Việt Nam đặt mục tiêu trở thành thành viên chính thức của IEC

author 14:12 25/09/2014

(VietQ.vn) – Ngày 25/9, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Sự tham gia của Việt Nam vào hoạt động của IEC: Hiện trạng và định hướng”, qua đó đặt mục tiêu Việt Nam sẽ là thành viên chính thức của IEC trong bổi cảnh công nghiệp nước ta đang phát triển mạnh mẽ.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Việt Nam đã tham gia thành viên liên kết của Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC) từ năm 2002 và tham gia thành viên của Hệ thống chứng nhận an toàn đối với các thiết bị điện, điện tử năm 2013. IEC là một trong những tổ chức tiêu chuẩn quốc tế có uy tín với sự tham gia của 83 quốc gia thành viên.

Tiêu chuẩn của IEC được WTO chấp nhận là một trong những căn cứ để quyết định tranh chấp thương mại liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực điện, điện tử. Bên cạnh đó, kết quả thử nghiệm, chứng nhận được cấp bởi các phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận thuộc thành viên hệ thống IEC cũng được thừa nhận như những chứng chỉ uy tín trên toàn thế giới.

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia nước ngoài thuộc IEC đã giới thiệu về IEC, ảnh hưởng của IEC đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chia sẻ cách thức tiếp cận thị trường quốc tế đối với sản phẩm điện, điện tử của doanh nghiệp Việt Nam.

 

Việt Nam trở thành thành viên chính thức của IEC

Ông Ngô Quý Viêt- Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu tại hội thảo. Ảnh HG

Ông Junji Nomura, Chủ tịch IEC cho biết những lợi ích mà doanh nghiệp Việt Nam có được khi áp dụng Tiêu chuẩn quốc tế của IEC: “Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Hiện nay, các tập đoàn công nghệ cao như Samsung, Canon… cũng đang đầu tư xây dựng nhà máy ở Việt Nam. Tuy nhiên, họ không sản xuất tất cả các linh kiện tại Việt Nam mà đặt các nhà máy ở nhiều nước. Nếu những công ty này áp dụng Tiêu chuẩn quốc tế của IEC, họ sẽ yên tâm về sự tương thích của các linh kiện dù được sản xuất ở nhiều nơi ”.

Tuy nhiên, ông Nomura cũng đưa ra vấn đề khó khăn của Việt Nam trong quá trình tiếp cận để trở thành thành viên chính thức của IEC là cơ sở hạ tầng còn chậm phát triển: Phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam chưa theo kịp sự phát triển của các ngành sản xuất. Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn để xây dựng cơ sở vật chất, đẩy mạnh xuất khẩu, trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa hoàn toàn vào năm 2020.

Tại buổi hội thảo, Ông Ngô Quý Viêt- Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khẳng định: “Trong bối cảnh nền công nghiệp nước ta đang phát triển mạnh mẽ, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình tham gia vào IEC, trở thành thành viên chính thức của IEC. Chúng ta có rất nhiều sản phẩm điện, điện tử có tiềm năng lớn về xuất khẩu. Muốn xuất khẩu được, sản phẩm của ta phải được cấp chứng chỉ của hệ thống chứng nhận phù hợp quốc tế. Đó là lí do vì sao Việt Nam cần trở thành thành viên chính thức của IEC”.

Hương Giang

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang