Trẻ mắc sởi tăng cao do không tiêm phòng, cảnh báo biến chứng gây tử vong

author 13:58 26/02/2019

(VietQ.vn) - Theo thống kê của Bệnh viện nhiệt đới Trung ương, trong số trẻ mắc sởi tới bệnh viện khám và điều trị có đến 93% trẻ chưa được tiêm phòng.

Bệnh nhân mắc sởi gia tăng do không được tiêm phòng đầy đủ

Thông tin trên báo Infonet, trong năm 2018, đầu năm 2019, dịch sởi đã xảy ra tại một số nước khu vực châu Âu, châu Phi, châu Á, kể cả một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi (Đức và Nga, Hoa Kỳ).

Đặc biệt trong những tuần đầu năm 2019, đến ngày 18/2/2019 tại Philippines đã có trên 8.000 trường hợp mắc sởi phải nhập viện và có tới 136 trường hợp tử vong liên quan đến sởi; hầu hết các trường hợp mắc sởi đều không có tiền sử tiêm vắc xin sởi.

Còn tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay đã có 44/63 tỉnh, thành phố ghi nhận các trường hợp mắc sởi rải rác, chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi nhưng cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc sởi ở người lớn. Trong số các trường hợp mắc sởi có đến 98,7% có tiền sử chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin sởi.

Đặc biệt tại Hà Nội, bệnh nhân sởi có xu hướng gia tăng với khoảng 200 trường hợp mắc bệnh. Bệnh nhân sởi của Hà Nội phân bố rải rác tại 100/584 xã, phường của 25/30 quận, huyện, chưa ghi nhận ổ dịch tập trung.

Trẻ nhập viện tăng cao so mắc sởi vì không tiêm phòng văcxin

Trẻ nhập viện tăng cao so mắc sởi vì không tiêm phòng văcxin 

Trong đó, lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi và lứa tuổi trên 5 tuổi (146 trường hợp chiếm 76%). Đáng lưu ý, đến 93% số đối tượng mắc bệnh do chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Theo các nhà khoa học, việc dịch sởi bùng phát tại một số nước hiện nay là do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi không đạt yêu cầu tại nhiều nước và sẽ để lại hậu quả lớn cho sức khỏe người dân cũng như tăng chi phí điều trị so với việc chỉ phải tiêm vắc xin sởi thông thường.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, việc không tiêm phòng vắc xin sởi, các cuộc xung đột, đói nghèo là nguyên nhân chính làm tăng tới gần gấp đôi số trường hợp mắc sởi trên phạm vi toàn cầu trong năm 2018 (so với năm 2017).

Cúm vào mùa - Tránh lạm dụng thuốc điều trị vì có thể gây nhiều hệ lụy(VietQ.vn) - Hiện đã vào mùa cúm do thời tiết nồm và ẩm. Để giảm tình trạng cúm nhiều người thường tự ý mua thuốc điều trị cúm nhưng bác sĩ khuyến cáo không nên lạm dụng vì rất nguy hiểm.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi và biện pháp phòng chống 

Trong khi đó, báo Dân Trí dẫn thông tin từ GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm vô cùng dễ lây. Hầu như những người chưa từng mắc sởi, tiếp xúc nguồn lây đều có nguy cơ lây bệnh. Đặc biệt các biến chứng nguy hiểm của sởi, nhất là ở những trẻ có miễn dịch kém, sẵn bệnh lý nền.

Biến chứng sởi trẻ em ám ảnh nhất với bác sĩ là biến chứng viêm phổi, viêm thanh quản gây phù nề khiến trẻ khó thở, tắc thở. Nhiều trẻ khi đến bệnh viện đã ngừng thở, bác sĩ phải cấp cứu 2 tiếng liên tục. Biến chứng viêm phổi cũng gây ra số ca tử vong nhiều nhất so với các biến chứng khác.

Biến chứng viêm não cũng rất nghiêm trọng, xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Biến chứng viêm não có thể để lại những di chứng nặng nề cả đời cho người mắc bệnh, khiến từ một người khỏe mạnh bình thường sau khi mắc sởi, bị biến chứng có những di chứng về thần kinh khó phục hồi.

Ngoài ra, biến chứng tiêu chảy, mắt mũi kèm nhèm cũng rất hay gặp ở sởi, phải hết sức chú ý chăm sóc phòng nguy cơ mất nước, trụy mạch.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) thời gian vừa qua đã liên tục cập nhật và tình hình dịch sởi trên cả nước. Mới đây, Cục đã tiếp tục cập nhật thông tin và đưa ra khuyến cáo đối với người dân.

Theo đó, Cục này cho hay, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Tiêm vắc xin sởi là một biện pháp hiệu quả phòng bệnh sởi.

Không nên tập trung nơi đông người, đeo khẩu trang, thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày, không dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa ...) để phòng bệnh.

Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc.

Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần cho trẻ nghỉ học, sớm cách ly với mọi người xung quanh và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.

Trong thời gian mắc bệnh, bệnh nhân nên uống nhiều nước lọc, nước hoa quả, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, ở phòng riêng cách ly, ăn uống đủ chất, tắm hoặc lau rửa người bằng nước ấm, theo dõi chặt kịp thời phát hiện nguy cơ biến chứng.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang