Ngăn chặn và xử lý triệt để hành vi nhập lậu trái phép động vật, sản phẩm động vật

author 18:55 12/12/2023

(VietQ.vn) - Để ngăn chặn triệt để, chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch.

Gia tăng tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm từ động vật

Theo đánh giá của Chính phủ, tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, lợn và các sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực; dịch bệnh động vật nói chung và dịch tả lợn Châu Phi nói riêng cơ bản được kiểm soát, góp phần quan trọng trong việc duy trì tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, tình trạng nhập lậu động vật (gia cầm, lợn và trâu, bò) vẫn diễn ra phức tạp tại một số địa phương, gây nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục xảy ra ở một số địa phương, ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, làm tăng chi phí, giá thành sản xuất, tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm và giảm nguồn cung trong thời gian tới.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho thấy, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200 nghìn – 250 nghìn tấn/năm. Mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta. Theo báo cáo, một số địa phương trọng điểm đã phát hiện số lượng lớn vụ buôn bán, vận chuyển, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật lậu như: tỉnh Lạng Sơn phát hiện 31 vụ, Quảng Ninh có 41 vụ, Cao Bằng có 59 vụ, Long An có 5 vụ… Nguyên nhân là bởi tại các địa phương này địa bàn rộng, có đường biên giới dài, hẻo lánh, xa dân cư; lực lượng của các ngành, đơn vị liên quan “mỏng”, kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác chống buôn lậu, chế độ chính sách chưa được bảo đảm...

Quyết liệt ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển gia cầm, sản phẩm động vật. Ảnh: Kinhtedothi

Vụ việc cụ thể, theo thông tin từ Đồn Biên phòng Trà Cổ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện 1 bè xốp gỗ có ghi số 36487 đang di chuyển từ khu vực vùng biển Trung Quốc sang Việt Nam. Qua kiểm tra, phương tiện do Nguyễn Thành Quý (58 tuổi, thường trú tại thị trấn Giang Bình, TP. Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) là người điều khiển phát hiện đang chở 111 khay nhựa màu đen, bên trong mỗi khay có chứa 160 con gà giống (khoảng 2 ngày tuổi), tổng 17.760 con không rõ nguồn gốc xuát xứ.

Tiếp đến, vào sáng ngày 05/10/2023, tại xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, trước sự ra quân quyết liệt của Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn và Đội 389 tỉnh, các lực lượng chức năng đã mật phục, thu giữ 1.800 con gia cầm giống theo đối tượng khai nhận là có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Nhận định về hệ lụy của tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật gia tăng, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phan Quang Minh cho biết, tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xâm nhiễm vào Việt Nam. Động vật, sản phẩm động vật không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, môi trường…. Tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm hiện nay còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi bền vững. Ở đó, các doanh nghiệp và người chăn nuôi là đối tượng chịu tác động lớn nhất. Ngoài ra, tình trạng nhập lậu còn ảnh hưởng đến truy xuất nguồn gốc, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Tập trung giám sát chặt chẽ ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật

Để ngăn chặn triệt để, chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, giảm chi phí, hạ giá thành chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi và bảo đảm nguồn cung sản phẩm trong các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngày 06/12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm.

Chỉ thị nêu rõ, để ngăn chặn triệt để, chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, giảm chi phí, hạ giá thành chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi và bảo đảm nguồn cung sản phẩm trong các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an, Ban chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,... để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam. Chỉ đạo, triển khai lực lượng kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là các địa bàn tiếp giáp biên giới; tăng cường công tác kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tiêu thụ tại địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền cho Nhân dân, nhất là người dân ở khu vực biên giới về tác hại của việc nhập lậu, nguy cơ xâm nhiễm các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mất an toàn thực phẩm do vận chuyển trái phép, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng tập trung hàng hóa, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Tập trung chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo quy định của pháp luật về thú y, chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (tại các chương trình, kế hoạch quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các công điện, chỉ thị đã ban hành) và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó đẩy mạnh việc tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn thịt.

Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương, chủ động chỉ đạo lực lượng QLTT và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng làm công tác Thú y, Công an, Thanh tra giao thông lập các chốt kiểm soát, tổ kiểm soát lưu động để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch.

Khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y năm 2015, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 và Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023) để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh động vật, ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật. Chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các cấp thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng để chủ động chỉ đạo các biện pháp phù hợp, tổ chức ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả và xử lý nghiêm những sai phạm trong buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, cũng như trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi và tiêm vắc xin.

Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn cung thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thú y tăng cường công tác kiểm dịch nhập khẩu, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong nội địa theo quy định pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phối hợp với các địa phương và các bộ, ngành có liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam. Tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thành công các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu.

Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng QLTT và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng Thú y, Công an, Thanh tra giao thông xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường; có giải pháp kiểm soát, giảm thiểu chi phí trung gian, tăng lợi ích kinh tế cho người chăn nuôi. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, gian lận thương mại, thao túng thị trường, đẩy giá bất hợp lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi trong nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống đài truyền thanh cơ sở tổ chức công tác truyền thông về tác hại của việc nhập lậu, nguy cơ xâm nhiễm các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mất an toàn thực phẩm do nhập lậu vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam; các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật; phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm động vật sản xuất trong nước, nhất là các sản phẩm thịt lợn.

Xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong công tác quản lý giết mổ động vật

Ngày 08/12/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Văn bản số 9001/BNN-TY gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Để khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền các cấp khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định của Luật Thú y năm 2015, Luật Quy hoạch năm 2017 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm những nhiệm vụ sau:

Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và chính quyền địa phương khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền của địa phương phê duyệt Kế hoạch xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật theo quy định của Luật Thú y năm 2015, Luật Quy hoạch năm 2017.

Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm Chị thị số 02/CT-TTg ngày 14/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y năm 2015, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 và Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023) để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ thú y, nhất là nhiệm vụ kiểm soát giết mổ, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực hành tốt quy trình giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật để bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không sử dụng các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Thành lập các đoàn công tác do Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổ chức kiểm tra, xác định rõ những tồn tại, bất cập nhằm có giải pháp khắc phục kịp thời, có hiệu quả; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong công tác quản lý giết mổ động vật theo đúng quy định.

Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu: Cục Thú y thành lập các đoàn công tác đến các địa phương kiểm tra, đôn đốc về công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, quản lý kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra sử dụng chất cấm tại cơ sở giết mổ động vật. Cục Chăn nuôi chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn về chăn nuôi, thú y tại địa phương thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát sử dụng chất cấm tại các cơ sở chăn nuôi.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang