Thu gom và xử lý pin đã qua sử dụng theo quy định góp phần bảo vệ môi trường

author 05:50 20/12/2023

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia, các định hướng chính sách và quy định pháp luật về quản lý pin nói chung chưa được đề cập nhiều. Do đó việc thu gom và xử lý pin đã qua sử dụng theo quy định sẽ góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

Hiện nay, pin đã qua sử dụng nói riêng, rác thải điện tử nói chung tại Việt Nam vẫn chủ yếu được thu gom bởi các cơ sở thu gom phế liệu, hoặc cửa hàng sửa chữa, mua bán đồ điện tử mà chưa có điểm tập kết, thu gom, do đó, chưa đảm bảo xử lý tốt các điều kiện về bảo vệ môi trường.

Theo các chuyên gia, các định hướng chính sách và quy định pháp luật về quản lý pin nói chung chưa được đề cập nhiều. Bởi vậy, việc ban hành các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải nguy hại đã qua sử dụng, trong đó có pin nói riêng, rác thải điện tử nói chung, là yêu cầu cấp thiết.

Theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế và xử lý sản phẩm của mình theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc, hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ xử lý chất thải.

Cần xử lý pin đã qua sử dụng đảm bảo an toàn, đúng tiêu chuẩn góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh  minh họa 

Thực tế, các nhà sản xuất, nhập khẩu vẫn chưa thực hiện quy định trên, dẫn đến việc thu gom xử lý pin đã qua sử dụng nhằm giảm tác hại tới môi trường chưa thật sự hiệu quả. Do đó, cần có giải pháp hoàn thiện chính sách, tích cực triển khai hiệu quả việc thu gom và xử lý pin đã qua sử dụng từ cộng đồng cũng như công tác kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm đối với nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định.

Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, theo đó các nhà sản xuất, nhập khẩu pin sử dụng một lần đã đóng góp tài chính (1% doanh thu) vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn, trong đó có pin.

Đối với pin sạc, ắc quy thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm thu gom, tái chế theo tỷ lệ tái chế bắt buộc (ắc quy chì 12%; ắc quy khác và pin sạc 08% ) và quy cách tái chế bắt buộc hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế pin, ắc quy.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì và xử lý chất thải. Khi Thông tư được ban hành và có hiệu lực, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hỗ trợ các địa phương, các đơn vị tái chế tổ chức việc thu gom, xử lý, tái chế chất thải nói chung và pin, ắc quy nói riêng.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP trong đó sẽ sửa đổi, hoàn thiện chính sách, tích cực triển khai hiệu quả việc thu gom và xử lý chất thải rắn nói chung và pin, ắc quy nói riêng đã qua sử dụng từ cộng đồng; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm đối với nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định.

Liên quan tới việc tái chế pin sau sử dụng, Theo TS Nguyễn Sĩ Linh, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu (Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam đã có định hướng chính sách và các quy định pháp luật về quản lý chất thải nguy hại. Tuy vậy, định hướng chính sách và các quy định pháp luật về quản lý pin nói chung, pin của các phương tiện xe điện nói riêng chưa được đề cập nhiều. Hiện nay, cũng chưa có nhiều doanh nghiệp chuyên trách về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải theo nhóm chất thải, theo nguồn phát thải… Bởi vậy, việc ban hành các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải nguy hại là pin sau khi sử dụng, đặc biệt là từ các phương tiện giao thông… đang là yêu cầu cấp thiết.

Ông Hà Minh Hiệp - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, số lượng xe điện và pin xe điện ngày càng tăng đang đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với các nhà sản xuất và nhà quản lý trong việc quản lý chất thải, cụ thể là giải pháp tái sử dụng, tái chế pin xe điện cuối vòng đời. Tái chế pin mang đến nhiều lợi ích, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sống mà còn mang lại lợi ích kinh tế quan trọng nhờ vào việc thu hồi các loại khoáng sản có giá trị như: Coban, niken, lithium... Điều này giảm thiểu việc khai thác liên tục gây áp lực cho các chuỗi cung ứng.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về pin, ngày 09/7/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 15/2020/TT-BTTTT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về pin lithium cho thiết bị cầm tay.

Quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về pin lithium cho thiết bị cầm tay bao gồm các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu làm cơ sở kỹ thuật cho việc quản lý, đánh giá chất lượng pin lithium cho thiết bị cầm tay gồm pin lithium rời hoặc lắp trong điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính xách tay. Quy chuẩn này được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh pin lithium cho thiết bị cầm tay thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn này trên lãnh thổ Việt Nam.

Việc đo kiểm, thử nghiệm đối với yêu cầu kỹ thuật được thực hiện bởi phòng thử nghiệm trong nước được chỉ định, hoặc phòng thử nghiệm ngoài nước được thừa nhận.

Quy chuẩn bao gồm các yêu cầu kỹ thuật về các điện cực; Yêu cầu về ký hiệu và nhãn mác; Yêu cầu về đặc tính điện; Yêu cầu về cảm quan; Yêu cầu đối với tế bào; Yêu cầu về đặc tính an toàn; Yêu cầu về dung sai thông số đo và phương pháp đo đặc tính an toàn.

Các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện công bố hợp quy các loại pin lithium dùng cho thiết bị cầm tay và chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước theo các quy định hiện hành.

Yêu cầu về các điện cực thì đầu dẫn các điện cực dương/âm của tế bào/pin phải bảo đảm sáng, sạch, không có vết rỉ và tiếp điện tốt. Cảm quan của tế bào/pin phải sạch, không được ố bẩn, không có vết muối và móp méo không gây cản trở trong quá trình sử dụng, nhãn mác phải rõ ràng.

Về nhãn mác pin phải được ghi nhãn mác rõ ràng và bền bao gồm các thông tin sau đây: Li hoặc Li-ion (có thể nạp lại) thứ cấp; Ký hiệu pin được quy định trong điều 2.3.1; Điện cực; Ngày sản xuất; Tên hoặc mã của nhà sản xuất; Dung lượng danh định; Điện áp danh định.

Quy chuẩn này được áp dụng thay thế cho Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 101:2016/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về pin lithium cho thiết bị cầm tay”.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang