Nên quy định học khá mới được thi Đại học?

author 07:41 12/08/2013

(VietQ.vn) - Những thí sinh trung bình chỉ làm khổ cha mẹ vì phải chi tốn kém mà chẳng hề có hy vọng. Do vậy chúng ta có nên quy định muốn dự thi đại học phải có học lực từ khá trở lên?

Kỳ thì đại học, kỳ thi được coi là nghiêm túc nhất trong các kỳ thi ở nước ta vừa khép lại. Xin được góp ý cải cách kỳ thi này.

Chưa thể bỏ thi chung

Có ý kiến cho rằng, cứ cho vào đại học rồi kiểm định chặt chẽ ở đầu ra như nhiều nước trên thế giới. Nhưng ở nước ta chưa thể làm thế vì: Cơ sở vật chất các trường ĐH của ta chưa đủ đáp ứng số lượng sinh viên đông như vậy. Hai là, sau ba, bốn năm học trong trường, quan hệ giữa sinh viên và những người có thẩm quyền cho tốt nghiệp đã “thân mật” lắm, không thể đảm bảo vô tư khách quan…

Cần khẳng định trong cách tổ chức thi đại học hiện nay có hai điều cần thiết, chưa nên có sự thay đổi gì, nếu chưa có cách hay hơn.

Một là thi chung đề và Bộ Giáo dục độc quyền ra đề. Cứ nghĩ lại cái thời mỗi trường tự ra đề cho trường mình mà khiếp. Lò luyện mở ra khắp nơi. Các vị có quyền ra đề (cả thật và giả danh) đều đắt hàng như tôm tươi.

Chẳng cần những người có quyền ấy, chỉ cần một thầy có mối quan hệ gì đó với những người ra đề (theo đồn đoán) cũng đã đắt khách rồi. Vào được các lớp do các thầy này dạy, học phí cao ngất ngưởng, mà phải học từ vài ba  năm trước, mà lại khó khăn, không phải ai cũng có thể tiếp cận.

Nó là cái “niềm hy vọng” cho những học sinh kém  muốn cầu may. Từ khi có quy định đề thi chung, nạn này sạch hẳn. Đề thi đảm bảo giữ bí mật, khó có thể “bật mí”. Vẫn có các lò luyện, nhưng lò luyện trở về với gần đúng cái nghĩa của nó, không còn là nơi “bí mật được tiết lộ”. Số học sinh kém cố sống có chết thi đại học nhờ may rủi cũng giảm hẳn. Thỉnh thoảng bây giờ, một số trường cứ kêu gào đòi “quyền tự chủ” để giành lại quyền ra đề thi. Tôi xin phép được nghi ngờ cái quyền tự chủ này lắm.

Hai là thí sinh phải tập trung về thi ở một nơi (nơi trường có trụ sở). Điều này có gây phiền phức cho thí sinh, tốn kém tiền đi lại, ăn ở, người đi theo…Nhưng biết làm sao được?...

Việc làm này cũng góp phần đảm bảo cho việc thi cử tương đối nghiêm túc. Cái thời thi ở các địa phương, nếu ai đã được chứng kiến thì phải nói là …kinh hoàng. Mỗi tỉnh có một Ban tuyển sinh chịu trách nhiệm tập hợp hồ sơ thí sinh và tổ chức thi. Ban này trực thuộc ủy ban tỉnh nên quyền của nó to lắm.

Các trường đại học đưa người về coi thi phải tuân thủ sự sắp xếp của  Ban này. Mỗi lần thi cử, cái Ban này được dịp chứng minh cho mọi người biết thế nào là “phép vua thua lệ làng”. Ôi chao!  Giám thi từ Hà Nội về được “cơm bưng nước rót”tất nhiên không phải là miễn phí. Cái phí phải trả là thái độ làm ngơ.

Trường thi mà vòng trong vòng ngoài, bên trong thì các giám thị  (kể cả không phải là giám thị) như con thoi qua lại. Và những giám thị làm đúng chức trách luôn luôn chịu sức ép, thậm chí còn sợ bị hành hung vì không chịu để cho người ta gian lận theo yêu cầu. Hết mỗi đợt thi, nhiều tốp giám thị còn phải có người hộ tống ra xe để trở về. Tôi không dám đảm bảo tập trung thi một nơi như hiện nay đã đảm bảo nghiêm túc 100%, nhưng chắc chắn là nghiêm túc hơn thi ở các địa phương.

Chỉ cho học sinh khá trở lên thi ĐH?

Để cho kỳ thi cần thiết này bớt đi phần nặng nề, đỡ tốn kém tiền của và công sức cho cả thí sinh lẫn người tổ chức, đồng thời có thể đảm bảo chặt chẽ và nghiêm túc hơncần giảm bớt số lượng thí sinh dự thi.

Như năm nay, theo thống kê, có khoảng hơn 2 triệu thí sinh nộp hồ sơ, trong đó có 1,3 triệu thí sinh dự thi để chọn lấy 605 nghìn người. Có số dư hơn 7 trăm nghìn là do một số thí sinh nộp nhiều hồ sơ. Vấn đề là phải xử lý số 1,3 triệu thí sinh dự thi.

Công bằng mà nói,chỉ cần có sức học trung bình một cách vững vàng là có thể trúng tuyển vào đại học (điểm cao hay thấp còn tùy thuộc vào trường). Như năm nay, điểm sàn vào đạihọc có 13 điểm.

Nhưng cách cho điểm của các nhà trường phổ thông hiện nay quá “hào phóng” (cùng với sự lạm phát các danh hiệu), khiến cho điểm không còn là căn cứ để đánh giá học lực nữa.

Trong hoàn cảnh hiện nay, lớp nào cũng có những học sinh “ngồi nhầm lớp”, đến lớp 12 thì số “ngồi nhầm lớp” này đã tích tụ sau12 năm, trở thành con số không hề nhỏ. Số lượng bài làm chỉ được 0 hoặc 1, 2 điểm trong kỳ thi đại học hàng năm đã chứng tỏ điều ấy.

 Theo thống kê mới nhất năm nay, trường đại học Quảng Nam 900 thí sinh thi môn Sử chỉ có 9 người  đạt điểm 5 trở lên, trường đại học Văn hóa thành phố HCM môn Sử chỉ có 3,6% thí sinh có điểm trung bình trở lên. Các môn khác chắc cũng trong tình trạng tương tự.

Những thí sinh này đi thi chỉ làm khổ cha mẹ vì phải  chi phí khá tốn kém mà chẳng hề có chút hy vọng nào  vì họ không  đủ năng lực dự kỳ thi này. Cho nên, muốn dự thi đại học phải có học lực từ khá trở lên.

Quy định này có hai cái lợi. Một là trong quá trình học tập của 3 năm trung học phổ thông, học sinh phải liên tục cố gắng để đạt trình độ khá. Và hai là tác dụng phân luồng. Những học sinh đủ điều kiện thì thi vào đại học. Những học sinh có kết quả học tập thấp hơn sẽ thi vào các trường dạy nghề. Số lượng thí sinh dự thi chắc chắn sẽ giảm.

Dương Đình Giao

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang