Ngành gỗ cần làm gì để kịp thời đón làn sóng phục hồi?

author 06:54 13/01/2024

(VietQ.vn) - Năm 2024 được xem là thời điểm để ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam tập trung xây dựng thương hiệu ngành gỗ đáp ứng các tiêu chuẩn mới về bền vững đón sóng phục hồi.

Nhìn lại năm 2023 vừa qua là một năm cực kỳ khó khăn đối với ngành gỗ. Trong bối cảnh kinh tế thế giới lạm phát tăng cao tại một số quốc gia phát triển, Chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, dẫn đến người tiêu dùng giảm chi tiêu; xung đột giữa các quốc gia diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN.

Nhiều chuyên gia nhận định kinh tế thế giới nửa đầu năm 2024 khó tăng trưởng đột phá do tình hình chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp, xung đột cũ chưa chấm dứt đã phát sinh xung đột mới.

Thách thức trước mắt của ngành gỗ không nhỏ nhưng vẫn có cơ hội cho những doanh nghiệp nhạy bén, linh hoạt. Đây cũng được xem là thời điểm để ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam tập trung xây dựng thương hiệu ngành gỗ đáp ứng các tiêu chuẩn mới về bền vững đón sóng phục hồi.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ Thành phố Hồ Chí Minh nhận định trong xu hướng tiêu dùng bền vững, ngành gỗ được hưởng lợi từ sở thích sử dụng các vật liệu gỗ thay thế cho vật liệu có phát thải cao như kim loại, nhựa, bêtông... Vật liệu từ gỗ cũng sẽ được dùng nhiều trong ngành năng lượng sinh khối tái tạo, ngành tiêu dùng, bao bì... vì khả năng phát thải thấp, dễ phân hủy và tái chế.

Năm 2024 được xem là thời điểm để ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam tập trung xây dựng thương hiệu ngành gỗ đáp ứng các tiêu chuẩn mới về bền vững đón sóng phục hồi. Ảnh minh họa

Song song với việc tìm kiếm khách hàng, doanh nghiệp cũng phải chủ động chuyển đổi sang những nguyên liệu thân thiện môi trường, các nguyên liệu tái chế vừa tiết kiệm chi phí vừa đáp ứng yêu cầu mới của khách hàng. Trong khi đó, nhiều cơ quan quản lý và chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng hình ảnh ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải.

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, nếu đạt được mục tiêu sản xuất xanh, các doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản sẽ có lợi thế hơn vì hiện nay người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sản phẩm xanh, sản phẩm không làm suy thoái, mất rừng, không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Các doanh nghiệp sản xuất Xanh, có chuỗi cung ứng Xanh cũng sẽ tạo được uy tín với khách hàng.

Một lợi ích khác là khi Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon được triển khai tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản..., các sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản xuất xanh, chuỗi sản xuất xanh sẽ không phải đóng phí phát thải khí nhà kính, chi phí này thường sẽ cao hơn so với việc doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất Xanh.

Thêm vào đó, theo ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện nay, cơ bản các DN vẫn gia công theo đơn hàng của nhà phân phối nước ngoài, với phân khúc đồ gỗ nội, ngoại thất phổ thông. Về lâu dài, chúng ta cũng cần phải có tỷ lệ nhất định sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao hơn, có thương hiệu và mẫu mã do mình chủ động tiếp thị, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Do đó, để vượt qua thách thức, các DN gỗ Việt cần phải nhìn lại chính mình, thay đổi cách quản trị DN, cải tiến công nghệ, thiết bị để có thể đạt hiệu quả cao hơn.

Ngoài các thị trường truyền thống, các DN cần tiếp tục tìm kiếm các thị trường mới để hạn chế rủi ro, trong đó cần chú trọng tới cả thị trường Trung Đông, thậm chí cả thị trường châu Phi… Do đó, DN cần tận dụng mọi cơ hội, chắt chiu từng đơn hàng để vượt qua thời điểm khó khăn sắp tới. 

Về phía Nhà nước, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chỉ đạo các địa phương quy hoạch có khu, cụm công nghiệp chuyên ngành gỗ, cũng như có không gian đủ lớn để tổ chức hội chợ ngang tầm quốc tế; đồng thời có chính sách hỗ trợ trồng rừng hiện tại, tiến tới dần dần phải có chứng chỉ rừng.

Đối với các hội chợ quốc tế của ngành gỗ thường có chi phí tham gia rất cao, trong khi chính sách hỗ trợ kinh phí cho các DN tham gia lại rất nhỏ đang trở thành rào cản để DN gỗ Việt quảng bá sản phẩm ở nước ngoài. Do đó, Chính phủ cần xem xét có chính sách hỗ trợ DN tham gia hội chợ quốc tế lớn, thúc đẩy xúc tiến thương mại.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang