Công nghệ sau thu hoạch: Gỡ nút thắt cho chất lượng nông sản Việt

author 15:36 06/10/2016

(VietQ.vn) - Công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa được áp dụng hiệu quả nên chất lượng nông sản Việt Nam vẫn rất thấp, hạn chế khả năng xuất khẩu.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc: Công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam cần phải được đẩy mạnh và đầu tư đúng mức

 

Kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng đang trải qua một quá trình đổi mới mạnh mẽ, tạo những chuyển biết vượt bậc trong việc nâng cao mức sống của người dân. Cụ thể như từ một nước phải nhập khẩu gạo, Việt Nam liên tục trong 8 năm liền xuất khẩu gạo sang các nước, đứng thứ 3 trên thế giới sau Thái Lan.

Tuy nhiên, theo một thống kê cho biết tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch trong nông sản nước ta ở mức cao, xấp xỉ 14% đối với lúa gạo, từ 20 - 25% các ngành khác như chăn nuôi, cây ăn quả, đánh bắt thủy hải sản... Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, nếu kéo giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch trong chuỗi sản xuất lúa gạo xuống mức 5 - 6% sẽ làm tăng tương ứng giá trị 6%.
Việc công nghệ sau thu hoạch kém đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị nông sản Việt. Theo nhiều chuyên gia, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch của nước ta lâu nay vẫn chưa theo kịp trình độ và năng lực sản xuất của nông dân. Đó là lý do khiến nông sản Việt Nam như vải thiều Lục Ngạn, bây giờ là dưa hấu, gạo… xảy ra tình trạng “được mùa - mất giá” khiến cho người nông dân rơi vào tình cảnh sợ …được mùa.

Thực tế nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh rất cao vì thực phẩm nhiệt đới có hương vị, chất lượng, màu sắc thơm ngon được người tiêu dùng các nước phát triển rất ưa chuộng. Do đó cần có công nghệ chế biến, bảo quản nông sản để hỗ trợ cho nông dân… là những vấn đề đang đặt ra.

Có thể nói công nghệ sau thu hoạch được xem là sự phát triển ở mức độ cao hơn trong các hoạt động sau thu hoạch. Nhằm giảm thiểu mức độ tổn thất đến chất lượng sản phẩm (sự hư hỏng thông thường, các biến đổi sinh lý), tạo ra các điều kiện không thuận lợi (hóa học, vật lý môi trường ).

Trước thực trạng trên, Chính phủ đã yêu cầu Bộ KH&CN phối hợp đưa đến cho nông dân công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Hướng được Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp triển khai, theo Chương trình sản phẩm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là một số mặt hàng nông sản cần có chiến lược đầu tư dài hạn, không thể bỏ qua khâu bảo quản công nghệ cao.

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&CN - Phạm Công Tạc cho biết: “Công nghệ sau thu hoạch là một trong những yếu tố rất quan trọng vì nước ta là 1 nước nông nghiệp. Theo báo cáo mới nhất thì ngành nông nghiệp chiếm hơn 50% lực lượng lao động ở nước ta, đóng góp vào GDP 16-18%. Tuy nhiên, chúng ta thấy là năng suất lao động của khối nông nghiệp hiện giờ còn thấp. Một trong những nguyên đó là vì công nghệ sau thu hoạch chúng ta chưa đáp ứng được”.

Việt Nam đã áp dụng công nghệ chiếu xạ để bảo quản vải thiều xuất khẩu 

Ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ KHCN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN cho rằng đây là vấn đề rất lớn và Bộ KH&CN luôn quan tâm đến vấn đề công nghệ sau thu hoạch. Bộ KH&CN đã luôn phối hợp với bộ Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Công Thương về công nghệ sinh học trong chế biến.

Theo ông Hậu, với công nghệ sau thu hoạch thì đối tượng là sản phẩm nông sản, thuỷ sản của Việt Nam thì với điều kiện hiện nay chúng ta đã có 1 số hoạt động nghiên cứu như bảo quản lúa gạo, chế biến nông sản. Tuy nhiên còn khó khăn là liên quan đến việc liên kết giữa hoạt động nghiên cứu đối với đối tượng sử dụng còn khó khăn.

“Hoạt động nghiên cứu của chúng ta khi triển khai ra ngoài thực tiễn với cái điều kiện canh tác hiện tại thì cũng rất khó. Chỉ có những mô hình công tác theo quy mô lớn chúng ta mới áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản một cách thông minh. Nếu chúng ta vẫn tình trạng canh tác theo mô hình nhỏ, với các điều kiện như hiện nay thì chúng tôi đưa các công nghệ vào khá khó khăn”. Ông Hậu cho biết.

Theo Bộ KH&CN, Việt Nam đang áp dụng một số công nghệ bảo quản nông sản chủ yếu như: Công nghệ chiếu xạ, công nghệ CAS, công nghệ bao gói khí điều biến (MAP), công nghệ bảo quản bằng chế phẩm tạo màng phủ... Tuy nhiên những công nghệ hiện đại này mới chỉ là số ít và thực hiện lẻ tẻ tại một số địa phương.

Trên thực tế, hiện nay, người nông dân ở các địa phương đều canh tác trên một diện tích nhỏ, thiếu tập trung và mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch. Các sản phẩm nông sản chủ lực sau khi thu hoạch, ngoài số lượng được người dân xuất bán ngay, số còn lại chủ yếu vẫn được bảo quản sơ sài theo phương pháp truyền thống như thu hoạch xong đóng bao bán ngay hay phơi khô đựng vào bao chứa trong nhà hoặc gửi đại lý bảo quản ở nhiệt độ tự nhiên chờ giá cao bán...

Để giải quyết vấn đề trên, thời gian tới Bộ KH&CN sẽ phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Công Thương đẩy mạnh và đưa ra các chương trình công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp và trong chế biến.

“Ví dụ như vải thiều chúng tôi đã có các hoạt động nghiên cứu hỗ trợ xuất khẩu ra nước ngoài, tiến tới chúng ta có thể chủ động được thời gian dài bảo quản, đảm bảo chất lượng. Các sản phẩm khác chúng tôi đang cùng các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu” – Ông Hậu cho biết.

Tuy nhiên, đại diện Vụ KHCN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN cho rằng việc đưa khoa học kỹ thuật vào thì cần đi đôi với việc chuyển biến về hình thức, canh tác quy mô lớn thì mới có thể triển khai được các công nghệ trong triển khai, bảo quản.

Tăng cường ứng dụng công nghệ sau thu hoạch đưa vải thiều ra quốc tế(VietQ.vn) - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân mới đây đã có chương trình làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang về tình hình sản xuất, thương mại hóa; khả năng ứng dụng KH&CN vào sản xuất, bảo quản, tiêu thụ những sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Hùng Cường

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang