Công ty cổ phần tập đoàn Nusee bị 'sờ gáy' về hoạt động quản lý, quảng cáo mỹ phẩm

author 05:52 24/08/2023

(VietQ.vn) - Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa đề nghị Sở Y tế Hà Nội kiểm tra hoạt động liên quan đến quản lý mỹ phẩm của Công ty cổ phần tập đoàn Nusee.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn đề nghị Sở Y tế Hà Nội tiến hành kiểm tra hoạt động tuân thủ, chấp hành các quy định về quản lý mỹ phẩm của Công ty cổ phần tập đoàn Nusee, trong đó có hoạt động quảng cáo các sản phẩm thương hiệu “mỹ phẩm Nusee”.

Theo đó, Cục Quản lý Dược cho biết, qua tra cứu cơ sở dữ liệu tại hệ thống trực tuyến tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm nhập khẩu kết nối Cổng thông tin một cửa Quốc gia, Cục Quản lý Dược chưa cấp phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm cho Công ty cổ phần tập đoàn Nusee.

Từ đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế Hà Nội tiến hành kiểm tra hoạt động tuân thủ, chấp hành các quy định về quản lý mỹ phẩm của Công ty cổ phần tập đoàn Nusee, trong đó có hoạt động quảng cáo các sản phẩm thương hiệu “mỹ phẩm Nusee”. Trường hợp phát hiện có vi phạm các quy định hiện hành về công bố, kinh doanh, quản cáo mỹ phẩm, đề nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế Hà Nội kiểm tra Công ty cổ phần tập đoàn Nusee. Ảnh: ĐBND

Cục Quản lý Dược cũng cho biết, việc quản lý mỹ phẩm thực hiện theo quy định của Hiệp định mỹ phẩm Asean và Thông tư số 7/VBHN-BYT năm 2021 do Bộ Y tế ban hành. Đây là Thông tư được hợp nhất giữa Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm và được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 29/2020/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm.

Thông tư này quy định việc quản lý các sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước, mỹ phẩm nhập khẩu để lưu thông trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, bao gồm: công bố sản phẩm mỹ phẩm; hồ sơ thông tin sản phẩm; yêu cầu về an toàn sản phẩm; ghi nhãn mỹ phẩm; quảng cáo mỹ phẩm; xuất khẩu, nhập khẩu mỹ phẩm; lấy mẫu mỹ phẩm để kiểm tra chất lượng; kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, nhập khẩu mỹ phẩm và quyền của người tiêu dùng. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về mỹ phẩm, các tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động liên quan đến công bố sản phẩm mỹ phẩm, thông tin, quảng cáo, xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất, buôn bán sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam.

Theo đó, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại khi sản phẩm lưu thông trên thị trường. Tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường phải có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam.

Thông tư trên cũng quy định nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu: Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm và tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của hiệp hội quốc tế (nếu có). Quảng cáo mỹ phẩm phải có các nội dung sau: Tên mỹ phẩm, tính năng, công dụng của mỹ phẩm; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, các cảnh báo theo quy định của hiệp định quốc tế.

Các đơn vị chỉ được phép quảng cáo, tổ chức hội thảo, sự kiện giới thiệu các sản phẩm mỹ phẩm khi có Phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo, tổ chức hội thảo, sự kiện giới thiệu mỹ phẩm theo quy định của pháp luật.

Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu chứng minh tính an toàn và hiệu quả của mỹ phẩm và phải tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của ASEAN.

An Dương(T/h) 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang