Tết đến sau 10 năm ở nhà ông Nguyễn Thanh Chấn

author 07:19 23/01/2014

Chúng tôi tới thăm gia đình anh khi những ngày Tết Giáp Ngọ đã gần kề. Căn nhà xập xệ của anh Chấn vẫn trống vắng với những đồ đạc cũ kỹ, ọp ẹp. Năm nay là năm đầu tiên anh Chấn được ăn Tết bên gia đình, sau 10 năm tù tội...

Mười năm đằng đẵng chạy vạy khắp hang cùng ngõ hẻm để kêu oan cho chồng, đến bây giờ, chị Chiến, vợ của người tù nổi tiếng Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) vẫn run rẩy nói rằng: “10 cái Tết qua là 10 lần ròng rã khóc như nhà có đám tang”.

Vợ chồng anh Chấn, chị Chiến lại được đoàn tụ sau 10 năm xa cách

Vợ chồng anh Chấn, chị Chiến lại được đoàn tụ sau 10 năm xa cách

 

Chúng tôi tới thăm gia đình anh khi những ngày Tết Giáp Ngọ đã gần kề. Căn nhà xập xệ của anh Chấn vẫn trống vắng với những đồ đạc cũ kỹ, ọp ẹp. Năm nay là năm đầu tiên anh Chấn được ăn Tết bên gia đình, sau 10 năm tù tội.

Anh Chấn giở cho chúng tôi xem cuốn sổ nhật ký của con gái anh là Nguyễn Thị Quyền. Cuốn sổ nhật ký này được giấu trong chiếc ba lô cũ mèm, để ở góc nhà. Tính đến nay, cuốn sổ nhật ký đó đã ở đó gần 10 năm, mà không ai hay biết. Đến khi anh Chấn được tha tù về, dọn dẹp lại nhà cửa mới vô tình phát hiện ra. Anh Chấn giở ra đọc và bất giác khóc nấc như trẻ thơ. Trong cuốn sổ ấy toàn là những giọt nước mắt ai oán của cô con gái nhỏ bé, thương bố trong cảnh tù tội và nỗi căm phẫn rất trẻ con dành cho những kẻ gây ra vụ án oan này.

Khi Quyền viết những dòng nhật ký này, em mới tròn 20 tuổi. Quyền học chưa hết cấp 2, nhưng chữ viết tương đối đẹp. Những dòng đầu tiên là tâm trạng của em qua cái Tết năm 2005:

“Ngày 2/1/2005

Hôm nay là ngày mùng 2 Tết. Đây là cái Tết thứ hai bố xa nhà rồi bố ơi. Đêm qua, con đón giao thừa một mình ngoài cửa, con đã khóc rất nhiều. Khi ấy pháo hoa ở phía xa rực trời.

Ở trong tù, không biết bố có được đón giao thừa không nữa. Bây giờ thì con chẳng thể làm gì được, chỉ thầm cầu mong cho bố khỏe mạnh, sớm trở về với gia đình. Bố ơi, bố có nghe thấy lời con nói không. Con nhớ bố nhiều lắm!”.

Cuốn sổ nhật ký của em Nguyễn Thị Quyền

Cuốn sổ nhật ký của em Nguyễn Thị Quyền

Chính người con gái này của anh Chấn đã chấp nhận đi làm osin ở Đài Loan để gửi tiền về để mọi người đi kêu oan cho bố. Quyền đã từng tuyên bố rằng, bao giờ bố được minh oan mới trở về. Em luôn có niềm tin rằng bố mình không giết người, sẽ có ngày bố được giải oan mà trở về.

Chị Chiến, vợ anh Chấn bồi hồi kể lại: Từ khi anh Chấn đi tù, gia đình tôi chẳng còn khái niệm Tết nữa. Ngày Tết thì càng buồn, nghĩ mà thương anh ấy nhiều hơn. Các năm, đã thành lệ, cứ đến ngày 24/12 Âm lịch là mấy mẹ con lại rồng rắn hơn trăm cây số lên trại Vĩnh Quang thăm nuôi anh ấy. Phải đi sớm thế vì sát Tết, người nhà phạm nhân vào rất đông, mình đến muộn chỉ sợ không vào được. Suốt năm suốt tháng được bao nhiêu tiền lại dồn góp lo chi phí đi kêu oan cho anh ấy, cuối năm còn được đồng nào thì đều đi thăm nuôi cả. Thế nên, Tết ở nhà chẳng có gì, có khi nhịn đói”.

Cái Tết mà chị Chiến nhớ nhất là vào năm 2005, khi đó anh Chấn đã ở tù được 2 năm. Cả nhà không còn một đồng tiền lẻ, không còn gì có thể bán được. Chị Chiến mới ở viện về, sức khỏe còn yếu, vẫn phải nằm mọp trên giường. Cúng giao thừa chỉ có nải chuối xanh. Sáng mùng 1 Tết, vợ chồng Quyết (con trai cả của anh Chấn) bê lên đặt giữa nhà một nồi cháo hoa. Quyết giục mẹ dậy ăn cháo, nhưng chẳng ai nuốt nổi, chỉ biết nhìn nhau rồi khóc. Bố đi tù, cảnh nhà kiệt quệ, các con của anh Chấn chỉ biết vạ vật ở đâu đó cho qua ngày, chứ chẳng dám đi chơi cùng bạn bè, họp lớp hay đi thăm thầy, cô giáo.

Những năm đầu tiên anh Chấn đi tù, mỗi khi Tết đến, người thôn Me khinh miệt gia đình nhà anh Chấn ra mặt. Trong mấy ngày Tết, trừ họ hàng thân thích, còn chẳng ai dám bén mảng qua nhà anh Chấn, vì sợ “giông” từ “gia đình có kẻ giết người”. Thậm chí họ còn chẳng đi qua ngõ, trông thấy chị Chiến đi ngang qua là họ tránh mặt, lủi mất. Đến nỗi bà Vì, mẹ anh Chấn tham gia trong hội vui tuổi già của xã cũng chẳng dám đến vui hội ngày Tết vì ánh mắt dò xét của mọi người.

Bà Vì kể: “Những năm nó đi tù, những ngày Tết thì nhà như có tang, không ai dám nói với ai lời nào vì cứ nói ra là lại nhắc đến thằng Chấn. Có cái gì ăn cũng không nuốt nổi, vì cứ ăn lại nhớ đến con đang khổ sở trong tù. Chẳng biết nó có sống nổi không. Tết năm 2006, tôi gặp trận ốm nặng, tưởng không qua nổi. Tôi bảo các cháu rằng đi làm một cái ảnh thờ cho thằng Chấn. Khi ấy, tôi chẳng hy vọng nó được trở về nữa, án chung thân là suốt đời ở tù rồi. Nhiều lúc nghĩ quẩn, tôi coi như không còn người con ấy nữa”.

Năm 2003 là năm đầu tiên anh Chấn đi tù, bị giam ở Trại Kế (Bắc Giang). Cuối năm thứ 2 anh chuyển lên Trại giam Vĩnh Quang (Vĩnh Phúc). Khi anh chuyển đi, gia đình không hề hay viết. Ngày 24 Tết năm đó, bà Vì lên thăm con, chẳng hiểu vì lý do gì, cán bộ quản giáo nói rằng, anh Chấn không còn ở đây nữa, chuyển đi đâu không biết. Bà Vì không gặp được con, nghĩ tủi thân khóc suốt đường về. Bà kể: “Thằng con tôi tôi đẻ ra tôi biết, nó vốn nhút nhát nên đi đến đâu cũng thiệt thòi. Người nhà đến thăm phạm nhân nườm nượp mà tôi thì không biết con mình đang ở đâu, đang sống thế nào. Muốn gửi cho con cái bánh chưng ăn Tết mà cũng không được. Sao mà khổ thế!”.

Tết là những ngày gia đình sum họp, vui vẻ nhất, ở đâu mà chẳng thế. Nhưng Tết ở nhà anh Chấn, qua 10 năm anh ở tù thì chỉ rặt những nghẹn ngào, oan ức trong nước mắt. Tết năm nay, anh Chấn đã được ở bên gia đình, dù vẫn còn thiếu thốn trăm bề nhưng niềm vui đoàn tụ thì lớn không gì bằng.

“Khi mới về, anh Chấn nằm ngủ cứ co ro như sợ ai đánh, bây giờ thì bắt đầu quen rồi, giấc ngủ đã thoải mái hơn, ít giật mình hơn. Tết này, nhà tôi sẽ không còn ai phải khóc nữa”, chị Chiến nói, nhưng mắt đã đỏ hoe.

Theo Petrotimes

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang