Nhờ EVFTA, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU tăng mạnh

author 10:17 16/08/2020

(VietQ.vn) - Tính riêng tại thị trường Châu Âu từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020, trong đó mặt hàng tăng tập trung nhiều vào tôm và mực.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kể từ khi EVFTA chính thức được đưa vào thực thi hồi đầu tháng 8 vừa qua đã cho thấy có nhiều dấu hiệu tích cực tại thị trường Châu Âu.

Cụ thể, số lượng đơn hàng tính riêng tại thị trường Châu Âu từ đầu tháng 8 đến nay đã tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020, trong đó mặt hàng tăng tập trung nhiều vào tôm và mực. Các tín hiệu này chứng tỏ EVFTA đã có những tác động rõ ràng đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam.

 Xuất khẩu thủy sản đón nhận tín hiệu tích cực từ thị trường EU. Ảnh: Báo Công Thương

Trao đổi với báo giới, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy sản và thương mại Thuận Phước cho biết, đến thời điểm hiện tại, Thuận Phước đã xuất khẩu 3.000 tấn tôm và các sản phẩm làm từ con tôm qua EU với trị giá khoảng 31 triệu USD. Tăng lần lượt 8% về lượng và 6% về giá trị so với cùng kỳ. Những kết quả này được ông Lĩnh nhận định là do tác động tích cực của EVFTA.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Ánh - Giám đốc Công ty CP Thủy sản Ngọc Xuân chia sẻ, gần đây, khách hàng của EU đã bắt đầu đàm phán đơn hàng trở lại với công ty. Kể từ tháng 7 tới nay bình quân mỗi tháng công ty xuất khẩu khoảng 100 tấn thủy sản các loại vào thị trường này. “Mặc dù chưa tăng mạnh nhưng đây là tín hiệu tích cực để doanh nghiệp phục hồi trở lại sau thời gian dài bị hoãn, hủy hợp đồng”, bà Ánh cho biết.

Đánh giá về những kết quả bước đầu kể từ khi EVFTA thực thi, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký của VASEP cho biết: Ban đầu hiệp hội kỳ vọng EVFTA thực thi sẽ giúp thủy sản tăng trưởng khoảng 20% tại EU tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì mức tăng 10% là đáng khích lệ. Về triển vọng sắp tới tại EU, theo ông Hòe chưa thể dự báo hết mức tăng trưởng bởi các nước Châu Âu vẫn đang có dịch.

Riêng về vấn đề gỡ thẻ vàng, hiện các địa phương đang quyết liệt triển khai thực hiện nhiều biện pháp chống đánh bắt bất hợp pháp, đồng thời tăng cường kiểm soát, giám sát lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, có chế tài nghiêm khắc đối với những trường hợp cố tình vi phạm về việc sử dụng thiết bị định vị.

Đơn cử tỉnh Bình Thuận, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này, tính đến giữa tháng 7/2020, toàn tỉnh có hơn 82% tàu cá (khoảng 1.580 tàu) đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; trong đó, nhóm tàu có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên có 35/36 tàu cá lắp đặt. Hay tại Cà Mau, hiện có 1.250/1.690 tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS (đạt gần 74%%); trong đó, số tàu cá đã lắp đặt có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên gần 50 chiếc. Những kết quả trên cho thấy các địa phương đang rất nỗ lực trong việc gỡ bỏ thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU.

Trước đó, từ ngày 1/8/2020, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, theo đó, nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ hiệp định này.

Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm thủy sản còn EU lại có nhu cầu lớn các mặt hàng này với giá trị nhập khẩu chiếm 8,4% tổng giá trị nhập khẩu hàng năm. Do vậy, dư địa tăng trưởng xuất khẩu vào EU vẫn rất lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiêu thụ thủy sản khổng lồ với mức tiêu thụ trung bình đạt mức 22,03 kg/người, cao hơn 5,34 kg so với mức trung bình của thế giới.

Cùng với đó, EVFTA được đánh giá là hiệp định có tác động mạnh nhất, tạo bước ngoặt lớn về cơ cấu thị trường cho mặt hàng tôm của Việt Nam. Cụ thể, gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0%. Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về 0% sau từ 3 - 7 năm.

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang