Xây dựng thương hiệu nông sản Việt: Ổn định chất lượng là vấn đề rất quan trọng

author 13:00 27/04/2023

(VietQ.vn) - Nhiều doanh nghiệp trong nước đưa sản phẩm ra thị trường cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu bằng giá cả chứ không phải chất lượng. Bởi vậy, nếu chưa ổn định về sản lượng, chất lượng thì việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt là rất khó khả thi.

Hiện nay, nông sản là ngành chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn của Việt Nam với kim ngạch mỗi năm gần 49 tỷ USD, trong đó rau quả chiếm chủ lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, gần 80% nông sản của Việt Nam ra thị trường chưa có thương hiệu, logo, nhãn mác…, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều loại nông sản tiêu biểu, chất lượng rất cao ở trong nước như: gạo ST25, cà phê, điều, vải thiều, dừa, xoài, thanh long,… nhưng khi xuất ngoại chủ yếu với dạng thô, chưa được quan tâm xây dựng, phát triển thương hiệu.

 Xây dựng thương hiệu nông sản Việt là vấn đề bức thiết cần được quan tâm hơn nữa trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ảnh minh họa.

Chỉ ra một số nguyên nhân chính gây trở ngại cho sự phát triển của nông sản Việt Nam, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, trước tiên việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, khối lượng sản phẩm cộng lại thì lớn song nhiều lúc không đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng. Tiếp đến, việc đầu tư cho khoa học kĩ thuật, nhân lực để nâng cao năng suất, chất lượng hàng hoá. Công tác quản lý và phát triển trong việc xây dựng hệ thống mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc hàng hoá còn gặp nhiều khó khăn và chưa làm được nhiều.

Bên cạnh đó, giao dịch mua bán hàng hoá hiện chủ yếu là "mua đứt bán đoạn", ít có người, doanh nghiệp chịu trách nhiệm đến cùng về giá cả và chất lượng hàng hoá bán ra. Hiện tượng nông dân bị ép cấp, ép giá tương đối phổ biến do giao dịch không công khai minh bạch trong quan hệ mua bán trên thị trường nông sản...

Đó là một trong những nguyên nhân làm cho người sản xuất hàng hoá ít quan tâm tới xây dựng thương hiệu. Mặt khác, 80% sản phẩm nông sản Việt Nam hiện nay tiêu thụ chưa qua chế biến sâu vì vậy giá trị gia tăng rất thấp. Trong lĩnh vực bao bì đóng gói, giới thiệu hàng hoá trên bao bì sản phẩm chưa hấp dẫn khách hàng trong và ngoài nước. Cũng phải ghi nhận thực tế xảy ra là một số hàng hoá nông sản Việt Nam xuất khẩu khi ra khỏi kho đã được thay đổi bao bì nhãn mác của nước ngoài. Như vậy rõ ràng hàng Việt Nam đã bị mất thương hiệu ngay ở sân nhà.

Quan điểm về vấn đề trên, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp trong nước đưa sản phẩm ra thị trường cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu bằng giá cả chứ không phải bằng chất lượng.

Ông Tùng cho rằng, nếu chưa ổn định về sản lượng, chất lượng thì việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt là rất khó khả thi: “Để xây dựng thương hiệu quốc gia, chúng ta phải chọn 1 - 2 sản phẩm đại diện cho quốc gia, từ đó mới bàn tiếp làm sao để phát triển. Không chỉ Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, hay Bộ Công Thương vào cuộc, mà cả Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng phải vào cuộc”.

Việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi chúng ta mở được nhiều cánh cửa thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU... qua các hiệp định thương mại được ký kết và có hiệu lực. Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam xuất khẩu rất nhiều loại nông sản, nhưng phải chọn lựa sản phẩm độc đáo để tập trung quảng bá và có chiến lược marketing bài bản. Để làm được điều này, cần thiết phải có sự đồng lòng của các bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân, từ đó mới có thể xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang