Sốt xuất huyết đã đến lúc báo động?

author 06:19 22/09/2015

(VietQ.vn) - Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát tại điểm nóng tỉnh Đồng Nai nên GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế đã đích thân đi thị sát.

Mới đây, GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế đã cùng đoàn chuyên gia của Bộ Y tế kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại tỉnh Đồng Nai, nơi hiện đang là điểm nóng về dịch sốt xuất huyết trên cả nước.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tính từ đầu năm 2015 đến nay, dịch bệnh sốt xuất huyết đã xảy ra 50 tỉnh, thành phố trong cả nước, tập trung nhiều tại một số khu vực phía Nam. Đồng Nai là một trong những tỉnh có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, đoàn thị sát của Thứ trưởng Bộ Y tế cùng đại diện các Cục, Vụ, Viện liên quan tổ chức chuyến kiểm tra, giám sát tại một số hộ dân tại phường Trảng Dài, Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. 

Sốt xuất huyết đã đến lúc báo động?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đang kiểm tra lăng quăng các chum, vại tại một hộ gia đình ở Trảng Dài, Đồng Nai

Cũng trong chuyến công tác này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã có cuộc họp khẩn cấp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh Đồng Nai với sự tham dự của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai và các đơn vị liên quan của tỉnh.

Đánh giá của đoàn kiểm tra cho thấy vẫn còn lăng quăng, bọ gậy trong hộ nhà dân do các gia đình có đất, vườn rộng nên vứt bỏ các dụng cụ phế thải như chum, vại, chai, lọ, đồ hộp… ra sân vườn khiến mùa mưa nước đọng lại đây thành nơi chứa nước để muỗi sinh đẻ. Ngoài ra, các bàn thờ ngoài sân vườn có lọ hoa, chén nước thờ cúng cũng là nơi chứa nước trong, thích hợp cho muỗi đẻ trứng.

Bên cạnh đó, chiến dịch diệt lăng quăng và phun hóa chất của tỉnh Đồng Nai còn gặp nhiều khó khăn do tình hình dân cư trên địa bàn phức tạp, chủ yếu là công nhân tại các khu công nghiệp, nhà máy với lịch làm việc vắng mặt ở nhà thường xuyên, khiến việc thông báo, tuyên truyền và tiến hành vào nhà phun hóa chất khó thực hiện sát sao, liên tục. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao những nỗ lực phòng chống dịch đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Tính từ đầu năm 2015 đến nay, tỉnh Đồng Nai đã triển khai 3 vòng chiến dịch diệt lăng quăng trên 11 địa bàn, phun hóa chất dập dịch diện rộng 4 đợt, đồng thời UBND tỉnh đã ban hành Công văn tăng cường phòng chống sốt xuất huyết cho các Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã ban hành công văn tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết đối với tuyến dưới và tham mưu cho Sở Y tế trong công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, công tác triển khai còn những bất cập dẫn đến tình trạng dịch bệnh gia tăng trong thời gian qua.

Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai và Sở, ban, ngành cần phối hợp mãnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong việc dập các ổ dịch và công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Chuyến thị sát tại các hộ gia đình cho thấy người dân vẫn còn lơ là trong công tác phòng dịch bệnh, ý thức diệt loăng quăng còn kém, các thiết bị được sử dụng trong nhà như lu, thùng đựng nước vẫn không được đậy kín, nhiều đồ phế thải còn vứt bừa bãi, ứ nước tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng… Mọi nỗ lực của chính quyền sẽ không thể thành công nếu thiếu sự hợp tác và chủ động phòng dịch, bảo vệ sức khỏe gia đình của mỗi người dân.

Một khi cả cộng đồng cùng ý thức chấp hành phòng chống dịch thì hiệu quả của việc phòng chống dịch sốt xuất huyết mới cao", Thứ trưởng Long nhấn mạnh. 
Đoàn chuyên gia Bộ Y tế nhận định dịch đang có nguy cơ tăng cao trong thời điểm này nên người dân cẩn chủ động và tích cực thực hiện triệt để các khuyến cáo phòng, chống bệnh.

Để giải quyết dứt điểm sốt xuất huyết, đoàn chuyên gia Bộ Y tế cho biết, bài toán duy nhất đó là phải có vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, sốt xuất huyết có 4 týp nên rất khó để sản xuất vắc xin. Do đó, nếu bệnh nhân mắc týp trước hoàn toàn có thể mắc týp sau và khi đã mắc týp sau thì rất nguy hiểm, thường xảy ra sốc xuất huyết, chảy máu nội tạng...

Bài toán về vắc xin cho dịch bệnh này chưa nhiều thuận lợi nên cơ quan đầu ngành về sức khỏe này khuyến cáo, nên xử lý các ổ bọ gậy, muỗi gây bệnh tồn tại tại nơi sinh hoạt bằng cách phun phòng dịch; vệ sinh nơi ở sạch sẽ, tránh có điểm đọng nước, ẩm thấp tạo điều kiện cho muỗi sinh sống… 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang