Phát hiện người có lượng omega-3 cao có nguy cơ đột quỵ thấp
Lời khuyên từ chuyên gia về uống dầu cá Omega 3 để có lợi cho sức khỏe
Tác dụng phụ của omega 3 cần đặc biệt lưu ý khi dùng
Bổ sung dầu cá và vitamin D để ngăn ngừa chứng rối loạn nhịp tim 'chỉ phí tiền'
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trên toàn cầu, gây ra 6,6 triệu ca tử vong vào năm 2020. Con số đó dự kiến sẽ đạt 9,7 triệu vào năm 2050, theo báo cáo.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Đột quỵ Mỹ, có tới 80% trường hợp đột quỵ có thể phòng ngừa được. Có 2 loại đột quỵ chính đó là do thiếu máu cục bộ và xuất huyết. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi có sự tắc nghẽn ngăn cản máu và oxy đến não. Đột quỵ xuất huyết được định nghĩa là chảy máu vào não khi mạch máu yếu bị vỡ. Đa số các trường hợp đột quỵ (khoảng 87%) là do thiếu máu cục bộ.
Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã phân tích 29 nghiên cứu từ 15 quốc gia, bao gồm 183.291 người tham gia, ở độ tuổi trung bình là 65, nhằm xem xét nguy cơ đột quỵ do mọi nguyên nhân, cũng như đột quỵ do cục máu đông.
Thời gian theo dõi trung bình 14,3 năm, có có 10.561 người bị đột quỵ, trong đó 8.220 người bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ và 1.142 người bị đột quỵ do xuất huyết. Kết quả đã phát hiện người có lượng axit béo omega-3 càng cao có nguy cơ bị đột quỵ càng thấp.
Cụ thể, những người có mức axit béo omega-3 EPA cao nhất có nguy cơ đột quỵ tổng thể thấp hơn 17% và nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ thấp hơn 18%, so với những người có mức EPA thấp nhất. Đồng thời, những người có mức axit béo omega-3 DHA cao nhất có nguy cơ bị đột quỵ tổng thể thấp hơn 12% và nguy cơ quỵ do thiếu máu cục bộ thấp hơn 14%, so với những người có mức DHA thấp nhất, theo tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ AHA.
Nghiên cứu này một lần nữa xác nhận kết quả của các nghiên cứu trước đây cho thấy dầu cá omega-3 giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
Các chuyên gia nói rằng, những phát hiện này cực kỳ thú vị vì đột quỵ rất đáng sợ, tìm ra các phương pháp dinh dưỡng để giảm nguy cơ đột quỵ mà không cần dùng thuốc là thông tin hữu ích.
Tiến sĩ William S. Harris, khoa Nội, Trường Y Sanford, Đại học Nam Dakota (Mỹ), cho hay, có thể tăng mức omega-3 bằng cách đơn giản là ăn nhiều cá béo hoặc bổ sung dầu cá omega-3.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng cho rằng sử dụng thực phẩm bổ sung omega-3 có chứa EPA và DHA là an toàn, nếu không vượt quá 3.000mg/ngày. Bên cạnh đó, Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) lưu ý rằng 5.000mg omega-3 mỗi ngày ngưỡng an toàn cho người dùng.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, sử dụng omega-3 quá liều có thể gây loãng máu, chảy máu. Các chuyên gia y tế khuyến khích những người chuẩn bị phẫu thuật nên ngừng sử dụng omega-3 trước 1 tuần.
Bệnh viện Vinmec cũng thông tin, omega 3 là một trong những dưỡng chất thiết yếu và tuyệt vời của cơ thể, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch đồng thời giúp làm giảm các bệnh liên quan đến thần kinh, tâm thần. Việc bổ sung Omega- 3 mỗi ngày là rất cần thiết, tuy nhiên cần bổ sung một cách hợp lý để giúp bản thân duy trì được sức khỏe tốt nhất.
Việc quan trọng nhất khi bổ sung omega- 3 là tìm hiểu xem nó chứa bao nhiêu EPA và DHA. Điều này giúp cơ thể đảm bảo nhận đủ EPA và DHA. Ví dụ 1 viên nang dầu cá có thể chứa 1000mg omega- 3 nhưng mức độ thực sự giữa EPA và DHA có thể thấp hơn so với thực tế.
Tùy thuộc vào lượng EPA và DHA trong một liều có thể sẽ phải cần dùng tới 8 viên nang để đạt được mức tối ưu nhất. Mỗi người có nhu cầu lượng omega- 3 khác nhau, chính vì vậy nhu cầu bổ sung Omega 3 cũng sẽ khác nhau. Nên bổ sung tối thiểu 250mg và tối đa 3000mg EPA và DHA kết hợp mỗi ngày.
Ngọc Nga (T/h)