Ngành dệt may đối mặt nhiều khó khăn từ nay đến cuối năm, đâu là giải pháp?

author 20:02 22/06/2023

(VietQ.vn) - Từ nay đến cuối năm, thị trường dệt may Việt Nam được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn với sự thiếu hụt mạnh về đơn hàng và chi phí đầu vào tăng cao. Vậy đâu là giải pháp sống còn giúp ngành dệt may vượt qua thách thức?

Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 14,422 tỷ USD, giảm 21,42% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ tính riêng tháng 5/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 2,780 tỷ USD, giảm 8,73% so với tháng trước và giảm 27,16% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy bức tranh trầm lắng của ngành dệt may từ đầu năm đến nay khi ngành này phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, sức mua giảm mạnh.

 Ngành dệt may dự báo đối mặt nhiều khó khăn từ nay đến cuối năm do thiếu hụt đơn hàng. Ảnh minh họa.

Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, khó khăn thể hiện ở 2 lĩnh vực chính gồm ngành sợi và ngành may. Cụ thể, đối với ngành may hết sức linh hoạt trong sản xuất, phải chấp nhận làm đơn hàng nhỏ, số lượng ít nhưng đòi hỏi thời hạn giao hàng nhanh hơn, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật tốt hơn, chất lượng cao hơn. Ngành sợi cũng phải chấp nhận tìm thêm các thị trường mới ngoài Trung Quốc, thị trường nội địa, các doanh nghiệp FDI.

Doanh nghiệp cũng phải linh hoạt về sản phẩm, đặc biệt khi các yêu cầu của thế giới, nhà sản xuất như yếu tố xanh, sử dụng xơ và sợi tái chế để làm sao đảm bảo duy trì sản xuất, đảm bảo được nguồn lực lao động và làm sao vẫn đảm bảo được dòng tiền để hoạt động.

Dự báo cho thấy, trong các tháng còn lại của năm 2023, thị trường dệt may và thời trang vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra dịch Covid 19... Thị trường dệt may Việt Nam cũng được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn với sự thiếu hụt mạnh về đơn hàng và chi phí đầu vào tăng cao. Các thị trường xuất khẩu chính vẫn chưa phục hồi trong khi đó cạnh tranh gay gắt vẫn diễn ra ở thị trường nội địa với sự tham gia của nhiều thương hiệu, doanh nghiệp nước ngoài.

Trước những thách thức nêu trên, chia sẻ với báo chí, ông Trương Văn Cẩm - Chủ tịch VITAS đặt ra 3 giải pháp cho ngành dệt may Việt Nam trong năm 2023. Thứ nhất, tiếp tục xây dựng nền tảng và phương pháp nhằm đa dạng hóa thị trường. “Đây là mục tiêu có tính then chốt. Chúng ta phải tập trung vào đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa nhãn hàng và đa dạng hóa kiểu dáng của các sản phẩm để làm sao có thể thích ứng được với tất cả những yêu cầu và đòi hỏi của thị trường.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng giải pháp về thích ứng với phát triển bền vững của ngành dệt may toàn cầu theo yêu cầu từ các nhà nhập khẩu, từ các nước nhập khẩu. Hiệp hội sẽ luôn chia sẻ thông tin và đưa ra những cảnh báo, cũng như giải pháp của thị trường để các Hội viên tiếp tục nắm thông tin để đưa ra giải pháp về đầu tư chiều sâu, đầu tư về chiến lược và cơ sở vật chất, đáp ứng những yêu cầu của các nhãn hàng.

Thứ ba, xây dựng giải pháp về chiến lược nguồn lực. Ông Cẩm đánh giá đây là giải pháp sống còn của ngành dệt may Việt Nam. Nguồn lực của ngành dệt may Việt Nam phải đáp ứng được nhu cầu, thích ứng nhanh với cơ chế thị trường đang có chuyển biến rất nhanh với đòi hỏi phải giao hàng nhanh, giá thành phải cạnh tranh và chất lượng phải luôn ổn định. Đặc biệt, là đòi hỏi sự minh bạch trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Mai Phương 

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:dệt may, đơn hàng

tin liên quan

video hot

Về đầu trang