Kiên Giang xử lý 7 doanh nghiệp do kinh doanh trang sức giả mạo nhãn hiệu

author 07:11 04/02/2024

(VietQ.vn) - Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang vừa kiểm tra, xử lý 07 doanh nghiệp do kinh doanh trang sức giả mạo nhãn hiệu.

Trong đợt cao điểm, từ ngày 02 đến ngày 17 tháng 01 năm 2024, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang đã phối hợp Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Kiên Giang tiến hành kiểm tra đột xuất 07 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức trên địa bàn thành phố Rạch Giá, thành phố Phú Quốc, thành phố Hà Tiên, các huyện An Biên, Giồng Riềng.

Qua kiểm tra, phát hiện tại các doanh nghiệp đang kinh doanh các sản phẩm trang sức gắn nhãn hiệu của CHANEL, có dấu hiệu vi phạm về sở hữu công nghiệp nên đã lập biên bản tạm giữ, niêm phong toàn bộ hàng hóa bao gồm: 62 sản phẩm trang sức là vòng đeo tay, lắc đeo tay, mặt dây chuyền, bông đeo tai các loại để tiếp tục xác minh, làm rõ.

 Kiên Giang phát hiện 7 doanh nghiệp đang kinh doanh các sản phẩm trang sức gắn nhãn hiệu của CHANEL, có dấu hiệu vi phạm về sở hữu công nghiệp. Ảnh: Cục QLTT Kiên Giang

Căn cứ dấu hiệu vi phạm, Đội Quản lý thị trường số 1 đã gửi văn bản đến đại diện chủ thể quyền để xác định số tang vật nêu trên và kết quả toàn bộ tang vật đang bị tạm giữ đều là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Qua quá trình xác minh, làm việc và xác định vi phạm, Đội Quản lý thị trường số 1 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 07 doanh nghiệp nêu trên do đã có hành vi vi phạm “Trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu”.

Do các vụ việc đều vượt thẩm quyền xử phạt của đội trưởng, Đội Quản lý thị trường số 1 đã chuyển hồ sơ đến Cục Quản lý thị trường để trình Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị xử phạt đối với 07 Doanh nghiệp với tổng số tiền là 870.000.000 đồng và đồng thời buộc tiêu huỷ 62 sản phẩm vi phạm có tổng trị giá trên 500 triệu đồng.

Qua vụ các việc nêu trên, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm trang sức nói chung, mặt hàng vàng nói riêng trên địa bàn tỉnh phải thường xuyên tìm hiểu, nắm vững kiến thức pháp luật đối với các loại hàng hóa đang kinh doanh tại doanh nghiệp mình, không tàng trữ, buôn bán những mặt hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, cũng như thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình kinh doanh, trường hợp phát hiện sẽ bị xử lý hành chính rất nặng hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang kêu gọi: “Chung tay đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và thương nhân”.

Liên quan tới hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, căn cứ theo quy định tại Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (bổ sung năm 2009) quy định hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ bao gồm những loại hàng hóa sau: Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu) và hàng hoá sao chép lậu.

Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Hàng hoá sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.

Tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ là gì?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 22/2013/TT-BKHCN quy định về công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn đối với vàng trang sức, mỹ nghệ như sau:

Tiêu chuẩn công bố áp dụng là tập hợp các thông số kỹ thuật và thông tin bắt buộc theo quy định tại Thông tư này hoặc nội dung cần thiết khác về sản phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ tự công bố (dựa trên tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn cơ sở).

Như vậy, tiêu chuẩn công bố áp dụng là tập hợp các thông số kỹ thuật và thông tin bắt buộc theo quy định tại Thông tư này hoặc nội dung cần thiết khác về sản phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ tự công bố (dựa trên tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn cơ sở).

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang