Phát hiện nhiều vi phạm về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa
Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia để sản xuất được chất chuẩn
Cảnh báo các thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty CP Dược Phẩm Linh Đạt vi phạm quy định
Bắc Ninh xử phạt cửa hàng kinh doanh hơn 500 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu
Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, tính từ ngày thành lập Tổng cục Quản lý thị trường (12/10/2018) đến nay toàn lực lượng đã phát hiện và xử lý 353.333 vụ việc trên mọi lĩnh vực. Với số tiền xử phạt hành chính lên đến gần 1.823 tỷ đồng, trị giá hàng hoá vi phạm được xử lý đạt đến hơn 1.603 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các vụ việc phức tạp, có dấu hiệu hình sự bị lực lượng Quản lý thị trường phát hiện có xu hướng tăng dần theo từng năm. Số vụ chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự 9 tháng đầu năm 2023 cao gấp đôi số vụ việc chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự của cả năm 2018.
Theo ông Trần Văn Dũng, thời gian qua, các hành vi vi phạm bị lực lượng Quản lý Thị trường phát hiện chủ yếu tập trung vào nhóm hành vi vi phạm về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá; nhóm hành vi vi phạm về lĩnh vực đầu tư, điều kiện kinh doanh; nhóm hành vi về an toàn thực phẩm và hàng hoá nhập lậu.
Theo dữ liệu Hệ thống xử lý vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường (INS), thời gian qua đang có sự thay đổi về cơ cấu hành vi được xử lý. Cụ thể, các nhóm hành vi về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hoá vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm; hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; điều kiện kinh doanh có chiều hướng tăng trong khi số vụ việc xử lý về hàng cấm; hàng hoá nhập lậu và không niêm yết giá lại có chiều hướng giảm.
Ảnh minh hoạ
Ông Trần Văn Dũng cho biết, với mục đích trục lợi, các đối tượng lợi dụng thị hiếu tiêu dùng của người dân, mức độ tự bảo vệ của doanh nghiệp còn thấp cũng như những kẽ hở của pháp luật để kinh doanh hàng hoá vi phạm về hàng hoá nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng hoá vi phạm tập trung chủ yếu vào các loại có thương hiệu nổi tiếng, được người tiêu dùng ưa chuộng; các loại mặt hàng thiết yếu như thời trang may mặc, dược phẩm, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc lá, xăng dầu... và một số mặt hàng có thuế suất cao.
Đáng chú ý, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi và luôn thay đổi. Hiện tượng tập kết hàng tại một điểm nhất định tại khu vực giáp biên hiện được thay thế bằng phương thức xé lẻ hàng hóa ngay sau khi đưa qua biên giới để chuyển sang phương tiện khác rồi vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ. Điểm trung chuyển hàng hoá cũng được thay đổi thường xuyên, hoạt động trung chuyển được thực hiện rất nhanh và không theo quy luật.
Ông Trần Văn Dũng cũng nhấn mạnh, sự tăng trưởng thần tốc của thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua kéo theo hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan trên các nền tảng giao dịch trực tuyến, các mạng xã hội xuyên biên giới. Các đối tượng kinh doanh online lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng). Thậm chí, một số đối tượng còn bỏ tiền thuê các cá nhân có sức ảnh hưởng, nổi tiếng để livestream (phát trực tiếp) bán hàng cho mình, từ đó có thể chốt hàng nghìn đơn mỗi ngày.
Ngoài ra, với sự phát triển của thương mại điện tử, việc người dân mua hàng nước ngoài vận chuyển trực tiếp về Việt Nam trở nên rất đơn giản. Điều này đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, doanh nghiệp và sự phát triển của thị trường cũng như gây khó khăn, thách thức không nhỏ cho công tác thực thi chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hoá không đảm bảo chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thậm chí, trong những năm gần đây còn có hiện tượng các đối tượng người nước ngoài “núp bóng”, cấu kết với các đối tượng trong nước cũng như các đối tượng vi phạm sử dụng công nghệ cao để kinh doanh, vận chuyển hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hoá không đảm bảo chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm vào thị trường trong nước tiêu thụ.
Bảo Lâm