Tin giả có tác động tiêu cực đến tâm lý người tiếp cận

author 05:27 19/10/2023

(VietQ.vn) - Người dùng sẽ dễ bị điều hướng khi đọc những tin tức tạo ra cảm xúc mạnh và dễ tin vào nó. Khi đó, họ sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng chủ yếu sẽ dẫn đến những điều tiêu cực như ngạc nhiên, buồn phiền, hoảng sợ, phẫn nộ...

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), cách thức tạo ra fake news ngày càng tinh vi như giả tiếng, giả hình, video và xuất hiện trên nhiều nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, TikTok... Nhiều thông tin dưới dạng bài viết được trình bày tương tự như một bài báo chính thống, gây nhầm lẫn cho người đọc.

Hành vi "giả hình" là sử dụng công nghệ cắt ghép tạo hình ảnh người giả y như thật để tạo ra tin tức sai sự thật. "Giả tiếng" là sử dụng công nghệ TTP (công cụ chuyển văn bản thành tiếng nói - text to speech) để tạo ra các cuộc gọi tự động với giọng robot thu sẵn. Hiện nhiều người đang dùng công nghệ này cho các chương trình trên YouTube. "Giả video" được thực hiện bằng cách cắt ghép hình ảnh người dẫn chương trình lồng vào dẫn bản tin giả. Loại hình ảnh giả này "buộc" người xem nghĩ đó là thật vì có hình ảnh quen thuộc của người dẫn chương trình truyền hình. Hơn hết, các sản phẩm được tạo ra bởi AI ngày càng tinh vi, đặc biệt là deepfake với nhiều hệ lụy khôn lường về vấn nạn tin giả. Nạn nhân của tin giả bằng công nghệ này trên toàn cầu có thể là người tiếp nhận thông tin sai, bị ghép mặt vào các video khiêu dâm...

Deepfake là sự kết hợp giữa deep learning (học sâu) và fake (giả). Công nghệ này dùng AI phân tích cử chỉ, nét mặt và giọng nói của một người, từ đó, tái tạo và chỉnh sửa để tạo ảnh hoặc video trông như thật. Các đối tượng này có thể tạo MC với khuôn mặt và giọng nói giống người dẫn chương trình từ các hãng thông tấn lớn, sau đó, xây dựng kịch bản giật gân, sai sự thật, nhằm câu kéo tương tác từ cộng đồng mạng. Thậm chí, nhiều video còn đóng logo của kênh tin tức, khiến người xem lầm tưởng là các tin đã xác thực hoặc độc quyền.

Cách thức tạo ra fake news ngày càng tinh vi như giả tiếng, giả hình, video và xuất hiện trên nhiều nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, TikTok... Ảnh minh họa 

Tác động đến công chúng

Đầu tiên, các thông tin sai sự thật có tác động tiêu cực đến tâm lý người tiếp cận. Công chúng thường có thói quen xem nhanh tin tức được đăng tải trên mạng xã hội và chỉ dừng lại ở những tin gây sự chú ý đặc biệt. Điều này dẫn tới việc tiếp nhận thông tin thiếu tính kiểm chứng kỹ lưỡng. Người dùng sẽ dễ bị "dụ dỗ" khi đọc những tin tức tạo ra cảm xúc mạnh và dễ tin vào nó. Khi đó, họ sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng chủ yếu sẽ dẫn đến những điều tiêu cực như ngạc nhiên, buồn phiền, hoảng sợ, phẫn nộ...

Không chỉ tâm lý, fake news cũng tác động đến hành vi của người tiếp nhận. Trên không gian mạng, với những cảm xúc mạnh về các thông tin giật gân, người dùng có thể thực hiện nhiều hành động vô tình lan truyền tin giả mạnh mẽ hơn như bày tỏ cảm xúc hoặc bình luận, gắn tên (tag) bạn bè, chia sẻ (share) trên mạng xã hội khi chưa kiểm chứng, xác định nguồn tin.

Cách nhận biết thông tin sai sự thật

Một là, kiểm tra, xem xét nguồn tin

Hiện nay, người dân có nhiều kênh để tiếp nhận thông tin, từ truyền hình, radio, các trang báo giấy, báo mạng, trang thông tin điện tử, cổng thông tin của các cơ quan nhà nước… Nguồn tin còn đến từ mạng xã hội, các hội nhóm, các thông tin truyền miệng. Tất nhiên, trong hàng trăm, hàng ngàn tin tiếp nhận mỗi ngày, có tin chính xác, có tin không chính xác. Để nhận được những thông tin chính xác, chúng ta cần theo dõi tin tức từ báo chí, nhất là những tờ báo uy tín, cổng điện tử của cơ quan chức năng.

Hai là, kiểm chứng nguồn tin

Với mỗi thông tin đăng tải trên báo chí hay trên mạng xã hội, chúng ta vẫn cần kiểm chứng xem thông tin chính xác không bằng cách đọc và tìm hiểu nguồn tin đó có được cung cấp bởi người có thẩm quyền, đúng chức năng, được phép phát ngôn cung cấp thông tin hay không. Những thông tin trong bài viết có nêu rõ tên người, địa phương, thời gian… không. Với những tin chung chung, không rõ tên nhân vật, địa danh cụ thể, chúng ta cần kiểm chứng lại. Tin giả thường không được chú trọng về cấu trúc ngữ pháp, thể thức văn bản, dễ có lỗi chính tả và ngữ pháp, không thống nhất. Về các luận cứ, luận chứng trong bài viết, thông thường các tin giả được tạo ra được dựa trên một câu chuyện, tình tiết có thực nhưng được làm giả ở những nội dung quan trọng nhất. Ngoài ra, cần đọc kỹ nội dung xem thông tin đó là tin tức thật hay trò đùa của người đăng.

Ba là, kiểm tra lại thông tin, hình ảnh minh họa

Tin giả không chỉ về chữ viết mà còn là các hình ảnh. Người dùng mạng xã hội luôn nghĩ, hình ảnh, nhất là video là minh chứng rõ ràng nhất và tin ngay những thông tin trong hình ảnh đó. Nhưng thực sự, những hình ảnh có thể bị làm giả, bị cắt ghép, chỉnh sửa theo từng dụng ý khác nhau của người đăng tải thông tin. Hình ảnh sử dụng trong bài viết đa phần là ảnh trên mạng hoặc được chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung nguồn tin. Cần kiểm tra xem ảnh có tồn tại trên không gian mạng thông qua tính năng “Search Google for image”.

Trước mỗi thông tin, hình ảnh có nội dung xấu lan truyền, cần tỉnh táo, suy nghĩ xem những tin tức, hình ảnh đó khởi nguồn thế nào, ai phát ra, liệu có đủ khả năng tin cậy? Nếu những tin tức đó mang đến suy nghĩ tiêu cực, cần phải suy xét thận trọng, tránh việc ấn like hay chia sẻ, bình luận tạo hiệu ứng lan truyền tin giả, độc hại. Phải cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin trên không gian mạng, nhất là thông tin được chia sẻ bởi mạng xã hội, chủ thể không rõ nguồn gốc, không xác thực. Đặc biệt, không chia sẻ nguồn tin phát ra từ trang mạng của những cá nhân, tổ chức thường xuyên đưa tin có nội dung tiêu cực, sai trái, phỉ báng nhà nước, cộng đồng.

Khánh Mai

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang