Phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bán tràn lan

author 16:37 25/03/2024

(VietQ.vn) - Theo ghi nhận hiện nay không chỉ tại các chợ mà trên không gian mạng cũng đang rao bán tràn lan phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ nguy cơ gây nhiều hệ lụy cho người tiêu dùng nếu sử dụng.

Thực phẩm bẩn, thực phẩm giả nhiều năm nay trở thành vấn nạn vô cùng nan giải. Đặc biệt, các chất phụ gia cấm, không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán tràn lan. Nguyên nhân là vì lợi nhuận trước mắt của những người kinh doanh và sự buông lỏng kiểm tra của các cơ quan quản lý.

Theo ghi nhận, để mua các loại phụ gia rất dễ dàng tại một số chợ đầu mối hay các cửa hàng đồ khô. Đặc biệt, các sản phẩm này đều không gắn nhãn mác, nguồn gốc và không hướng dẫn sử dụng. Nơi được coi là thủ phủ của các loại hàng hóa về thực phẩm là chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Tại đây, các sản phẩm phụ gia thực phẩm được bày bán khá đa dạng và phong phú. Từ những loại phụ gia phổ biến nhất như mỳ chính, đường hóa học, chất làm nhừ, gia vị lẩu... đến những loại phụ gia cực độc dù đã có rất nhiều cảnh báo trong việc sử dụng như bột diêm tiêu - loại bột này dùng để làm tươi thịt.

Qua khảo sát, đối với các chất phụ gia cấm trên thị trường như bột diêm tiêu, việc mua bán không còn diễn ra công khai như trước nữa. Tuy nhiên, nếu có cách thì không khó để mua được loại chất cấm này.

Ghi nhận tại một quầy bán đồ khô tại chợ Đồng Xuân, một người bán tiết lộ, bột diêm tiêu có 2 loại là bột diêm trắng và bột diêm vàng. Trong đó, bột diêm trắng với giá 100.000 đồng/kg thì có thể sử dụng làm tươi thịt, giữ màu hồng, đỏ cho thịt. Chất phụ gia này thường được dùng trong làm xúc xích, lạp xưởng, giăm bông... để bảo quản sản phẩm lâu hơn. Còn bột diêm vàng với giá 60.000 đồng/kg dùng để làm trắng sản phẩm, dùng sấy sản phẩm cho đỡ mốc...

Phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bán tràn lan. Ảnh: CAND

Theo dân trong nghề, ngoài chợ Đồng Xuân thì một số chợ như chợ Long Biên cũng có thể mua được các chất phụ gia như ý. Anh Phan Văn Hùng (xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) làm nghề nướng vịt cho hay: “Tôi vẫn hay lấy các phụ gia ở chợ Long Biên, ở đó có các chất phụ gia như dùng để làm bánh trung thu, thạch, nước cam, rượu, tương ớt..., phẩm màu để quay thịt, làm bò khô..., họ đựng trong can, chai lọ, bịch nilon”.

Theo anh Hùng, điểm chung của các sản phẩm này ngoài bao bì chỉ những dòng chữ viết tay, không hề có nhãn mác in ấn về nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng. Đặc biệt, người tiêu dùng chỉ cần bỏ ra 20.000 - 25.000 đồng là có thể mua được một gói phụ gia để làm ra những đồ ăn, thức uống bắt mắt, vừa lòng khách hàng. 

Không chỉ bán tại các chợ truyền thống phụ gia thực phẩm còn được nhiều dân buôn mang lên mạng bán công khai. Chỉ cần lên mạng xã hội hoặc các website gõ từ khóa “gia vị thực phẩm” có thể cho ra hàng nghìn sản phẩm khác nhau. Từ những sản phẩm có tem mác, cho đến những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xách tay.

Thậm chí phụ gia thực phẩm còn được bày bán rất công khai tại một số sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee... Như, trên sàn thương mại Shopee có chào bán bột màu thực phẩm chuyên để pha chế nước uống. Thông tin sản phẩm không được đăng tải, chỉ có hình ảnh bột màu được đựng trong túi nilon, trọng lượng 500 gram, với giá 15 nghìn đồng. 

Tại một website chuyên bán hóa chất dùng cho thực phẩm, có tên “hoachatthucpham.com” bày bán rất nhiều phụ gia khác nhau như phụ gia tạo giòn, dai cho nem chả, phụ gia hương thịt bò...theo người bán hàng tư vấn: “Mua phụ gia polyphosphate (tên khác là arccord) hiện được nhiều cơ sở sản xuất nem chả ưa chuộng do tạo độ giòn, dai cho nem chả y như hàn the. Có 2 loại, một loại giá 145.000 đồng/kg, một loại 135.000 đồng/kg, xuất xứ Thái Lan. Còn hương thịt bò có giá 330.000 đồng/kg, hương thịt heo có loại 332.000 đồng, 350.000 đồng, 425.000 đồng/kg, xuất xứ trong nước, Indonesia, Thái Lan. Có bao 25 kg. Chất lượng thì an tâm".

Được biết, theo Luật An toàn thực phẩm, phụ gia thực phẩm là “chất được chủ định đưa vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, nhằm giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực phẩm”.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, không đúng chủng loại sẽ gây tác hại. Vậy nên sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất chế biến thực phẩm phải tuân thủ các nguyên tắc, sử dụng đúng loại phụ gia thực phẩm trong danh mục, đúng đối tượng, đúng hàm lượng theo quy định của Bộ Y tế.

Các phụ gia thực phẩm phải đảm báo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn thời hạn sử dụng và phải đáp ứng yêu cầu về an toàn theo quy định tại các quy chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng.

Đối với người dân khi chọn mua thực phẩm, người tiêu dùng nên lưu ý lựa chọn các sản phẩm có dán nhãn, niêm yết giá rõ ràng, không nên ham rẻ mà mua hàng không rõ nguồn gốc. Nhãn mác phải có đầy đủ thông tin như: Tên hàng hóa, địa chỉ sản xuất, hướng dẫn sử dụng, thời hạn bảo quản...; hàng hóa nhập khẩu phải có nhãn phụ ghi những thông tin thuộc nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt đính kèm nhãn gốc.

Đề cập tới phụ gia thực phẩm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, từng công tác tại Viện Công nghệ sinh học, thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) khuyến cáo, chỉ nên sử dụng các phụ gia thực phẩm thuộc loại tự nhiên và phụ gia thực phẩm đã được nghiên cứu kỹ lưỡng về độ an toàn khi đưa vào cơ thể. Với những loại phụ gia thực phẩm là hóa chất, ngay cả khi đã được cho phép, cũng nên dùng càng ít càng tốt, và nếu không thật sự cần thiết thì không nên dùng. Phụ gia thực phẩm không phải là chất dinh dưỡng nên không có nó cũng không sao. Cảm giác ngon miệng với phụ gia thực phẩm thật ra là một thói quen, để hạn chế sử dụng phụ gia thực phẩm, cách đơn giản nhất là tập thói quen không sử dụng phụ gia.

Thông tư số 24/2019/TT-BYT quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm

Thông tư này quy định về danh mục phụ gia thực phẩm; sử dụng, quản lý phụ gia thực phẩm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm để lưu hành tại Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về nguyên tắc chung trong sử dụng phụ gia thực phẩm phải bảo đảm: Phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm; Không vượt quá mức sử dụng tối đa đối với một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm; Hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia thực phẩm cần thiết để đạt được hiệu quả kỹ thuật mong muốn.

Chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm nếu việc sử dụng này đạt được hiệu quả mong muốn nhưng không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, không lừa dối người tiêu dùng và chỉ để đáp ứng một hoặc nhiều chức năng của phụ gia thực phẩm theo các yêu cầu dưới đây trong trường hợp các yêu cầu này không thể đạt được bằng các cách khác có hiệu quả hơn về kinh tế và công nghệ:

Duy trì giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Đối với sản phẩm được sử dụng với mục đích đặc biệt mà phụ gia thực phẩm như một thành phần thực phẩm (ví dụ đường ăn kiêng) thì không phải kiểm soát theo các quy định tại Thông tư này;

Tăng cường việc duy trì chất lượng hoặc tính ổn định của thực phẩm hoặc để cải thiện cảm quan nhưng không làm thay đổi bản chất hoặc chất lượng của thực phẩm nhằm lừa dối người tiêu dùng;

Hỗ trợ trong sản xuất, vận chuyển nhưng không nhằm che giấu ảnh hưởng do việc sử dụng các nguyên liệu kém chất lượng hoặc thực hành sản xuất, kỹ thuật không phù hợp.

Phụ gia thực phẩm phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, an toàn thực phẩm theo các văn bản được quy định như sau: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; Tiêu chuẩn quốc gia trong trường hợp chưa có các quy định tại điểm a khoản này; Tiêu chuẩn của CAC, JECFA, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài trong trường hợp chưa có các quy định tại các điểm a, b khoản này; Tiêu chuẩn của nhà sản xuất trong trường hợp chưa có các quy định tại các điểm a, b, c khoản này...

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang