TP. Hồ Chí Minh xử lý 1.322 vụ hàng lậu, hàng giả trong Quý III/2023

author 17:24 03/10/2023

(VietQ.vn) - Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong quý 3/2023, các Đội QLTT kiểm tra 1.598 vụ và đã xử lý 1.322 vụ vi phạm về hàng giả, hàng lậu.

Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong quý 3/2023, các Đội QLTT kiểm tra 1.598 vụ (tăng 366 vụ, tăng 29,92 % so với cùng kỳ năm trước) và đã xử lý 1.322 vụ. Trong đó, chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự 1 vụ về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Một số nhóm mặt hàng vi phạm nổi cộm bị c phát hiện, xử lý trong thời gian qua gồm: Thuốc lá điếu nhập lậu và thuốc lá thế hệ mới, các đội QLTT đã kiểm tra, xử lý 16 vụ vi phạm. Thu giữ 406 bao thuốc lá điếu nhập lậu, 2.140 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử và tinh dầu, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 321 triệu đồng.

Với mặt hàng thực phẩm, QLTT đã kiểm tra, xử lý 128 vụ vi phạm, tạm giữ 52.853 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại chủ yếu là các bánh kẹo, rượu, bia, sữa, thực phẩm bao gói sẵn, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1,6 tỷ đồng. Riêng mặt hàng đường cát, có 12 vụ vi phạm với số hàng bị tạm giữ hơn 20 tấn, không đơn hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đặc biệt, với mặt hàng mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền, QLTT đã kiểm tra, xử lý 116 vụ vi phạm, tạm giữ 64.990 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm các loại; 57.374 đơn vị sản phẩm (viên, vỉ hộp) tân dược, 68.320 đơn vị sản phẩm dược liệu và 5.558 đơn vị sản phẩm (viên, vỉ, hộp) thực phẩm chức năng.

Cục QLTT TP.Hồ Chí Minh thu giữ và xử lý 1.322 vụ vi phạm về hàng giả, hàng lậu trong Quý III. Ảnh: Cục QLTT TP.HCM

Trị giá hàng hóa vi phạm hơn 41,3 tỷ đồng, trong đó riêng hàng hóa nhập lậu bị tạm giữ trị giá hơn 15,9 tỷ đồng, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ ước tính hơn 20 tỷ đồng và hàng giả ước tính hơn 4,2 tỷ đồng.

Điển hình, về hàng giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, ngày 17/9/2023 Đội trưởng Đội QLTT số 2 buộc tiêu hủy 7.512 đơn vị sản phẩm hàng hóa là quần áo họa tiết rằn ri, quần áo thời trang, giày dép, dược phẩm, thuốc phòng chữa bệnh, thực phẩm, phụ tùng xe máy, dụng cụ cầm tay.v.v… các loại nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; quần áo giả mạo các nhãn hiệu Zara, Gucci, Louis Vuitton, máy khoan, lưỡi cắt giả mạo nhãn hiệu Bosch; 600 bánh Trung thu trứng chảy không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổng trị giá hàng tiêu hủy: 321.953.000 đồng.

Về thuốc lá điếu, vào ngày 18, 21 và 26/9/2023, Cục QLTT 15 tiến hành tiêu hủy hàng hoá là thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất, nhập lậu gồm 9.150 bao các hiệu: 555, Jet, Hero, Esse Change, Scott, Mond, Marlbro, Captian Black, Zouk. Phương thức tiêu hủy được áp dụng: đưa vào máy chuyên dụng xay nhuyễn, sau đó đưa vào đốt hủy trực tiếp trong lò đốt ở nhiệt độ cao, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về môi trường.

Về thực phẩm, ngày 20/9/2023, Đội QLTT số 12 đã phát hiện 3.576 cái bánh trung thu, hiệu Bibizan tttt, loại 45gr/cái, ngày sản xuất 15/7/2023, hạn sử dụng: 90 ngày, có tổng trị giá là: 25.032.000 đồng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn sử dụng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hộ kinh doanh chưa xuất trình được các hóa đơn, chứng từ liên quan đến số hàng hóa nói trên. Đội Quản lý thị trường số 12 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hoá để xử lý theo quy định.

Ngày 21/9/2023, Đội QLTT số 12 tiếp tục phát hiện 4.608 cái bánh trung thu trứng chảy không rõ nguồn gốc xuất xứ, loại 2,5 kg/thùng, không rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng, có tổng trị giá là: 18.432.000 đồng, không đảm bảo an toàn sử dụng. 

Theo lực lượng chức năng, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi; nạn hàng giả, hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ,... với nhiều chủng loại vẫn còn được quảng cáo, giới thiệu, trưng bày, bày bán công khai trên môi trường thương mại điện tử và thị trường kinh doanh truyền thống chưa được đẩy lùi. Đặc biệt nguồn hàng hóa di chuyển vào thị trường từ hướng biên giới Tây Nam và tình hình tập kết hàng hóa tại các kho hàng, điểm chứa trữ trong các tháng cuối năm cũng hoạt động mạnh hơn.

Trong thời gian tới, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường và Ủy ban nhân dân TP.HCM; chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền, công an và các lực lượng chức năng khác có liên quan tại địa phương, tập trung giám sát, kiểm soát các địa bàn trọng điểm, các tuyến đường liên tỉnh, quốc lộ và các kho bãi, điểm chứa trữ để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đặc biệt tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm các nhóm hàng hóa trọng tâm, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm hàng hóa và thương mại điện tử.

 An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang