Vệ tinh Vinasat-2 vào quỹ đạo an toàn

author 07:19 16/05/2012

Đúng 5 giờ 13 ngày 16-5, tên lửa Arian 5 mang theo vệ tinh Vinasat-2 rời bãi phóng Kouru của Guyana, Nam Mỹ. Sau 36 phút bay, vào lúc 5giờ 49, vệ tinh Vinasat-2 rời khỏi tên lửa Arian 5, vào quỹ đạo an toàn.

 Trước đó, tên lửa Ariane 5 mang vệ tinh Vinasat-2 của Việt Nam và JCSAT-13 của Nhật Bản đã được vận chuyển ra bệ phóng. Tên lửa Ariane 5 được vận chuyển bằng bệ phóng di động theo hệ thống đường ray ra bãi phóng ELA-3. Theo Arianespcae, vệ tinh JCSAT-13 nằm phía trên cùng của khoang vận tải của tên lửa Ariane 5 và sẽ được thả vào không gian vũ trụ vào thời điểm 26 phút sau khi phóng

Vệ tinh Vinasat-2 trên bệ phóng - Ảnh: arianespace
Vệ tinh Vinasat-2 trên bệ phóng - Ảnh: arianespace

Lần phóng vệ tinh Vinasat-2 này mang số hiệu VA206, với ý nghĩa là lần phóng thứ 206 của dòng tên lửa Ariane tại Trung tâm vũ trụ Châu Âu tính từ lần phóng đầu tiên vào năm 1979.

Quỹ đạo địa tĩnh ở vị trí 131,8 độ Đông là vị trí quỹ đạo thuận lợi, gần với vị trí của Vinasat-1 (132 độ Đông) nên các angten thu phát hướng của cả hai vệ tinh đều không cần chỉnh hướng, tạo điều kiện cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ của Vinasat-2.

Vinasat-2 có tổng kinh phí khoảng 260 - 280 triệu USD, được Thủ tướng thông qua và giao cho VNPT làm chủ đầu tư hồi tháng 12/2009. Giống như Vinasat-1, đối tác triển khai dự án Vinasat-2 vẫn là Lockheed Martin (Hoa Kỳ) với việc cung cấp vệ tinh, thiết bị trạm điều khiển và dịch vụ phóng cho vệ tinh viễn thông.

Quang cảnh lễ phóng vệ tinh Vinasat-2 tại VNPT. ảnh TT.
Quang cảnh lễ phóng vệ tinh Vinasat-2 tại VNPT. ảnh TT.

Vệ tinh Vinasat-2 được sản xuất trên nền tảng khung A2100, có tuổi thọ thiết kế là 15 năm. Với 30 bộ phát đáp 36MHz trên băng tần Ku (24 bộ khai thác thương mại và 6 bộ dự phòng), Vinasat-2 có khả năng phủ sóng khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận. Dung lượng truyền dẫn của Vinasat-2 tương đương 13.000 kênh thoại/Internet/truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình.

Trước khi có vệ tinh Vinasat-1, Việt Nam phải thuê 2.024 kênh vệ tinh viễn thông của nước ngoài với chi phí khoảng 10 triệu USD/năm. Do đó, việc Việt Nam có vệ tinh riêng góp phần giúp các đơn vị trong nước tiết kiệm chi phí thuê kênh, giàm từ 1/3 đến 1/2 chi phí tùy thuộc vào băng tần sử dụng.

Vũ Nguyên

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang