Phân biệt lao động vùng miền: Lãnh đạo yếu kém

author 08:18 15/10/2012

Trước thông tin nhiều doanh nghiệp không nhận lao động các tỉnh có hộ khẩu Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, GS. Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch danh dự Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng đó là việc làm “kém quá”. “Nó cho thấy những người đứng đầu các doanh nghiệp này không có cái nhìn toàn diện. Họ không xứng để làm lãnh đạo”, ông Bá nói.

Nghe thấy tiếng thì đoàn kết lại

* Là người gốc Nghệ An, bằng sự trải nghiệm để chọn ra những nét đặc trưng trong tính cách của người dân quê mình, theo ông đó sẽ là gì?
 
Theo tôi, ngoài sự bộc trực, thẳng tính thì nét đặc trưng nhất trong tính cách của người Nghệ An là nghe thấy tiếng thì đoàn kết lại. Đương nhiên, tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau thì ở đâu cũng có nhưng với người Nghệ An thì có vẻ tính đó đậm đặc hơn. 
 
*Theo ông thì vì sao lại có sự “đậm đặc” như thế?
 
Ông Đặng Cao Thắng, Phó giám đốc Sở LĐTB và XH Nghệ An nói: "Người Nghệ An lao động cần cù, hiếu học và chịu khó làm việc. Đời sống thấp thì cũng làm việc để phấn đấu". Ông Thắng cũng cho biết, sẵn sàng đối chất với bất cứ Doanh nghiệp nào có ý kiến về lao động người Nghệ An. 
 
 
Có thể bởi giọng nói rất đặc trưng, dù các huyện trong tỉnh nói khác nhau nhưng vẫn có thể nhận ra nhau. Cùng với đó, người Nghệ An có tác phong gần gũi, không cầu kỳ, không phân biệt thứ bậc xã hội hay tuổi tác. Do đó, khi nhận ra cùng giọng nói thì dường như mọi ranh giới đều xóa nhòa, nhất là khi họ ở xa quê.
 
Không sợ mất “tôn ti trật tự”
 
* Người Việt rất coi trọng “tôn ti trật tự”. Liệu việc “nhận ra giọng nói thì mọi ranh giới bị xóa nhòa” như ông nói có làm mất đi “tôn ti trật tự” ấy?
 
Việc “xóa nhòa ranh giới” ở đây không có nghĩa là người ta dễ dãi trong xưng hô, trò chuyện mà là họ cảm thấy hợp nhau, quý mến nhau, tự dưng có cảm giác như gặp người thân quen. Ví như khi tôi dạy ở Đại học Kiến trúc, gặp những sinh viên nói tiếng quê mình, như một phản xạ tự nhiên, tôi thấy rất gần gũi với họ và chắc họ cũng có cảm giác ấy khi nói chuyện với tôi, khoảng cách thầy trò vì thế cũng thu hẹp lại.

* Phải chăng sự “xóa nhòa ranh giới” ấy chỉ có ở những người Nghệ An với nhau?
 
Cơ bản thì người Nghệ An khá gần gũi, thân thiện. Thế nhưng, đương nhiên là giữa những người Nghệ An với nhau sẽ gắn bó, gần gũi hơn.
 
* Có khi nào, vì học trò là người cùng quê mà ông có một sự ưu ái đặc biệt, ví như cho họ điểm cao hơn so với thực lực bài làm?
 
(Cười) Tôi là người rất rành mạch giữa công và tư nên không bao giờ có chuyện đó. Tôi cũng rất ghét làm như thế!
 
Tiếc cho nhà tuyển dụng
 
* Ông có biết việc nhiều doanh nghiệp mới đây đăng tin tuyển dụng nhưng không nhận hồ sơ của những người có hộ khẩu Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh?
 
Tôi có biết qua báo chí.

* Vậy ông có biết lý do họ phân biệt như thế?
 
Tôi không rõ lắm. Nhưng theo tôi, dù với lý do gì thì việc không nhận lao động mấy tỉnh này vào làm việc là kém quá!
 
*Sao lại là “kém quá”, thưa ông?
 
Tôi thật không hiểu sao họ làm đến chức vụ lãnh đạo, có quyền hành trong tay rồi mà lại hành xử như thế? Người ta chọn lao động theo năng lực, trình độ chứ ai lại đi tuyển người qua cái hồ sơ với dòng thông tin về hộ khẩu? Quê quán có nói được năng lực đâu?
G.S Nguyễn Thế Bá
G.S Nguyễn Thế Bá

* Nhưng thưa ông, quê quán, vùng miền lại ảnh hưởng đến tính cách con người?
 
Cái đó là đúng. Nhưng đâu phải ai sinh ra ở Thanh Hóa, Nghệ An thì đều hội tụ đầy đủ tính cách ở đó! Cũng như gia đình có 5 người con thì mỗi người một tính và không phải ai cũng mang đầy đủ tính cách của hoặc bố hoặc mẹ hoặc cả hai bố mẹ.

* Ông có thấy buồn vì đồng hương của mình bị phân biệt như thế?
 
Tôi thấy buồn chứ. Nhưng hơn hết vẫn là tiếc cho chính các nhà tuyển dụng này. Vì với cách phân biệt lao động này, họ không chỉ làm hại cho mình mà làm hại cho Nhà nước, khi đã bỏ qua những lao động thật sự có tay nghề. 
 
Không thể quy chụp
 
* Lý giải cho việc phân biệt này, các doanh nghiệp cho rằng vì lao động ở mấy tỉnh trên thường kéo bè kết cánh, không tuân thủ quy định của công ty… ?
 
Đó chỉ là một cái cớ thôi. Có thể, trước đó, người ở những vùng này mắc lỗi như thế. Sau đó, người ta bị “ám thị” rồi đóng đinh trong cách nghĩ, mặc định rằng cứ người ở đó thì sẽ dễ mắc tính như vậy. 
 
* Tôi cũng đồng ý rằng ở đâu cũng có người nọ người kia. Nhưng tại sao người ta không phân biệt người Hà Nam, Phú Thọ hay Quảng Ngãi, Tây Ninh mà chỉ phân biệt mấy tỉnh đó? Cũng phải như thế nào thì mới bị phân biệt thế chứ?
 
Người Thanh Hóa, Hà Tĩnh thì tôi không rõ. Tôi cũng không phải là nhà tâm lý, xã hội học hay nhà văn hóa. Thế nên, tôi không thể trả lời một cách cụ thể câu hỏi này. Theo tôi phỏng đoán thì nhiều khi, chính sự bộc trực, thẳng thắn của những người Nghệ An đã khiến họ gặp khó khăn trong công việc. Nhưng không phải ai cũng có tính đó đâu, cũng như không phải ai sinh ra ở Hà Nội cũng ăn nói dịu dàng, dễ nghe. 
 
* Chứ không phải vì sự “kéo bè kết cánh” như cáo buộc?
 
Đó là suy nghĩ hoàn toàn quy chụp!
 
* Khách quan mà nói, việc “nghe thấy tiếng thì đoàn kết lại” như ông nói ban đầu rất gần với tâm lý cục bộ địa phương. Ông có thấy thế?
 
Việc người ta cùng quê, đi làm ăn xa rồi gặp nhau lúc nào cũng quý. Họ gần gũi nhau, lập thành các hội đồng hương cũng là chuyện bình thường với nhiều địa phương chứ không chỉ riêng người Nghệ An đâu.
 
Chỉ khi người ta lập hội, nhóm rồi làm hại tới người khác thì mới đáng lên án, chê trách. Và đâu phải ai ở Thanh Hóa, Nghệ An cũng lập đồng hương để đi đánh lộn, trộm cắp vặt. Không thể chỉ nhìn phiến diện như thế được.
 
* Hiện nay, một số lao động ở các tỉnh trên đang chưa tìm được việc vì bị phân biệt. Ông có nghĩ rằng ta nên đưa nội dung cấm phân biệt lao động theo vùng miền vào trong luật?
 
Không nhất thiết phải đưa vào trong luật, vì thực tế nhiều người vẫn lách luật, không thực thi đầy đủ đấy thôi. Cái căn bản là phải tuyên truyền, vận động để người ta hiểu và không hành xử như thế.
 
* Nhưng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, lao động ở các tỉnh này cũng phải làm gì đó để thay đổi cách nhìn của người khác về mình chứ?
 
Đương nhiên, lao động ở các tỉnh ấy cũng cần xem lại mình, để biết mình có điểm nào chưa được thì phải điều chỉnh. Thế nhưng, tôi vẫn giữ quan điểm, chỉ từ những hiện tượng cụ thể mà khái quát thành bản chất của người dân cả một vùng là không thỏa đáng.
 
* Ông có bao giờ gặp trở ngại khi mình là người Nghệ An?
 
Có chăng vì giọng nói của tôi nhiều khi khiến người khác không nghe rõ thôi (cười). Tôi sống ở Hà Nội hơn 50 năm rồi nhưng vẫn không mất đi giọng nói đặc trưng của quê hương. 

* Nếu bây giờ cần phải có một sự thay đổi trong tính cách người Nghệ An, theo ông sẽ phải thay đổi ở điều gì?
 
Ai cũng có những tính cách riêng biệt và không dễ gì thay đổi. Tuy nhiên, tùy vào môi trường, hoàn cảnh để điều chỉnh lại mình cho phù hợp. Còn bảo thay đổi điều gì ở người Nghệ An thì theo tôi, không phải cần có sự thay đổi nào cả. Ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu, cốt lõi là phải luôn chứng tỏ mình trong công việc, hòa nhã với mọi người. Cái này thì người ở tỉnh nào cũng cần làm thế.
 
Theo kiến thức
 
 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang