Vì sao bệnh viện công - tư liên kết thất bại?

author 06:55 24/02/2014

(VietQ.vn) - Áp lực tài chính công ngày càng tăng đối với các dịch vụ công cộng đặc biệt là y tế, nhiều nước trên thế giới hiện nay đã có mô hình bệnh viện đầu tư công – tư hoạt động rất hiệu quả bằng việc huy động nguồn tài chính tư nhân, cấp các dịch vụ y tế hiện đại cho người dân. Tại Việt Nam, ngành y tế muốn xây dựng mô hình hợp tác công – tư này lại gặp rất nhiều khó khăn do cơ chế chính sách, khu vực tư nhân và lãnh đạo các bệnh viện lớn khó tìm được tiếng nói chung.

Kì 1: “Nghịch lí” bệnh viện công và bệnh viện tư

 “Quá tải” lâu nay vẫn là căn bệnh trầm kha của ngành y tế. Các bệnh viện hoạt động hết công suất, bác sĩ phải chịu áp lực công việc căng thẳng  kéo theo chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cũng giảm. Trong khi đó, bệnh viện tư đầu tư trang thiết hiện đại lại “vắng bóng” bệnh nhân.

Bệnh viện công quá tải, bệnh viện tư “đìu hiu”

Hiện nay, đa số các bệnh viện tuyến trung ương của Hà Nội, TP HCM vẫn trong tình trạng quá tải, công suất sử dụng giường bệnh trên 120%. Bệnh nhân từ các bệnh viện tuyến cơ sở thường bị dồn lên tuyến trên hoặc từ tìm đến các bệnh viện Trung ương do chất lượng bệnh viện tuyến dưới còn yếu kém. Trong khi đó, số lượng các bệnh viện tư có trang thiết bị hiện đại đang tăng lên nhanh chóng. Theo thống kế của Bộ Y tế, hiện có trên 100 bệnh viên tư, chiếm 9% số bệnh viện trên cả nước với 6000 giường bệnh (chiếm 4,6% tổng số giường bệnh cả nước) và trên 30.000 phòng khám tư nhân.

Bộ trưởng y tế dù đã rất nỗ lực song vẫn chưa giải quyết được tình trạng bệnh nhân chen chúc ở các bệnh viện công 

Sau hàng loạt những chuyến đi “vi hành” tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, TP HCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra đánh giá bệnh viện công dù ở trong tình trạng quá tải nhưng bệnh viên tư hiện đại lại không thu hút được bệnh nhân. Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, nhiều bệnh viện tư nhân có trang thiết bị hiện đại, môi trường sạch sẽ nhưng chỉ sử dụng được dưới 30% số giường bệnh. Thậm chí, có một bệnh viện tư tại TP Hồ Chí Minh khi Phó Thủ tướng đến “vi hành” chỉ có đúng một bệnh nhân đang làm thủ tục ra viện.

Thẳng thắn thừa nhận vấn đề này, thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho Bộ Y tế năm nay đã giảm 21%, các bệnh viện tuyến cơ sở thiếu vốn đầu tư dẫn đến hệ thống y tế cơ sở yếu kém. Những bệnh viện tuyến trên có trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại lại liên tục quá tải. Đáng buồn hơn, mỗi năm Việt Nam lại “chảy” mất 1 – 2 tỉ USD do người dân sang nước ngoài khám chữa bệnh. Trong khi về trình độ chuyên môn và hiệu quả điều trị của các bệnh viện Việt Nam không thua kém so với bệnh viện ở các nước như Singapo, Thái Lan...

Khó khăn về cơ chế chính sách

Do đó, để nâng cao chất lượng bệnh viện, giảm tải cho các bệnh viện công, chống thất thoát nguồn ngoại tệ đầu tư khám chữa bệnh của người dân thì cần có những mô hình đầu tư hợp tác công tư phù hợp. Hiện ngành y tế đã thực hiện một số hình thức đầu tư kết hợp công – tư như liên doanh, liên kết đặt máy móc thiết bị khám chữa bệnh tuy nhiên sự tham gia của tư nhân vẫn còn hạn chế, lĩnh vực còn hẹp và chưa bền vững. Bệnh viện công khó “bắt tay” với các nhà đầu tư do vướng mắc cơ chế chính sách, nguồn vốn, chia sẻ lợi ích, vấn đề đất đai...

Bao giờ mới hết cảnh này?

Theo PGS.TS Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện này đã có mô hình bệnh viện công – tư đầu tiên là bệnh viện “Quốc tế Việt Nam” . Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, dự án thất bại, phần đất của Bệnh viện Bạch Mai thành lập Bệnh viện Quốc tế Việt Nam đã thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư, trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và được đổi tên thành Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội. Từ bài học trên, hiện Bệnh viện Bạch Mai chỉ có mô hình xã hội hóa, đầu tư công – tư vào các trang thiết bị y tế hiện đại, khu vực khám bệnh theo yêu cầu. Trong đó, bệnh viện nắm quyền kiểm soát chặt chẽ chứ không giao quyền quản lí cho khu vực tư nhân,

Lo ngại vấn đề bệnh viện công lập bị mất đất khi làm việc với khối doanh nghiệp tư nhân tương tự bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức cũng chưa tìm được tiếng nói đồng thuận với các doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư vào đây. Ông PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, chi phí một giường bệnh của nhiều bệnh viện công chỉ ở mức 100.000 đồng/ngày, trong khi bệnh viện tư chi phí đắt đến 2 triệu đồng/ngày do đó khó có thể thu hút bệnh nhân. Do đó, khi xây dựng mô hình công tư cần có sự tính toán hợp lí. Việc cứu chữa bệnh nhân phải đòi hỏi đề cao tinh thần y đức, chứ không nên đặt nặng vấn đề lợi nhuận.  

Trong khi, lãnh đạo các bệnh viện công e ngại liên kết với khu vực tư nhân thì doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư vào lĩnh vực y tế cũng gặp nhiều trở ngại do cơ chế chính sách. Nghị định 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ cho phép các hợp tác,  đối tác công tư trong các dự án cơ sở hạ tầng nhưng vốn nhà nước không quá 49%, quyết định 71/2010/QĐ-TTg cũng qui định phần tham gia của Nhà nước không quá 30% tổng mức đầu tư nhưng hầu hết các lãnh đạo bệnh viện công đều muốn nắm quyền quản lí.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tasco  đưa ra kiến nghị, các bệnh viện công lập quá tải, thiếu vốn nhà nước nhưng có sẵn mặt bằng và nguồn nhân lực. Bệnh viện tư có vốn đầu tư nhưng vừa gặp khó khăn về đất đai vừa vướng mắc cơ chế chính sách. Do đó, Nhà nước cần đưa ra một mô hình thí điểm bệnh viện công – tư, song song với đó là công tác hoàn thiện, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp (Còn nữa)

 


Bảo Ngọc - Mạnh Phan

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang