Quan chức Trung Quốc liên tiếp tự tử, vì sao?

author 11:03 18/06/2016

Với nhiều tham quan tại Trung Quốc, việc tự tử được xem như biện pháp để bảo vệ gia đình khỏi bị điều tra, bởi vụ án thường khép lại khi nghi phạm chết.

Lưu Tiểu Hoa, quan chức tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

Chỉ riêng trong ngày 12/6, ít nhất hai quan chức Trung Quốc đã tự sát. Theo truyền thông đại lục, phó tổng thư ký (tương đương phó chánh văn phòng) tỉnh ủy Quảng Đông Lưu Tiểu Hoa, đã tự vẫn bằng cách treo cổ tại nhà.

Chỉ ít giờ trước đó, bà Tiêu Bích Ba, người đứng đầu cơ quan bảo mật khu Diêm Điền, Thẩm Quyến, đã tự sát bằng cách gieo mình từ trên cầu xuống.

Theo SCMP, cảnh sát đang điều tra nguyên nhân cái chết của hai quan chức này. Tuy vậy số lượng ngày một tăng các vụ "chết không vì nguyên nhân tự nhiên", mà phần nhiều trong số đó là tự tử, đã khiến đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu xem xét vấn đề này từ năm ngoái.

Một bài bình luận trên Guangming Daily, có trụ sở tại Bắc Kinh, trong giai đoạn 2003 - 2012, khi ông Hồ Cẩm Đào là chủ tịch Trung Quốc, ít nhất 68 quan chức đã tự kết liễu đời mình, còn từ khi ông Tập Cận Bình lên nhậm chức, chỉ trong hai năm đầu đã có ít nhất 77 quan chức tự tử.

Số vụ tự tử gia tăng trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn được ông Tập chỉ đạo diễn ra tại mọi cấp trong chính quyền, quân đội cùng các doanh nghiệp quốc doanh.

Viên Dụ Lai, một luật sư nổi tiếng tại tỉnh Chiết Giang, cho rằng không có gì ngạc nhiên khi nhiều quan chức tự vẫn trước khi họ bị thẩm vấn bởi các điều tra viên chống tham nhũng của đảng Cộng Sản Trung Quốc, trong một quá trình còn được gọi là shuanggui (song quy -  điều tra nội bộ).

"Từng đối xử cứng rắn và khó khăn với những người dân thường, một số quan chức lại bị đối xử tương tự khi họ phải đối diện với các quan chức cấp cao hơn", ông Viên nói.

Các quan chức bị cáo buộc tham nhũng thường phải đối diện với Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), và sẽ không được liên lạc với bên ngoài trong thời gian thẩm vấn, trước khi bị chuyển cho cơ quan công tố. Các công tố viên sau đó hỗ trợ quá trình điều tra và đưa ra các cáo trạng.

Nhưng do hệ thống này được xem là cơ chế kỷ luật nội bộ, mọi việc thường không diễn ra công khai. Không hề có quy định rõ ràng nào về thời gian tối đa cho mỗi shuanggui, và đã có nhiều chỉ trích xem cơ chế này là sự lạm dụng quyền lực của một số điều tra viên.

Năm 2013, một kỹ sư trưởng 42 tuổi tại công ty quốc doanh Wenzhou Industry Investment đã tử vong sau khi bị giam giữ 38 ngày với nghi ngờ nhận hối lộ. Một khi nghi phạm chết, cơ quan công tố sẽ tuyên bố hủy cuộc điều tra hình sự.

Với một số quan chức khác, tự vẫn có thể đem đến một tác dụng khác, đó là bảo vệ gia đình họ.

Luật Trung Quốc ghi rõ rằng tòa án, thay vì CCDI, là cơ quan duy nhất được quyền phán quyết một viên chức bị tình nghi có phạm tội hay không. Nếu viên chức đó chết trước khi xét xử, tiến trình tố tụng sẽ bị hủy ngay lập tức.

"Khi nghi phạm được xác định tử vong, cơ quan công tố sẽ đình chỉ việc điều tra trách nhiệm hình sự của người đó, đóng hồ sơ hoặc hủy bỏ xét xử", luật hình sự của Trung Quốc có đoạn viết.

Cũng do đó, thông qua việc tự sát, nhiều quan chức có tội đã tích lũy được khối tài sản bất chính khổng lồ có thể bảo vệ gia đình mình khỏi các cuộc điều tra.

Rất có thể suy nghĩ như vậy đã lóe lên trong đầu Trần Hồng Kiều, 49 tuổi, cựu chủ tịch của công ty quốc doanh Guosen Securities, người đã treo cổ tự vẫn tại nhà riêng ở Thẩm Quyến hôm 22/10/2015.

Vụ tự tử của Trần diễn ra trong bối cảnh giới chức Bắc Kinh triển khai cuộc điều tra rầm rộ, để truy trách nhiệm những cá nhân bị cho là liên quan đến sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc mùa hè năm ngoái. Hàng nghìn tỷ nhân dân tệ đã bốc hơi khỏi thị trường sau khi giá cổ phiếu đồng loạt lao dốc.

Trần tự tử, để lại bức thư tuyệt mệnh có đoạn viết: "Xin hãy để vợ con tôi được yên".

Theo VNE

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang