Xuất khẩu trái cây chuyển mình, bứt phá

author 14:35 22/02/2024

(VietQ.vn) - Trái cây Việt đang ngày càng chiếm được vị thế tại nhiều thị trường quốc tế nhất là những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản. Xuất khẩu trái cây liên tục tăng trưởng là tín hiệu tích cực cho thấy chất lượng trái cây đã được nâng cao.

Theo Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu trái cây những ngày đầu năm tiếp tục đà tăng, giá trị xuất khẩu của tháng đầu năm nay tăng 112,1% so với tháng 1/2023. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn ngành hàng này nổi lên như một điển hình của việc chuyển mình nhanh nhạy theo thị trường

Theo đó, giá xuất khẩu tháng 1/2024 của các sản phẩm hoa quả đã đạt 510 triệu USD, tăng 24,9% so với tháng 12/2023 và tăng 112,1% so với tháng 1/2023.

Thanh long là một trong những mặt hàng trái cây có giá trị xuất khẩu cao.

Nhìn lại năm 2023, nhiều loại hoa quả đã có sự tăng trưởng bất ngờ. Điển hình là sản phẩm sầu riêng. Sầu riêng xuất khẩu năm 2023 đã đạt 2,2 tỷ USD, tăng 430,1% so với năm 2022.

Thanh long đứng vị trí thứ hai với giá trị xuất khẩu đạt 523 triệu USD, tiếp theo là chuối, đạt 242 triệu USD, mít 168 triệu USD và xoài 154 triệu USD. Xoài cũng được đánh giá là loại trái cây có thể bứt phá mạnh mẽ trong năm tới. Nguyên nhân là những năm qua, chỉ một lượng nhỏ xoài được xuất khẩu, phần lớn loại trái cây đặc sản này vẫn chỉ tiêu thụ nội địa, như vậy tiềm năng cho xuất khẩu xoài còn rất lớn.

Với kết quả đạt được trong năm 2023, triển vọng xuất khẩu hàng hoa quả trong năm 2024 rất khả quan, khi nhiều chủng loại hàng hoa quả của Việt Nam chiếm lĩnh nhiều thị trường lớn trên thế giới. Dự kiến trị giá xuất khẩu hàng hoa quả trong năm 2024 đạt trên 6,5 tỷ USD.

Những yếu tố chính thúc đẩy ngành hoa quả có thể đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2024 bao gồm: Nhu cầu tại thị trường xuất khẩu hàng hoa quả lớn nhất là Trung Quốc vẫn ở mức cao, Việt Nam vẫn đang đàm phán với phía Trung Quốc để có thêm mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Australia, Hàn Quốc….

Bộ NN&PTNT nhận định, vẫn cần xây dựng vùng nguyên liệu ở chừng mực nào đó để ít nhất có thể đảm bảo cho tiêu dùng trong nước. Còn việc mở rộng sẽ phải tìm những con đường, thị trường, tín hiệu thị trường mà chúng ta kết nối thông qua các hiệp định song phương hoặc đa phương, hiệp định giữa ngành nông nghiệp, công thương với các quốc gia khác để có thêm không gian tiêu dùng của thế giới, bên cạnh không gian tiêu thụ trong nước.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang