Yên Bái xử lý 35 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm

author 20:00 28/03/2024

(VietQ.vn) - Trong Quý I năm 2024 Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái đã kiểm tra và xử lý 35 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm nhập lậu...

Nhằm bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Yên Bái, ngay từ đầu Quý I năm 2024 Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái đã quyết liệt chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Kết quả trong Quý I năm 2024 Cục đã kiểm tra, xử lý 35 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, phạt hành chính 352.250.000 đồng, trị giá hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm buộc tiêu hủy là 1.735.891.000 đồng, tổng giá trị thực hiện 2.088.141.000 đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm nhập lậu không đảm bảo an toàn sử dụng,…

Lượng lớn hàng hóa vi phạm bị thu giữ và tiêu hủy. Ảnh: Cục QLTT Yên Bái

Hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm bị tiêu hủy trong Quý I năm 2024 gồm: 12.000 sản phẩm bánh, kẹo, tăm cay, cánh gà, chân gà vịt tẩm gia vị, nho khô, ô mai, sữa, trà sữa; 1.500 kg xúc xích; 400 kg củ cải khô; trên 12.600 kg thực phẩm đông lạnh (nầm lợn đông lạnh, viên củ quả, cá, mực, cánh gà, thịt lợn), 80 sản phẩm thực phẩm chức năng, một số gia vị và thực phẩm khác…

Nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái khuyến cáo người tiêu dùng, khi mua hàng hóa cần kiểm tra kỹ về thông tin trên nhãn hàng hóa như tên hàng hóa, nơi sản xuất đóng gói hàng hóa, nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu, hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa, hàng hóa có được gắn dấu hợp quy hay không,...

Đồng thời khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân có hành vi vận chuyển, buôn bán hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng hóa nhập lậu cần thông báo cho cơ quan chức năng để tiếp nhận và xử lý vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. 

Trong hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam hiện nay có những nhóm tiêu chuẩn liên quan đến an toàn thực phẩm như: các TCVN về các sản phẩm thực phẩm trong đó có đề cập giới hạn đối với các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, độc tố sinh học, vi sinh vật, phụ gia thực phẩm…) hoặc quy định, viện dẫn nội dung liên quan an toàn thực phẩm. Cùng với đó, còn có các TCVN về hướng dẫn và quy phạm thực hành vệ sinh trong sản xuất, chế biến và sử dụng thực phẩm, các quy phạm nhằm giảm thiểu các mối nguy an toàn thực phẩm. Ngoài ra, còn có các tiêu chuẩn quốc gia TCVN về phương pháp phân tích, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm kể cả thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm chiếu xạ…

Mới đây vào tháng 4/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 586/QĐ-BKHCN về việc công bố Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5603:2023 Nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm. Đây là phiên bản thứ tư, được biên soạn trên cơ sở tiêu chuẩn Codex CXC (năm 2020) và thay thế TCVN 5603:2008.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang