Tiêu chuẩn Halal – mở ra thị trường mới cho doanh nghiệp Việt

author 05:49 24/12/2023

(VietQ.vn) - Halal không còn đơn thuần là tiêu chuẩn dành riêng cho người theo đạo Hồi mà đang dần trở thành tiêu chuẩn mới về bảo đảm an toàn, vệ sinh và chất lượng sản phẩm. Hiện nay, ngày càng nhiều người tiêu dùng, quốc gia không theo đạo Hồi quan tâm và lựa chọn sử dụng các sản phẩm, dịch vụ Halal.

Thị trường Halal được đánh giá là thị trường tiềm năng và là cơ hội cho Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp Halal. Theo phân tích của Trung tâm phát triển Halal (Malaysia), thị trường Halal toàn cầu đạt 3000 tỷ USD năm 2020 và ước tính đạt 5000 tỷ USD năm 2030. Dự báo mức tăng của từng khu vực cụ thể như sau: Khu vực Bắc Mỹ: dự kiến tăng 50%, đạt 300 triệu USD năm 2030; Khu vực Châu Âu và lục địa Á – Âu: dự kiến tăng 67%, đạt 500 triệu USD năm 2030; Khu vực châu Á Thái Bình Dương: dự kiến tăng 75%, đạt 2800 triệu USD năm 2030; Khu vực Trung Đông và Bắc Phi: dự kiến tăng 50%, đạt 1200 triệu USD năm 2030; Khu vực Tiểu sa mạc Sahara – Châu Phi: dự kiến tăng 100%, đạt 400 triệu USD năm 2030.

So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ…; thị trường rộng lớn và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam quan tâm tới việc khai mở và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.

Sản phẩm vào thị trường Halal cần phải sạch, tinh khiết. Ảnh minh họa.

Chia sẻ về thực trạng và định hướng Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm và dịch vụ Halal, TS. Triệu Việt Phương - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho biết, hiện nay hệ thống TCVN về Halal có 5 TCVN, trong đó, 4 TCVN về thực phẩm bao gồm: TCVN 12944:2020 Thực phẩm halal – Yêu cầu chung; TCVN 13708:2023 Thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal; TCVN 13709:2023 Thức ăn chăn nuôi Halal; TCVN 13710:2023 Thực phẩm halal – Yêu cầu đối với quá trình giết mổ động vật và 1 TCVN về tổ chức chứng nhận là TCVN 13888:2023 Đánh giá sự phù hợp – Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm, quá trình, dịch vụ Halal.

Các tiêu chuẩn được xây dựng trên cơ sở hài hòa với tiêu chuẩn phổ biến như: Tiêu chuẩn CODEX CXG 24-1997 General Guidelines for Use of the Term Halal, Tiêu chuẩn Malaysia MS 1500:2019 Halal Food – Yêu cầu chung, GSO 2215:2012, Thực hành nông nghiệp tốt (Tiêu chuẩn khu vực vùng Vịnh), UAE.S 2055 -1:2015 sản phẩm Halal – Phần 1 – Yêu cầu chung đối với thực phẩm Halal (Tiêu chuẩn Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất).

Về định hướng xây dựng TCVN về Halal, theo Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam thực hiện xây dựng TCVN theo Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phê duyệt Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”; Nghị quyết số 124/NQ-CP, ngày 07/08/2023 của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2023. Trong đó giao Bộ KH&CN khẩn trương hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm, dịch vụ Halal trên cơ sở hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước nhập khẩu; Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thông tin, hiểu yêu cầu quy định đối với thị trường và sản phẩm, dịch vụ Halal.

Hà My

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang