Luật sư: Đối tượng hành hung 2 phóng viên phải bị xử lý nghiêm minh

author 07:07 21/07/2018

(VietQ.vn) - Đó là khẳng định của Ths. Ls Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Hà Nội về vụ việc 2 phóng viên bị hành hung tại Văn Quán (Hà Đông – Hà Nội).

Vừa qua, hai phóng viên Hà Văn L. và Nguyễn Hải S. của báo Gia đình Việt Nam đến số 5 ngõ 82, đường Nguyễn Khuyến, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội để làm việc theo lịch đã được hai bên hẹn trước thì bị 2 đối tượng (trong đó có người tên Huy) uy hiếp, đập điện thoại, chặt thẻ hội viên Hội Nhà báo và dùng những lời lẽ đe dọa, sau đó tiếp tục hành hung, đánh vào đầu và hủy toàn bộ giấy tờ liên quan của hai phóng viên. Sau khoảng 1 giờ đồng hồ, phóng viên Nguyễn Hải S. thoát được ra ngoài, báo về tòa soạn đồng thời nhờ Công an phường Văn Quán giúp đỡ, còn phóng viên Hà Văn L. vẫn bị các đối tượng giữ không cho ra ngoài.

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam online (Vietq.vn) về sự viêc trên, Ths. Ls Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Hà Nội cho rằng: Đây là vụ việc trên là hết sức nghiêm trọng, thể hiện thái độ manh động, coi thường pháp luật, xâm hại nghiêm trọng tới hoạt động báo chí, xâm phạm tới sức khỏe, tài sản, danh dự nhân phẩm và quyền tự do đi lại của công dân... Vì vậy, cơ quan công an cần khẩn trương vào cuộc, xác minh làm rõ và xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng vi phạm.

Trong vụ việc này có dấu hiệu tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật bao gồm: Xâm phạm quyền tự do báo chí; xâm phạm quyền tự do đi lại, tự do thân thể công dân; xâm phạm sức khỏe và tài sản của công dân... Vì vậy, hành vi của các đối tượng này liền một lúc xâm hại tới nhiều khách thể được luật hình sự bảo vệ.

Luật sư: Đối tượng hành hung 2 phóng viên phải bị xử lý nghiêm minh

 Đối tượng hành hung 2 phóng viên báo Gia đình Việt Nam. Ảnh Thương hiệu và Công luận.

Với hành vi cản trở phóng viên, nhà báo tác nghiệp, lăng mạ, xúc phạm, chặt thẻ Hội viên hội nhà báo, hủy giấy tờ của hai phóng viên nêu trên... thì các đối tượng này có thể bị xử lý về tội xâm phạm tới quyền tự do báo chí theo quy định tại Điều 167 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, hình phạt có thể tới 5 năm tù. Cụ thể tội danh và hình phạt được Bộ luật hình sự quy định như sau:
Điều 167. Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm.
Hành vi đập phá điện thoại của phóng viên là có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Sau khi thu thập đầy đủ dấu vết, vật chứng vụ án là chiếc điện thoại vỡ, lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng và của các đối tượng có liên quan, đồng thời kết quả định giá chiếc điện thoại xác định thiệt hại từ 2.000.000 đồng trở lên thì đối tượng đập điện thoại của phóng viên sẽ bị khởi tố về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đối với hành vi bắt, giữ người trái pháp luật thì hành vi này có thể bị xử lý về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 157 Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy định như sau:
Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người thi hành công vụ;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Làm cho gia đình người bị giam, giữ lâm vào tình trạng khó khăn, quẫn bách;
h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật chết hoặc tự sát;
b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật 46% trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm
Đối với hành vi hành hung, cố ý gây thương tích thì cơ quan điều tra sẽ cho nạn nhân đi giám định thương tích. Nếu có thương tích đủ tỷ lệ để khởi tố về tội cố ý gây thương tích thì các đối tượng trên sẽ bị xử lý về tội cố ý gây thương tích. Nếu hành vi gây thương tích không cấu thành tội phạm độc lập thì vẫn có thể xem xét là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt cùng với hành vi chống người thi hành công vụ.
Vụ việc này cần phải làm rõ và xử lý nghiêm minh trước pháp luật để đảm bảo hoạt động báo chí được hoạt động đúng pháp luật, vì sự phát triển và tiến bộ xã hội.

 Hoàng Lê

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang