Cách nhận biết và giải pháp bảo vệ điện thoại trước mã độc, ứng dụng gián điệp

authorNgọc Nga 06:10 28/03/2024

(VietQ.vn) - Hiện nay có rất nhiều mã độc, ứng dụng gián điệp tấn công điện thoại để lấy cắp tiền trong tài khoản ngân hàng người tiêu dùng cần lưu ý tới những giải pháp nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi lừa đảo.

Theo các chuyên gia bảo mật, điện thoại Android dễ bị nhiễm phần mềm độc hại hơn so với iPhone. Nguyên nhân là do hệ điều hành Android hoạt động trên nền tảng mã nguồn mở. Điều này cho phép người dùng tải xuống các tệp và ứng dụng từ nhiều nguồn khác nhau.

Ngoài ra, các ứng dụng và tệp từ các nguồn của bên thứ ba thường không an toàn cho hệ thống Android. Trong đó, một số ứng dụng của bên thứ ba có thể được định cấu hình theo cách để thu thập dữ liệu nhạy cảm của người dùng. Điện thoại di động có thể nhiễm phần mềm độc hại từ các trang web, ứng dụng của bên thứ ba hoặc tương tác với tin nhắn văn bản và email lạ. 

Bị lây nhiễm các loại mã độc không chỉ khiến cho điện thoại hoạt động trở nên ì ạch, tốn pin hơn mà điều này sẽ khiến các thông tin cá nhân, dữ liệu riêng tư quan trọng trên smartphone bị kẻ xấu đánh cắp. Nguy hại hơn, các loại mã độc có thể giúp kẻ xấu xâm nhập trái phép vào ứng dụng ngân hàng trên điện thoại để lấy cắp tiền của nạn nhân. Do vậy người dùng nên tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để tránh trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo.

Người dùng điện thoại cần trang bị những kiến thức cơ bản để tránh những mã độc tấn công. Ảnh minh họa

Các dấu hiệu phổ biến để nhận biết điện thoại bị mã độc tấn công

Ứng dụng thường xuyên bị treo: Nếu nhiều ứng dụng bị dừng hoạt động đột ngột hoặc không hoạt động bình thường, thì có thể có phần mềm độc hại đang hoạt động.

Tăng mức tiêu thụ dữ liệu: Các ứng dụng bị nhiễm phần mềm độc hại thường chạy ngầm dẫn đến tiêu thụ nhiều dữ liệu hơn.

Xuất hiện các tin nhắn rác (tin nhắn spam): Phần mềm độc hại có thể gửi liên kết qua email hoặc tin nhắn đến các liên hệ để nhử người dùng truy cập vào. Tin tặc cũng có thể sử dụng chúng để mua hàng mà người dùng không biết. Người dùng có thể nhận thấy các giao dịch đáng ngờ này trong bảng sao kê ngân hàng của mình hoặc nhận biên lai qua email.

Điện thoại hao pin nhanh: Các ứng dụng bị nhiễm phần mềm độc hại chạy ngầm mà người dùng không biết sẽ tiêu tốn năng lượng và làm giảm tuổi thọ pin của điện thoại.

Điện thoại quá nóng: Các ứng dụng bị nhiễm phần mềm độc hại chạy ngầm sẽ chiếm dụng nhiều dung lượng bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên (RAM) của điện thoại. Điều này làm cho điện thoại có thể gặp khó khăn khi thực hiện các tác vụ khác cùng lúc, khiến nhiệt độ của điện thoại nóng lên nhanh chóng.

Xuất hiện nhiều quảng cáo: Khi các phần mềm hiển thị quảng cáo xâm nhập điện thoại, nó có thể kiểm soát trình duyệt của người dùng, chuyển hướng người dùng đến các trang web khác, cài đặt các tiện ích mở rộng trái phép và nhắm mục tiêu vào người dùng bằng nhiều quảng cáo.

Google tự động đăng xuất tài khoản: Khi Google phát hiện phần mềm độc hại trên điện thoại, Google sẽ tự động xóa tài khoản của người dùng và hiển thị cảnh báo có nội dung “Bạn đã bị đăng xuất để được bảo vệ” đồng thời Google sẽ hiển thị các đề xuất để khôi phục tài khoản của người dùng.

Các ứng dụng lạ xuất hiện: Các ứng dụng mới đột nhiên xuất hiện trên điện thoại của người dùng mà trước đó người dùng không cài đặt nó.

Các giải pháp để miễn nhiễm mã độc, phần mềm gián điệp

Không nên cài đặt ứng dụng từ các nguồn bên ngoài, chỉ nên cài đặt thông qua kho ứng dụng chính thức: Đối với người dùng Android, việc download và cài đặt ứng dụng từ bên ngoài, không thông qua kho ứng dụng chính thức CH Play, được thực hiện khá dễ dàng và đây là con đường dễ bị lây nhiễm mã độc nhất. Do vậy, để hạn chế nguy cơ bị nhiễm mã độc, người dùng Android chỉ nên cài các ứng dụng trực tiếp từ Google Play hoặc download file cài đặt ứng dụng từ những nguồn uy tín.

Lưu ý những quyền hạn của ứng dụng trước khi cài đặt: Mỗi ứng dụng trước khi được cài đặt lên thiết bị, thông tin về những quyền hạn truy cập của ứng dụng sẽ được liệt kê đầy đủ trên kho ứng dụng cho người dùng được biết. Tuy nhiên, phần lớn người dùng đều bỏ qua bước này và chấp nhận cài đặt ngay, đây là một sai lầm nghiêm trọng. Việc chú ý đến những quyền hạn và khả năng truy cập dữ liệu của các ứng dụng có thể giúp người dùng nhận ra được sự khả nghi, từ đó có thể quyết định cài ứng dụng vào smartphone hay không.

Đọc kỹ đánh giá về các ứng dụng trước khi quyết định cài đặt: Người dùng nên tham khảo mục đánh giá về các ứng dụng trên CH Play và App Store trước khi quyết định cài đặt ứng dụng đó vào điện thoại. Các ứng dụng có lượt đánh giá tốt và số lần đánh giá càng nhiều thì mức độ đáng tin cậy càng cao. Tuy nhiên, nếu nhận thấy nội dung đánh giá có phần không thực tế, nhiều bình luận đánh giá giống nhau hoặc không liên quan đến ứng dụng… thì nhiều khả năng đó là những đánh giá ảo để lừa người dùng.

Gỡ bỏ những ứng dụng ít khi dùng đến trên điện thoại: Càng nhiều ứng dụng được cài đặt trên thiết bị, càng ẩn chứa nhiều lỗ hổng bảo mật trên các ứng dụng mà hacker có thể khai thác và xâm nhập vào thiết bị. Do vậy nên gỡ bỏ những ứng dụng không cần thiết.

Không nhấn vào các đường link, quét mã QR không rõ nguồn gốc: Việc nhấn vào các đường link lạ hoặc quét mã QR được gửi đến qua email, tin nhắn hoặc được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội là một trong những cách thức phổ biến khiến smartphone bị lây nhiễm mã độc và ứng dụng gián điệp. Khi nhấn vào đường link hoặc quét các mã QR này, người dùng có thể bị dẫn đến những trang web giả mạo do tin tặc lập ra nhằm lấy cắp thông tin cá nhân, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng hoặc sẽ tự động download các mã độc hoặc ứng dụng gián điệp… cho phép hacker xâm nhập trái phép vào smartphone của người dùng. 

Không cung cấp thông tin cá nhân, làm theo hướng dẫn khi người lạ gọi điện hoặc liên hệ qua Zalo: Nhiều kẻ lừa đảo thường mạo danh người thuộc cơ quan chức năng, đại diện của các ngân hàng… để gọi điện hoặc liên hệ trực tiếp qua Zalo với các nạn nhân được chúng nhắm đến, sau đó sẽ yêu cầu những người này thực hiện theo hướng dẫn của chúng như cung cấp thông tin cá nhân, chụp ảnh thẻ căn cước công dân…

Thay đổi mật khẩu tài khoản Google: Tài khoản Google của người dùng kết nối một số công cụ chứa dữ liệu nhạy cảm, từ dịch vụ lưu trữ Drive đến bộ công cụ soạn thảo văn bản và trang tính (Docs and Sheets). Trong trường hợp mật khẩu của tài khoản Google rơi vào tay tin tặc thì các dữ liệu để bị đánh cắp. Vì vậy, hãy thay đổi mật khẩu Google ngay sau khi xử lý phần mềm độc hại.

Thiết lập lại mạng kết nối: Quá trình thiết lập lại mạng (reset) thực chất là khôi phục lại tất cả các thiết lập mạng về trạng thái mặc định như ban đầu trên thiết bị di động, bao gồm cả thiết lập dữ liệu di động và thiết lập Wi-Fi. Tất cả các thiết lập Wi-Fi sẽ bị xóa sạch và được khôi phục về trạng thái thiết lập ban đầu, bao gồm cả mạng riêng ảo (VPN) mà người dùng đã thiết lập.

Ngọc Nga (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang