Cảnh báo: Đa số bệnh nhân biến chứng cầu cứu bác sĩ đều làm đẹp ở spa, tiệm cắt tóc

author 06:51 31/12/2023

(VietQ.vn) - Theo các bác sĩ thẩm mỹ, hiện nay nhiều cơ sở đang quảng cáo chỉ có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng một khóa học từ tiêm filler, cắt mí, cắt môi… Đa số bệnh nhân biến chứng tìm tới cầu cứu bác sĩ đều làm đẹp ở spa, tiệm cắt tóc.

Thời gian qua, phương pháp làm đẹp như mí giọt lệ Trung Hoa, mí Ấn Độ, mũi cao kiểu Tây, cắt môi trái tim… là những xu hướng thẩm mỹ trở thành 'hot trend'. Tuy nhiên đã không ít người bị biến chứng do làm ở cơ sở không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, dịp cận Tết là thời điểm nhiều người muốn "nâng cấp" cho mình diện mạo thật xinh đẹp, bắt mắt. Đây cũng là thời điểm nhiều cơ sở thẩm mỹ tung ra những gói khuyến mãi hấp dẫn. 

Nghe quảng cáo trên mạng cùng những "review" có cánh, chị H. (20 tuổi, Hà Nội) quyết định tìm đến cơ sở thẩm mỹ để "bắt trend" cắt mí giọt lệ Trung Hoa. Thế nhưng, "giọt lệ" đâu không thấy, chị H. ngậm đắng khi bờ mi dưới lật ngửa, khiến đôi mắt nhìn dữ tợn. Chị quay trở lại cơ sở thẩm mỹ khám nhiều lần nhưng không cải thiện.

Một trường hợp khác, chị M. (24 tuổi) cũng đi cắt mí giọt lệ Trung Hoa sau khi nghe theo lời rủ của bạn. Sau cắt mí, cô gái trẻ không nhắm được mắt. Tình trạng này khiến cô rất khó chịu, khi quay lại cơ sở thẩm mỹ yêu cầu đền bù thì cơ sở này cho rằng do bệnh nhân không tuân thủ chăm sóc đúng sau phẫu thuật.

Bác sĩ Phạm Duy Linh, Khoa phẫu thuật tạo hình - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay, phẫu thuật thẩm mỹ vùng mắt đòi hỏi bác sĩ thẩm mỹ phải có chuyên môn, nắm rõ cấu tạo, chức năng da và bờ mi dưới mới có thể thực hiện. Nếu thủ thuật này không được bác sĩ có chuyên môn thực hiện có thể gặp các biến chứng như sốc thuốc tê, chảy máu, tổn thương kết mạc, thậm chí tổn thương nhãn cầu. Ngoài ra, về thẩm mỹ có thể gây trễ - ngửa bờ mí dưới, mắt nhắm không kín, biến dạng mí gây viêm, loét giác mạc…

 Nhiều biến chứng khi dễ dàng tin theo các spa, tiệm cắt tóc không đảm bảo chất lượng để cắt mí, làm môi. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Với mong muốn có dáng mũi đẹp hơn, suốt 10 năm qua, chị Hương (35 tuổi), chủ một spa tại Quảng Ninh, liên tục "đu trend", sửa mũi tới 9 lần nhưng vẫn không được như mong đợi. Thậm chí còn khiến biến dạng mũi, viêm nhiễm, sẹo dày đặc. Chị Hương chia sẻ vì làm trong lĩnh vực spa, làm đẹp nên chị muốn sửa mũi để tự tin hơn. Lần đầu tiên chị sửa mũi là năm 2013, cũng thấy khá ổn nhưng muốn thay đổi dáng nên tiếp tục sửa. Lần sửa tiếp theo chị vẫn thấy không ổn, thậm chí mũi còn bị viêm tái phát nhiều lần. Tính sơ sơ đã sửa mũi 8 lần, chưa tính những lần rút sụn mũi, không nâng phục hồi. Trong đó có 5 lần làm ở spa không phải ở bệnh viện, dẫn đến viêm nhiễm càng nặng nề, biến dạng mũi.

Bác sĩ Tống Hải - Chủ nhiệm Khoa Vi phẫu và tái tạo, Trung tâm phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia chia sẻ, đây chỉ là một vài trường hợp là nạn nhân của việc thẩm mỹ theo trào lưu, thực hiện tại cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng. Việc phẫu thuật thẩm mỹ có thể giúp chị em có gương mặt ưa nhìn, cân đối hơn, đặc biệt là những người có khiếm khuyết trên khuôn mặt, cơ thể. Thế nhưng, lạm dụng hay chạy theo trào lưu, xu hướng làm đẹp là không ổn.

Đặc biệt, phẫu thuật nhiều lần trên một cơ quan khi không đủ thời gian, thậm chí nhiều bác sĩ khác nhau thực hiện có thể gây sẹo xơ cứng, gây biến dạng các cơ quan, bộ phận đó, mất đi tính thẩm mỹ. Hoặc nếu tạo hình theo đuổi những xu hướng trên mạng còn gây ra sự mất cân đối, không hài hòa.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các biến chứng khi làm đẹp, có thể do tay nghề bác sĩ, kỹ thuật viên, do cơ địa của từng khách hàng, do các sản phẩm vật tư y tế làm đẹp (túi ngực, sụn mũi,…) chưa đảm bảo hoặc cũng có thể là do thiết bị thẩm mỹ kém chất lượng.

Các thiết bị thẩm mỹ kém chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình thực hiện ca phẫu thuật thẩm mỹ cho khách hàng. Ví dụ các dòng máy chiếu laser thường được dùng để làm đẹp da, xóa mờ sẹo, thâm nám,… tuy nhiên rất nhiều trường hợp sử dụng máy laser kém chất lượng, thậm chí là máy giả, nhái có thể gây nên tình trạng bong tróc, rát, sưng tấy, thậm chí là bỏng sau các ca điều trị.

Không chỉ các dòng máy chiếu laser, một số thiết bị thẩm mỹ kém chất lượng khác như máy hút mỡ, máy đánh tan mỡ,… cũng thường xuyên xuất hiện trên thị trường. Với các dòng máy này, rủi ro và tác hại không chỉ dừng lại ở phần mô da bên ngoài mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới các bộ phận bên trong cơ thể; đặc biệt là với các dòng máy làm đẹp có xâm lấn sử dụng đầu kim, vòi hút,…

Bác sĩ Phạm Thị Việt Dung - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho hay, một bác sĩ để được thực hành trên khách hàng thẩm mỹ nhanh nhất phải mất 9 năm. Sau khi học về chuyên khoa, muốn mở cơ sở thẩm mỹ riêng phải mất thêm 54 tháng để có chứng chỉ hành nghề. Thế nhưng, hiện nay nhiều cơ sở đang quảng cáo chỉ có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng một khóa học từ tiêm filler, cắt mí, cắt môi… Đa số bệnh nhân biến chứng tìm tới cầu cứu bác sĩ đều làm đẹp ở spa, tiệm cắt tóc không đảm bảo chất lượng.

Bác sĩ Hải cũng cho rằng, về chuyên môn, spa không được thực hiện các kỹ thuật xâm lấn. Họ chỉ được cấp phép chăm sóc da bằng các biện pháp thông thường. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nhiều spa làm chui các dịch vụ xâm lấn khác gây ra biến chứng. Bên cạnh đó, do không có kiến thức chuyên môn về thẩm mỹ, y khoa nên chỉ cần khách hàng yêu cầu họ sẽ làm. Không ít trường hợp biến chứng, thậm chí tử vong tại các spa này. Nên chăng cần xây dựng khung pháp lý, quy định thành luật để đủ sức quản lý, răn đe những người "tay ngang" là mối nguy hại cho cộng đồng. Đặc biệt, trong thời đại nhu cầu làm đẹp ngày càng gia tăng thì việc quản lý chặt chẽ là vô cùng cần thiết.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang