Làm sao để hạn chế tình trạng nông sản, thực phẩm Việt bị trả về?

author 06:02 27/06/2017

(VietQ.vn) - Chuyên gia cho rằng giải pháp then chốt nhằm hạn chế tình trạng hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam bị trả về là nâng cao chất lượng sản phẩm, điều chỉnh lại các bộ tiêu chuẩn hàng hóa

Nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt Nam bị trả về, nguyên nhân do đâu?

Thời gian gần đây, không ít các mặt hàng xuất khẩu Việt bị trả lại do chưa đáp ứng đủ và đúng các yêu cầu khắt khe từ những nước nhập khẩu lớn và khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản, Australia. Trong đó, các mặt hàng nông sản, thực phẩm chiếm số lượng lớn trong những sản phẩm bị trả về. Lý giải về tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự bất cập về quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, xét về khía cạnh chất lượng, việc các thị trường lớn trên thế giới từ chối nhập khẩu hàng Việt do còn tồn dư lượng thuốc kháng sinh cao, kim loại nặng và ô nhiễm vi sinh... Theo nhận định của Bộ Công Thương, các thị trường xuất khẩu đang ngày càng gia tăng các tiêu chuẩn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản, gạo, rau quả...

Bên cạnh Australia, Hàn Quốc vừa qua cũng yêu cầu tôm nhập khẩu phải thực hiện kiểm dịch… đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp tục tăng, nhưng chủ yếu là do giá tăng. Một trường hợp khác là xuất khẩu gạo đã sụt giảm mạnh bởi tác động kép từ việc thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc thiết lập tiêu chuẩn nhập khẩu gạo từ các nước Asean khiến cho xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này giảm mạnh.

Nói về vấn đề này, bà Miriam Garcia-Ferrer, Tham tán thứ nhất của Phái đoàn EU tại Việt Nam nói rằng việc nhập khẩu nông sản, thực phẩm của EU từ Việt Nam còn rất khiêm tốn, chiếm tỷ trọng chỉ 1,8% và đa phần là những sản phẩm thô, có giá trị thấp. Trong đó, xuất khẩu nhiều là cà phê, trà, thủy hải sản, trái cây, riêng các sản phẩm ngũ cốc, sản phẩm sữa, rau, thịt vẫn chiếm tỷ trọng ít. Nguyên nhân từ tình trạng trên cũng xuất phát từ việc hàng hóa Việt còn nhiều điểm yếu kém về chất lượng.

Nông sản, thực phẩm Việt còn gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu, nhiều mặt hàng bị trả về. (Ảnh minh họa )

Ở một góc nhìn khác, PGS.TS. Phạm Tất Thắng cho rằng việc hàng hóa của Việt Nam còn bị trả về nhiều còn do tiêu chuẩn hàng hóa của Việt Nam hiện nay không hòa nhập và thấp xa so với tiêu chuẩn của thế giới. Chính vì thế cần phải điều chỉnh lại các bộ tiêu chuẩn, đồng thời phải cập nhật cho được những thay đổi về rào cản kỹ thuật đối với từng mặt hàng ở từng thị trường để cung cấp một cách thường xuyên cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

“Trong khi các quốc gia đã dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật thì rào cản kỹ thuật ở nước ta vẫn chưa được chú ý một cách đúng mức. Việc ý thức để đảm bảo không bị vấp phải hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được thường xuyên, chưa trở thành sự sống còn của các doanh nghiệp, nên cần phải thay đổi”, PGS.TS. Phạm Tất Thắng cho hay.

Nói về những vướng mắc trong vấn đề tiêu chuẩn, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết Quy định “Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” tại Nghị định 38 vẫn chưa được quy định trong Luật An toàn thực phẩm.

Có thể thấy, thực phẩm xuất khẩu vừa phải đáp ứng yêu cầu của nước xuất khẩu, đối tác xuất khẩu, vừa phải đáp ứng yêu cầu của Việt Nam đã khiến cho doanh nghiệp mất thêm thời gian, chi phí để thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp và các thủ tục liên quan nhằm đáp ứng các Quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) cũng như các quy định liên quan của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, một số sản phẩm hàng hóa nhóm 2 vẫn chưa có QCVN. Trong khi đó, QCVN lại quy định dàn trải, chia nhỏ đối tượng để quản lý. Chưa kể, Nghị định 66/2016/NĐ-CP thiếu sự thống nhất trong quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thực phẩm giữa ba bộ là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương; chưa phân biệt rõ điều kiện đầu tư kinh doanh thực phẩm và điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Những vướng mắc này đang là thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm nhưng cũng là thách thức lớn cho các cơ quan quản lý. Trong khi đó, điều khiến các doanh nghiệp lo lắng hiện nay chính là đứng trước áp lực hàng hóa xuất khẩu không đáp ứng được yêu cầu, bị đối tác trả về, doanh nghiệp vừa bị thiệt hại về kinh tế, vừa bị giảm uy tín.

Giải pháp xây dựng thương hiệu mạnh cho hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu Việt

Chia sẻ về những giải pháp nhằm xây dựng thương hiệu mạnh cho hàng hóa sản phẩm đặc biệt là nông sản, thực phẩm của Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cùng với việc tìm kiếm các thị trường mới thì Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc vẫn là các thị trường xuất khẩu lớn và là các đối tác quan trọng của Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các mặt hàng, đáp ứng các yêu cầu cao về tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu tại các thị trường này

Về phía EU, bà bà Miriam Garcia-Ferrer cho rằng thời gian tới, để xuất khẩu tốt sang thị trường EU, các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm của Việt Nam cần xác định thuế suất ưu đãi và các quy tắc xuất xứ từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), sẽ có hiệu lực từ năm 2018. Hơn nữa, các doanh nghiệp cần đảm bảo tuân thủ mọi yêu cầu về các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) của EU cũng như nên thực hiện các yêu cầu kỹ thuật, đóng gói, ghi nhãn… nhất là những quy tắc chung về vật liệu tiếp xúc với thực phẩm.

Nâng cao chất lượng các mặt hàng xuất khẩu là khâu then chốt để hạn chế tình trạng hàng Việt bị trả về. (Ảnh minh họa) 

Thực tế cho thấy, hiện chỉ 4% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có quy trình chế biến nông – thủy sản đáp ứng được quy định của các thị trường lớn như EU hay Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Còn lại, hầu hết doanh nghiệp chưa đáp ứng nổi.

Còn theo ý kiến của ông Phạm Tất Thắng, các doanh nghiệp của Việt Nam không có cách nào khác là phải vươn lên để có được sản phẩm đảm bảo được yêu cầu của các thị trường thế giới và nếu các doanh nghiệp vượt qua được điều này coi như đã được cấp giấy thông hành cho sản phẩm hàng hóa vươn ra khắp thế giới, đảm bảo đáp ứng tốt sự phát triển trong bối cảnh hội nhập.

Phong Lâm

Xuất khẩu nông sản vẫn đi qua 'khe cửa hẹp'(VietQ.vn) - Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), hiện nay ngành xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức bởi sự cạnh tranh gay gắt với các nước khác trên thị trường xuất khẩu.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang