Quản lý chặt chẽ, ngăn chặn nhập lậu vàng

author 06:07 01/11/2023

(VietQ.vn) - Có rất nhiều nguyên nhân khiến tình trạng nhập lậu vàng gia tăng. Điều này đòi hỏi cần phải có biện pháp xử lý chặt chẽ nhưng lộ trình với những bước đi thận trọng, phù hợp với thực tiễn.

Nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu vàng gia tăng

Theo Hội đồng Vàng thế giới, trung bình mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 20 tấn vàng trang sức, mỹ nghệ nên nhu cầu dùng vàng nguyên liệu rất lớn. Công ty môi giới tài chính Forex Suggest (Luxembourg) cũng đánh giá Việt Nam là quốc gia có nhu cầu vàng trang sức tăng mạnh nhất thế giới năm 2022.

Ở Việt Nam, từ năm 2012, ngoài Ngân hàng Nhà nước thì các doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Để có vàng nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang, doanh nghiệp phải lấy vàng SJC hoặc tìm nguồn vàng trôi nổi để sản xuất. Tuy nhiên từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường, nguồn cung không dồi dào nên chỉ cần có biến động nhẹ cũng khiến giá vàng tăng cao.

Nguồn cung khan hiếm, giá vàng trong nước tăng, chênh lệch lớn với giá thế giới kéo theo tình trạng buôn lậu vàng gia tăng. Trong khi thị trường vàng trong nước đã đóng cửa thì 3 nước giáp ranh với Việt Nam là Lào, Campuchia và Trung Quốc đều mở cửa thị trường vàng. Từ nhiều năm nay buôn lậu vàng nhất là tại các tỉnh biên giới Tây Nam và khu vực miền Trung tiếp giáp với Lào liên tục tăng nhiệt, với nhiều vụ bị khám phá với số lượng cực lớn. Khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới là một trong những nguyên nhân "kích thích" các đối tượng buôn lậu vàng.

Nhập lậu vàng vẫn không ngừng gia tăng. Ảnh minh họa

Vụ việc điển hình, trước đó, tháng 9/2022, Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TP. Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Tây Ninh bắt giữ đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ qua biên giới Việt Nam - Campuchia. Chỉ trong 2 ngày đường dây này đã nhập lậu 198kg vàng. 

Hồi tháng 6/2023, các đơn vị chức năng của Bộ Công an và Công an tỉnh Quảng Trị điều tra, bóc gỡ một đường dây buôn lậu vàng qua biên giới cực lớn do Nguyễn Thị Hóa (trú tỉnh Quảng Trị) cầm đầu. Chỉ trong vòng 1 năm, các đối tượng đã buôn lậu trên 3 tấn vàng, có tổng trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), bán cho các cửa hàng vàng tại Việt Nam để thu lời bất chính.

Cuối tháng 7/2023, công an tỉnh An Giang đã triệt phá vụ vận chuyển 19kg kim loại, nghi là vàng từ Campuchia về Việt Nam. Cùng thời điểm này TAND tỉnh An Giang cũng xét xử bà trùm buôn lậu Nguyễn Thị Kim Hạnh cùng 24 bị cáo khác trong vụ án buôn lậu 51kg vàng và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Dịp cuối năm, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, cưới hỏi, lễ hội nhiều kéo theo nhu cầu về vàng tăng cao nên buôn lậu theo đó tăng nhiệt. Các vụ bắt giữ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Chưa thể có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn các đối tượng buôn lậu vàng vì chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang quá lớn.

Trong lúc giá vàng "nhảy múa" các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân và nhà đầu tư cảnh giác, không chạy theo tâm lý đám đông; không vay mượn để “lướt sóng”, vội mua - vội bán. Nhìn lại các “cơn lốc” giá vàng ở Việt Nam những năm gần đây, chúng ta đã thấy nhiều người dân và cả nhà đầu tư đều lỗ do tâm lý. Đã là "cơn lốc" thì đến rất nhanh và tan cũng rất nhanh, nhưng hoàn lưu của nó lại để lại những hậu quả vô cùng lớn.

Vấn đề đặt ra đối với thị trường vàng tại Việt Nam

Theo ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TPHCM - chỉ khi cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang, nhu cầu vàng trôi nổi nhập lậu không có thì tình trạng buôn lậu vàng mới giảm. Đồng thời sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất vàng nữ trang tăng xuất khẩu, mở rộng thị trường trong bối cảnh nhu cầu vàng trong nước đang giảm rất mạnh.

Thực hiện chủ trương chống “vàng hóa”, từ khi triển khai Nghị định số 24/2012/NĐ-CP và nhất là từ năm 2014 trở lại đây, NHNN đã không nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng đã tác động đến nguồn cung vàng miếng trong nước, dẫn đến hiện tượng chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước nhất là vàng miếng SJC – thương hiệu vàng miếng của Nhà nước – tăng cao trong những năm gần đây gây ra một số lo ngại về nguy cơ nhập lậu vàng từ nước ngoài và nhà nước thất thu thuế.

Với thói quen tích trữ “găm vàng” của người dân vẫn còn diễn ra khá phổ biến, thì người có nhu cầu mua vàng trong nước có thể chịu thiệt. Bên cạnh đó, việc hạn chế nhập khẩu vàng cũng ảnh hưởng đến đầu vào của các doanh nghiệp ngành sản xuất vàng trang sức trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Những vấn đề đặt ra này đã và đang được NHNN nghiên cứu, xem xét, giải quyết để đảm bảo được tính thông suốt và lành mạnh của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và diễn biến kinh tế thế giới còn nhiều phức tạp.

Hoạt động quản lý thị trường vàng cần thiết phải được tổng kết, đánh giá thường xuyên đảm bảo đáp ứng được nhu cầu phát triển của thực tiễn theo hướng: Phát triển lành mạnh thị trường vàng, đảm bảo sự thông suốt trong phạm vi nền kinh tế và liên thông với thị trường quốc tế. Tuy nhiên, cần phải có lộ trình với những bước đi thận trọng, phù hợp với thực tiễn phát triển của thị trường tài chính cũng như các công cụ và hàng rào kỹ thuật. Tiếp tục xem xét hành lang pháp lý một cách chặt chẽ và đầy đủ nhưng linh hoạt liên quan đến hình thức, phạm vi, đối tượng tham gia thị trường.

Yêu cầu chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ

Yêu cầu chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ được quy định tại Điều 6 Thông tư 22/2013/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành. 

Theo đó, khi thực hiện phân hạng theo Kara, vàng trang sức, mỹ nghệ được phân hạng theo hạng thấp hơn liền kề với giá trị Kara thực tế xác định (ví dụ vàng trang sức 21,5K thì xếp vào loại vàng 21K). Trường hợp phân hạng theo độ tinh khiết hoặc hàm lượng vàng thì công bố đúng giá trị thực tế (ví dụ vàng trang sức có hàm lượng vàng được xác định là 78,0% thì công bố là 78,0% hoặc 780).

Vật liệu hàn bằng hợp kim vàng nếu có sử dụng, phải có độ tinh khiết tối thiểu tương đương với hạng được công bố của sản phẩm vàng trang sức. Khi sử dụng vật liệu hàn không phải là hợp kim vàng hoặc thay thế bằng keo dán, phải được công bố rõ bao gồm cả lượng vật liệu sử dụng để gắn kết nếu làm ảnh hưởng đến khối lượng của sản phẩm lớn hơn sai số lớn nhất cho phép theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

Vàng trang sức, mỹ nghệ có nhiều hơn một bộ phận chính (ngoại trừ vật liệu hàn và các bộ phận phụ như: chốt, ốc vít… nếu có) là hợp kim vàng với giá trị phân hạng khác nhau theo quy định tại Bảng 3 Điều này sẽ được phân hạng theo thành phần có phân hạng thấp nhất.

Vàng trang sức, mỹ nghệ được phép sử dụng kim loại nền bằng hợp kim khác với hợp kim vàng để tăng cường độ bền cơ lý mà hợp kim vàng không đáp ứng được.

Kim loại nền phải được xử lý bề mặt sao cho không gây nhầm lẫn về ngoại quan với thành phần là hợp kim vàng. Việc sử dụng kim loại nền khác với hợp kim vàng phải được nêu rõ trong công bố về thành phần của sản phẩm.

Sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ nếu có sử dụng vật liệu phủ bằng kim loại (khác với vàng) hay phi kim loại với mục đích trang trí, lớp phủ phải đủ mỏng để không ảnh hưởng đến khối lượng của vật phẩm. Nếu khối lượng lớp phủ lớn hơn sai số lớn nhất cho phép về khối lượng theo quy định tại Điều 4 Thông tư này thì phải được nêu cụ thể trong công bố về thành phần và chất lượng của sản phẩm.

Sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ nếu có sử dụng vật liệu nhồi hoặc làm đầy chỗ trống phải được công bố cụ thể và công bố rõ sản phẩm không được làm toàn bộ từ hợp kim vàng.

Tất cả các thành phần của vàng trang sức, mỹ nghệ (bao gồm cả kim loại nền, vật liệu phủ, vật liệu hàn, vật liệu gắn kết…) không được chứa các thành phần độc hại hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng vượt quá ngưỡng cho phép theo các quy định hiện hành có liên quan.

Hàm lượng vàng trong sản phẩm (hoặc trong thành phần có chứa vàng) của vàng trang sức, mỹ nghệ không được thấp hơn giá trị hàm lượng đã công bố. Giới hạn sai số của kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng được quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này.

Vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được phép lưu thông trên thị trường khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang