Thu lợi lớn từ đăng ký bảo hộ địa danh đặc sản

author 07:17 15/12/2013

Nhờ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, hai sản phẩm: Mãng cầu Bà Đen, bánh tráng Trảng Bàng đã thực sự phát huy được hiều quả kinh tế từ việc bảo hộ này.

Riêng với sản phẩm bánh tráng Trảng Bàng thì người kinh doanh giàu lên trông thấy, còn người sản xuất vẫn chưa nhận được lợi nhiều dù giá bánh tráng có tăng lên so với trước.

Phát huy tốt hiệu quả

Từ khi mãng cầu Bà Đen được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý và Viện cây ăn quả miền Nam chứng nhận VietGap lần 2, sản phẩm mãng cầu của người dân đã được đưa vào hệ thống siêu thị Co.op Mark. Đó là thành quả mà ông Huỳnh Biển Chiêu, chủ vườn mãng cầu với diện tích 9ha, ấp Thành Hiệp, xã Thanh Tân, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh đã thực hiện được.

Ông Chiêu cho biết: "Khi sản phẩm của mình đạt tiêu chuẩn VietGap và trên mỗi quả mãng cầu đều có dán tem chỉ dẫn địa lý thì người tiêu dùng cảm thấy yên tâm hơn và sản phẩm cũng được giá hơn". Bởi khi có chứng nhận VietGap có nghĩa là sản phẩm sạch. Khi trồng theo tiêu chuẩn này, người dân cần phải ghi chép cụ thể tất cả các khâu trồng, chăm sóc, bón phân như thế nào cho cây. Ngoài ra, sản phẩm cũng không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Mãng cầu Bà Đen

"Còn tem chỉ dẫn địa lý (với hình 2 quả núi Bà Đen) cũng góp phần xác định rõ cho người tiêu dùng biết chắc chắn sản phẩm của tôi là mãng cầu vùng núi Bà Đen nên sẽ có hương vị đặc trưng hơn các vùng khác", ông Chiêu vui vẻ cho biết.


Chính vì vậy mà sản phẩm của ông Chiêu khi bán vào siêu thị với giá ổn định từ 28.000 (mãng cầu loại 2, 200g/ quả) đến 38.000 đồng/ ký (mãng cầu loại I, 250g/ quả). Nhãn trên sản phẩm của ông Chiêu ghi rõ ngày hái trái và xuất xứ của nó. Sắp tới, ông Chiêu sẽ mở rộng hình thức này cho bà con nông dân trong vùng thực hiện theo nhằm nâng cao hiệu quả mà chỉ dẫn địa lý mang lại.
 
Kinh doanh lãi lớn, người sản xuất thiệt thòi

Sau khi đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, sản phẩm này ngày càng tăng về số lượng do nhu cầu của khách du lịch và xuất đi các tỉnh thành trên cả nước tăng. Nhiều đoàn khách du lịch, cả trong nước và nước ngoài cũng thường xuyên đến Hợp tác xã Tân Tiến để mua bánh tráng với giá gốc.

Theo ông Phạm Văn Hiển, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Tiến cho biết: “Từ sau khi bánh tráng Trảng Bàng được đăng ký nhãn hiệu tập thể thì giá của bánh tráng tăng từ 11.000 đồng lên 14.000 đồng/ xấp, nhưng những hộ kinh doanh bán ra ngoài với giá 25.000 đồng/ xấp. Như vậy, người kinh doanh sẽ xây được nhà lầu, tậu xe hơi, nhưng người sản xuất vẫn thiệt thòi".

Cho đến nay, sản phẩm vẫn chưa in mẫu độc quyền do chờ sự thống nhất về mẫu mã của Sở KH-CN tỉnh. "Điều đó khiến cho công tác quản lý giá bán của các cơ sở kinh doanh bánh tráng phơi sương Trảng Bàng của Hợp tác xã còn lỏng lẻo. Khi có bao bì độc quyền, chúng tôi sẽ quản lý giá bán của tất cả các hộ kinh doanh để đảm bảo quyền lợi cho người sản xuất", ông Hiển chia sẻ.

Tuy nhiên, hiện nhiều hộ sản xuất bánh tráng muốn đổi nghề từ bánh tráng phơi sương sang bánh tráng nhúng. "Để giữ được sự phát triển của làng nghề và sản phẩm, hợp tác xã sẽ thỏa thuận với các bên để nâng giá bán cho người sản xuất. Đồng thời, người kinh doanh cũng không được nâng giá bán để giữ uy tín và đầu ra ổn định cho sản phẩm này", ông Hiển cho biết thêm.

Dự tính, mỗi xấp bánh tránh sẽ nâng lên 16.000 đồng, tăng hơn 2000 đồng cho các hộ sản xuất bánh tráng phơi sương. Hợp tác xã Tân Tiến mở địa điểm bán bánh tráng cho khách du lịch với giá gốc tại số 30, đường Nguyễn Văn Róp, thị trấn Trảng Bàng, Tây Ninh.

P.V (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang