Vụ án bầu Kiên: Quyền lực của bầu Kiên ở ACB không như đồn thổi!

author 06:45 02/06/2014

Cáo trạng và phần xét hỏi tại toà về hành vi Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) lừa đảo chiếm đoạt 264 tỉ đồng của Cty TNHH MTV Thép Hòa Phát cho thấy, tầm ảnh hưởng của bầu Kiên trong Ngân hàng ACB cũng chỉ có giới hạn, không như những gì dư luận đồn thổi.

Sự kiện:

 

Hợp tác hàng nghìn tỉ đồng nhưng chưa từng có tranh chấp
Khai tại toà ngày 26.5, bầu Kiên nói đã cùng Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long hợp tác nhiều dự án, giá trị nhiều nghìn tỷ đồng nhưng chưa bao giờ có tranh chấp và cho rằng không ai có thể lừa được ông Long cả. Vậy tại sao chỉ có 264 tỉ đồng mua bán cổ phiếu giữa hai bên mà cựu lãnh đạo ACB phải hầu toà vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
Được biết, đầu tháng 4.2012, theo đề nghị của ông Trần Đình Long, bầu Kiên – Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB, chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) - đã đồng ý bán lại 20 triệu cổ phần Cty cổ phần Thép Hoà Phát với giá 13.200 đồng/cổ phần tương ứng với tổng số tiền là 264 tỉ đồng. Nhưng điều đáng nói là, trước khi bán cho Tập đoàn Hoà Phát, 20 triệu cổ phần này đã được Cty ACBI đem thế chấp cho Ngân hàng ACB. Do đó, muốn bán được thì bầu Kiên trước hết phải giải chấp số cổ phần này. Vì vậy, ngày 10.5.2012, Cty ACBI làm văn bản gửi Ngân hàng ACB và Cty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) đề nghị xem xét cho giải toả 20 triệu cổ phần trong tổng số gần 22,5 triệu cổ phần đang thế chấp bằng 7.413.606 cổ phiếu ngân hàng Eximbank tương đương mệnh giá 74,1 tỉ đồng.
Quyền lực của bầu Kiên ở Ngân hàng ACB cũng có giới hạn
Có lẽ tin vào quyền lực của mình, dù Ngân hàng ACB chưa có văn bản trả lời về việc có đồng ý giải chấp số cổ phiếu này hay không, ngày 21.5 (hơn chục ngày sau), bầu Kiên đã ký nháy để Giám đốc Cty ACBI Trần Ngọc Thanh ký tên, đóng dấu vào hợp đồng bán cho Cty TNHH MTV Thép Hoà Phát 20 triệu cổ phần Cty cổ phần Thép Hoà Phát tương ứng với số tiền 264 tỉ đồng. Sau khi hợp đồng được ký kết, Cty TNHH MTV Thép Hoà Phát đã chuyển hết số tiền trên (trong tháng 6.2012) vào tài khoản của Cty ACBI tại Ngân hàng ACB. Cũng ngay trong tháng 6 này, Kiên đã lấy hầu hết số tiền này, trong đó, có phần trả lãi cho Ngân hàng ACB (119 tỉ đồng), lấy sử dụng riêng (hơn 72 tỉ đồng) ...
Điều này cho thấy, dù hơn 3 tháng trời Ngân hàng ACB chưa trả lời đề nghị giải toả số cổ phần trên nhưng Cty TNHH MTV Hoà Phát rất nhanh chóng trong việc trả tiền, còn bầu Kiên cũng vô tư lấy tiền ra để dùng. Không biết mọi việc sẽ diễn tiếp như thế nào nếu bầu Kiên không bị khởi tố và bị bắt tạm giam (20.8.2012) về tội kinh doanh trái phép (không liên quan gì đến hành vi mua bán này).
Bầu Kiên bị bắt, mới... tố cáo
Chỉ sau khi Kiên bị bắt, ngày 5.9.2012 Cty TNHH MTV Hoà Phát mới có đơn gửi cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị điều tra làm rõ về số cổ phần Cty ACBI đã chuyển nhượng và thu hồi số tiền 264 tỉ đồng. Cũng sau những diễn biến trên, ngày 12.9.2012, lãnh đạo Ngân hàng ACB mới họp và kết luận không đồng ý giải chấp. Điều này cho thấy, quyền lực được cho là vô biên của bầu Kiên trong Ngân hàng ACB chủ yếu là do dư luận đồn thổi. Dù rằng, trong cáo trạng cũng nêu về quyền lực rất lớn của bầu Kiên: “Với vị trí là Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB và đại diện nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ, Nguyễn Đức Kiên có vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành Ngân hàng ACB.”
Nhưng có những điều vẫn khiến dư luận khó hiểu. Đâu là lý do trong gần 4 tháng trời mà Ngân hàng ACB không thể trả lời đề nghị giải chấp của bầu Kiên? Cho đến nay, khi phiên toà đang diễn ra, cũng chưa ai ngoài cuộc có thể biết (trừ lãnh đạo Ngân hàng ACB), tại sao chỉ đến khi bầu Kiên bị bắt, lãnh đạo Ngân hàng ACB mới họp để trả lời: Không giải chấp. Trong khoảng thời gian đó, bầu Kiên vẫn có thể ung dung dùng tiền của Hoà Phát trả mà không thấy ai kiện. Dư luận cũng không thể không đặt câu hỏi, nếu cuộc họp của lãnh đạo Ngân hàng ACB diễn ra trước khi bầu Kiên bị bắt thì sẽ có kết luận như thế nào về đề nghị giải toả của ông Kiên? Và nếu Kiên không bị bắt, liệu Cty TNHH MTV Thép Hoà Phát có gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra?
Chỉ biết rằng, tại toà, bầu Kiên cho rằng trước khi bán đã nói rõ với phía đối tác là những cổ phần đem bán đã được thế chấp. Ngược lại, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát khẳng định, nếu biết việc các cổ phần này đã đem thế chấp ở ngân hàng thì không đời nào mua. Điều này có lẽ chỉ có những người trong cuộc và ông trời mới biết ai nói đúng, nói sai(!?)
Chữ tín và cái “ngông” của đại gia
“Tôi không có nhu cầu tiền, không thiếu tiền để chiếm đoạt và đạo đức nghề nghiệp không cho phép tôi chiếm đoạt tiền của Hoà Phát”, Bầu Kiên khẳng định chắc nịch như vậy trước HĐXX ngày 26.5. Bị cáo Kiên còn nói rõ hơn, thời gian hợp tác giữa hai bên (bầu Kiên và ông Long) kéo dài hơn 10 năm nên bị cáo tin vào năng lực quản trị của ông Long. Do đó, với cương vị Chủ tịch tập đoàn Hoà Phát, ông Long phải biết cấp dưới làm gì, không thể không biết việc cổ phiếu ACBI đang được thế chấp tại ACB.
Điều đáng chú ý nữa là bị cáo Kiên nhận hết những lỗi (nếu có) về mình để bảo vệ cho các đệ tử. Kiên cho rằng ông Trần Ngọc Thanh và bà Nguyễn Thị Hải Yến (là giám đốc và kế toán trưởng Cty ACBI) soạn thảo, ký các văn bản bán cổ phần là do tin tưởng vào cá nhân Kiên (Chủ tịch HĐQT ACBI). Bị cáo Kiên cũng khẳng định: “Trong mọi trường hợp, Tập đoàn Hoà Phát hay Cty Cổ phần Thép Hoà Phát không chịu bất kỳ thiệt hại nào”. Nhưng thực tế, trong khoảng thời gian từ 16.4 - 15.7.2013, trong khi Kiên đang bị bắt giữ, cơ quan CSĐT đã thu lại được toàn bộ 264 tỉ đồng từ các nguồn mà Cty ACBI đã chi trước đó để trả lại cho Cty TNHH MTV Thép Hoà Phát.
Không chỉ chứng tỏ là người dám làm, dám chịu mà ngay trước cơ quan thực thi pháp luật, bầu Kiên cũng tỏ rõ là người dám đối đầu. Xuất hiện tại tòa với áo sơ mi trắng, mái tóc bạc trắng, đôi chân bị cùm, ngay phần thủ tục phiên tòa, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã đưa ra một danh sách dài những “đòi hỏi” mong được đáp ứng. Đó là, yêu cầu HĐXX cho phép báo chí được tự do tác nghiệp và truyền thông tin đến Bộ trưởng Bộ Công an về việc ông ta bị cùm chân (bầu Kiên có lẽ quên việc xét xử là công khai, báo chí được quyền tham dự và thông tin). Nhưng nhờ kiểu tố cáo trực diện này, Kiên đã không bị xích chân nữa. Bị cáo Kiên cũng không quên tố việc quyền lợi của ông ta không được đảm bảo đầy đủ khi 21 tháng trôi qua, bị cáo này chưa được gặp gia đình.
Không chỉ vậy, để bảo vệ lý lẽ của mình, bị cáo Kiên cùng các luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình còn đề nghị triệu tập Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, bà Phạm Chi Lan – người có 20 năm soạn thảo Luật Doanh nghiệp. Bởi theo bị cáo Kiên, trong phần xét xử liên quan đến việc kinh doanh trái phép, bầu Kiên cho rằng cả ngàn doanh nghiệp VN đều không đăng ký kinh doanh tài chính bởi không có mã ngành nghề này.
Và có lẽ đến lúc này, nhiều người mới nhận ra không phải chỉ khi còn đầy quyền lực mà cả khi đã bị giam giữ gần 2 năm, bầu Kiên vẫn tỏ ra có trí nhớ tuyệt vời và sự sắc sảo hiếm thấy.
Để chứng tỏ mình làm ăn đàng hoàng, ngay ngày đầu tiên của phiên tòa, bị cáo Kiên cho rằng cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố mình về 4 tội là không chính xác, không đúng pháp luật. Đồng thời, bầu Kiên yêu cầu được nhận các văn bản pháp luật từ phía luật sư của mình để trình bày một cách có bài bản, đúng luật. Khi được hỏi, với đôi mắt sắc lẹm, luôn nhìn thẳng vào HĐXX, bị cáo Kiên thay vì trả lời thường hay hỏi lại và viện dẫn các văn bản pháp luật một cách nhanh chóng đáng ngạc nhiên.
Theo Vũ Hải
Báo laodong

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang