế hoạch Thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2024. Qua đó, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kiến thức về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, mã số, mã vạch cho khoảng 40 lượt cán bộ, công chức, viên chức và 50% doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hợp tác xã, tổ hợp tác xã có nhu cầu xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch trên phấn đấu có 30% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan và đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước. Xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật và cơ sở dữ liệu thông tin cần thiết để triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh, đảm bảo kết nối với Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cũng cho biết, để xây dựng Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình năng suất chất lượng tỉnh Hậu Giang năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tiếp nhận đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2024. Trong đó, ưu tiên các lĩnh vực đăng ký xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO 9001, 14000, 22000, 50001, 17025, SA 8000, HACCP, VietGAP, GlobalGAP…; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh.

Xây dựng, áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng (Kaizen, 5S, Six Sigma, các công cụ thống kê,…), công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù của ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về hệ thống quản lý mới được công bố. Chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài, quy chuẩn kỹ thuật. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2024.

Ông Lý Hùng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, cho biết: “Việc triển khai các chương trình, đề án là trợ lực quan trọng cho các doanh nghiệp của tỉnh trong quá trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên thị trường".

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang