Ám ảnh vì liên tiếp các vụ bạo hành trẻ mầm non tại Hà Nội

author 11:45 01/06/2016

(VietQ.vn) - Liên tiếp những vụ bạo hành trẻ mầm non xảy ra tại Hà Nội bị báo chí phanh phui khiến các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng.

Liên tiếp những vụ bạo hành ở các trường mầm non tại Hà Nội bị báo chí phanh phui khiến các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng. Do đó, việc chọn một ngôi trường mầm non đủ để khiến cha mẹ yên tâm trở thành điều vô cùng cấp thiết với nhiều bậc phụ huynh đang có con bước vào tuổi mẫu giáo.

Hình ảnh bé Nhã Phương trong nghi án bạo hành trẻ mầm non ở cơ sở mầm non Ánh Sao (Hà Đông, Hà Nội) 

Nghi án bé Nhã Phương bị cô giáo Bùi Thị Lương ở Cơ sở mầm non Ánh Sao, Hà Đông đánh bầm tím mặt và tay chân vẫn đang chờ kết luận chính thức từ công an phường Kiến Hưng, Hà Đông. Tuy nhiên, vụ việc lần này một lần nữa lại dấy lên lo lắng của các bậc phụ huynh đang có con bước vào lứa tuổi mầm non bởi liên tiếp thời gian gần đây, các vụ bạo hành trẻ mầm non tại Hà Nội được báo chí phanh phui khiến cộng đồng không khỏi xót thương và ám ảnh.

Ngày 9-10-2015, tại Hà Nội, dư luận bức xúc vì cháu Nguyễn Ngọc T.N. đã bị cô Mai Thị N. khi cho ăn dùng hai tay ghì chặt, lắc mạnh và tát vào đầu khiến bé bị ngã. Vụ việc xảy ra ở nhóm lớp mầm non tư thục Nụ Cười Xinh, phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm. Khi đó cháu Nguyễn Ngọc T.N. cũng chỉ mới 16 tháng tuổi.

Liên tiếp các vụ bạo hành trẻ mầm non xảy ra khiến các bậc phụ huynh đau lòng tới ám ảnh 

Cũng trong tháng 10/2015 và tại Hà Nội, các cô giáo tại trường mầm non tư thục Hoa Trạng Nguyên, huyện Chương Mỹ đã cho phép các trẻ tự “xử nhau” trong lớp

Đến tháng 12-2015, tại cơ sở mầm non tư thục Ánh Dương, Hà Đông, cô giáo trực tiếp trông cháu Phùng Gia Đạt lột quần áo, gí đầu xuống đất vì bé đã tè dầm trong khi ngủ trưa.

Đáng chú ý, ngày 23-3-2016, cơ quan chức năng xác nhận, một bé trai 15 tháng tuổi đã tử vong sau khi được đưa đi cấp cứu từ trường mầm non Sao Tuổi Thơ (phố Quyết Tâm, P. Dương Nội, Q. Hà Đông, Hà Nội). Cháu bé tử vong là bé trai 15 tháng tuổi, trong quá trình vui chơi ở lớp, sợi dây chuyền bé trai đeo trên cổ đã mắc vào tủ đựng đồ khiến bé ngạt thở và không được các giáo viên phát hiện kịp thời.

Nhiều vụ việc được phát hiện tại các cơ sở mầm non tư thục. Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay, số trẻ mầm non ngoài công lập chiếm 20% trong số gần 500.000 trẻ mầm non toàn thành phố. Hiện 96% nhóm lớp mầm non tư thục đã được cấp phép. Số còn lại đang trong quá trình làm thủ tục để thành lập nhóm lớp.

Thực tế ở nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng, kinh tế xã hội chuyển biến rất nhanh khiến cho số lượng trẻ em theo gia đình di cư từ nông thôn ra thành thị rất lớn. Th.S, BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), hiện là Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng nhìn nhận, nhiều trẻ nhỏ gia đình không có điều kiện trông nom trong khi bố mẹ phải lo kiếm sống nên phải gửi con vào những nhà trẻ tư, những nhóm trẻ gia đình… Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến các em dễ có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại.

Nghi án bé 16 tháng tuổi bị đánh thâm tím mặt: Đuổi việc cô giáo Bùi Thị Lương(VietQ.vn) - Liên quan đến vụ việc ở cơ sở mầm non Ánh Sao, cô giáo Bùi Thị Lương, người trực tiếp trông coi bé Nhã Phương (16 tháng tuổi) đã bị sa thải.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Trọng An, một trong những nguyên nhân chính nữa dẫn đến tình trạng trẻ em bị bạo hành là do hệ thống giám sát, phát hiện các hành vi bạo lực ở ta còn kém. Trước kia với mạng lưới cộng tác viên rộng, nếu các em có vấn đề gì là sẽ được cộng tác viên phát hiện, còn bây giờ chủ yếu là do báo chí phát hiện đưa lên thì mọi người mới biết và thực tế khi báo chí phát hiện ra đều đã muộn.

Theo đó, số liệu 4.500 vụ xảy ra trong năm 2014, theo đánh giá của các chuyện gia mới chỉ là mảng nổi của “tảng băng chìm” mà thôi, còn rất nhiều vụ không được báo cáo thì chúng ta không được biết.

Bên cạnh đó, hệ thống luật pháp, chính sách và khung pháp lý để bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa đầy đủ, người thực thi pháp luật trong nhiều vụ việc cũng chưa nghiêm là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trẻ em ngày càng gia tăng.

Thống kê của Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT, hiện nay, cả nước có trên 4,8 triệu trẻ em từ 3 tháng đến 6 tuổi được gửi ở các trường, lớp mầm non. Nhu cầu gửi trẻ ở các thành phố lớn, nhất là ở các khu vực có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất rất lớn trong khi hệ thống trường mầm non công lập không đáp ứng đủ nhu cầu.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội nhấn mạnh, hậu quả của việc bạo hành trẻ là rất lớn. “Cần phải có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn những hành động bạo hành tương tự. Vấn đề là phải trang bị kỹ năng, kiến thức cho giáo viên và cán bộ quản lý. Đào tạo giáo viên mầm non phải chính quy, không được làm ngang, tắt. Hoạt động trong lĩnh vực này, giáo viên cần hiểu rõ chuẩn mực, nhận thức được vai trò của giáo dục mầm non, có lương tâm nghề nghiệp”.

Không chỉ là những hình thức đánh đập, nhiều khi trẻ em phải đối diện với những hình thức bạo hành khó phát hiện. Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM khẳng định, không phải cứ bị đánh đập, bị ngã mới để lại hậu quả mà trẻ bị cưỡng ép bất cứ điều gì cũng gây căng thẳng, sang chấn tâm lý, ảnh hưởng lâu dài.

Theo đó, nếu một giáo viên được đào tạo bài bản, có kỹ năng sẽ không lựa chọn phương pháp bạo hành để giải quyết tình huống. Vì thế, cần đưa ra các tiêu chí khắt khe hơn trong việc tuyển chọn giáo viên mầm non cũng như cảnh báo về hiện tượng tuyển giáo viên chưa đủ trình độ chuyên môn tại các cơ sở mầm non tư thục.

Ngoài ra, yếu tố quan trọng là các lực lượng chức năng cần làm tốt công tác giám sát sau cấp phép. “Việc quản lý với số lượng lớn như vậy không dễ. Với đặc thù riêng của bậc mầm non, hiện Hà Nội đã đưa ra mô hình quản lý khá đặc biệt dựa trên quy chế phối hợp các ngành liên quan như công an, hội phụ nữ, tổ dân phố, UBND phường, xã... Hiệu trưởng trường công lập cũng được phân công giúp đỡ nhóm lớp ngoài công lập. Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng là tăng cường kiểm tra sau cấp phép”, bà Hoàng Thanh Hương nói. 

Về phía các bậc phụ huynh, các chuyên gia cho rằng, hãy tỉnh táo chọn cho con một ngôi trường có đầy đủ các điều kiện vật chất, chương trình học và giáo viên có đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn. Trước khi gửi con cần tìm hiểu kỹ về ngôi trường, tiếp xúc với cô giáo hiệu trưởng, các cô giáo trực tiếp trông con mình, chỉ khi nào phụ huynh cảm thấy yên tâm hoàn toàn mới nên gửi con mình, nếu còn băn khoăn bất cứ điều gì  nên tìm hiểu cho kỹ trước khi quyết định “chọn mặt gửi vàng”. Ngoài ra, trong quá trình học, cần quan tâm tới con sát sao, thường xuyên nói chuyện, trao đổi với cô giáo, trò chuyện với con, để ý tâm lý tình cảm của con, tắm cho con để nếu có dấu hiệu gì bất thường trên cơ thể con có thể phát hiện kịp thời, dần dần dạy con cách yêu thương bản thân và tự phòng vệ…

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang