Vụ bảo mẫu hành hạ trẻ em: Thấm những nỗi đau

author 14:28 18/12/2013

(VietQ.vn) - Vụ bảo mẫu hành hạ trẻ em ở Trường mầm non tư thục Phương Anh (18 đường Hiệp Bình, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM) khiến nhiều người phẫn nộ với hành vi vô nhân tính của giáo viên ở đây. Đây không phải lần đầu tiên những vụ việc như vậy được phanh phui...

Ai từng làm cha, làm mẹ, là một người có nhân tâm, sẽ vẫn day dứt trước hành vi của Lê Thị Lê Vy ở nhà trẻ tư thục mầm non Thiên Thơ (quận Phú Nhuận, TP.HCM) năm 2007, của Quảng Thị Kim Hoa ở thành phố Đồng Nai năm 2008, của Hồ Ngọc Nhờ ở khu trọ tổ 9 (phường Linh Trung, Thủ Đức, TP.HCM) đánh chết trẻ 18 tháng… Tại sao mức độ bạo hành trẻ ngày càng nghiêm trọng và sự lên án của xã hội dường như chưa đủ cảnh báo, răn đe?

Bạo hành nối tiếp bạo hành

Còn nhớ năm 2008, Quảng Thị Kim Hoa ở số 1/2 khu phố 3, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai mở nhóm tư thục trông giữ trẻ cho các cặp gia đình công nhân. Khi 1 clip của người hàng xóm tố cáo Hoa liên tục túm tóc, giật ngửa mặt lên rồi trút cơm vào miệng, dùng thước, tay đánh tới tấp vào mặt các cháu từ 1-3 tuổi đang được trông giữ tại nhà mình thì công luận mới giật mình, xót xa. Bị cáo Hoa đã phải nhận án 18 tháng tù cho hành động ngược đãi trẻ. Lê Thị Lê Vy (SN 1977 tại Bình Thuận) chỉ mới học hết lớp 5, chưa qua trường lớp đào tạo nghiệp vụ nào nhưng vẫn được nhà trẻ tư thục mầm non Thiên Thơ (quận Phú Nhuận, TP.HCM) nhận làm việc.

Ngày 30-11-2007, Vy tiếp nhận cháu Đỗ Ngọc Bảo Trân 18 tháng tuổi. Bé Trân còn nhỏ, khóc, la hét; Vy dỗ mãi không được, lấy cuộn băng keo cắt một đoạn dán ngang miệng bé với mục đích cho bé ngưng khóc, đắp chăn lên người cháu... Sau đó, cháu Trân được phát hiện trong tình trạng mặt mũi tím tái, được đưa cấp cứu song đã tử vong. Vy bị tuyên phạt 3 năm tù về tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”. Tháng 3-2009 tại xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, bé Phạm Thanh Xuyên 5 tuổi phải nhập viện khẩn cấp trong tình trạng tụ máu màng não. Sau khi được bệnh viện cứu sống, bé Xuyên kể mình bị bảo mẫu tên Liên cầm chổi đánh. Tháng 9-2011 tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, Bình Dương, cháu Phan Văn Bảo Nam 16 tháng tuổi, con 1 công nhân đã tử vong do chấn thương sọ não trong lúc gửi tại nhà của bảo mẫu Nguyễn Ngọc Ánh, 60 tuổi… Sau những bức xúc của dư luận, mọi chuyện dường như lắng lại, công luận đã tha thứ. Và tất cả đã quên câu chuyện về cơ chế, về những yếu kém trong quản lý giáo dục mầm non cùng nạn bạo hành vẫn đã, đang tiếp tục xảy ra…

Chỉ khi những nỗi đau mới liên tiếp tại TP.HCM trong tháng 11-2013 mới đây, các bảo mẫu đã đánh đập, hành hạ trẻ gây nên những cái chết thương tâm, chúng ta mới thấy lòng bao dung, sự tha thứ vẫn không thể dung chứa cho những tội ác, không thể xoa dịu nỗi đau… Sự việc ngày 16-11, cháu Đỗ Nhất Long bị bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ đánh chết ở khu trọ tổ 9, phường Linh Trung, Thủ Đức không thể biện minh cho sự tắc trách đến nhẫn tâm của bảo mẫu Nhờ. Chỉ vì cháu Long quấy khóc không chịu ăn mà Nhờ đánh đập, đạp vào ngực trẻ, sau đó nhốt trẻ vào nhà vệ sinh… Chưa hết, ngày 14-11, Vũ Thị Bích Vân (SN 1979, ở đường Phạm Thế Hiển, phường 6, quận 8) nhận trông giữ trẻ tại nhà. Lúc 17h45, người nhà phát hiện Vân ẵm cháu Nguyễn Doãn L 13 tháng tuổi (mới gửi tại đây được 4 ngày) đang bị tím tái đưa đến bệnh viện, theo lời Vân, cháu bị trượt chân ngã. Sau 2 tuần điều trị, trưa 1-12, cháu L đã tử vong, nguyên nhân ban đầu xác định chấn thương sọ não. Vân ngay lập tức đã bỏ trốn. Cơ quan CSĐT Công an quận 8 cho biết đang tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết của cháu L, nhiều khả năng cháu bị quăng ném, bản thân các cháu nhỏ xô ngã nhau, khó có thể dẫn đến chấn thương trầm trọng như vậy…

Hoang mang về nạn bạo hành trẻ diễn ra với mức độ nghiêm trọng hơn, không chỉ ở cơ sở tự phát mà ngay cả nhiều trường công lập, chị Phùng Thúy Hà, quê Quảng Xương, Thanh Hóa làm công nhân may Công ty Phương Đông tâm sự: Nhà ngay sát trường công lập mà tôi phải mất 5 triệu đồng mới xin cho con gái vào trường màm non. Cứ nghĩ trường nhà nước, các cô giáo được đào tạo bài bản, song nhiều hôm về cháu vẫn bị bầm tím, có vết cấu; cô giáo nói con giành đồ chơi với bạn và đánh nhau. Tuy nhiên khi bôi thuốc, vết xước hằn cả nếp móng tay người lớn trên da con trẻ, tôi ứa nước mắt mà không dám có ý kiến gì… Chị Thạch Thị Ngân, quê Sóc Trăng, nhân viên công ty liên doanh Việt Hàn - KCN Tân Bình cho biết: Xin mãi mới cho con vào trường điểm của quận nên đôi khi biết cô đánh con, tôi cũng cam lòng, ừ thì con mình hiếu động, không nghe lời… Nhưng khi con bị cô gõ vào đầu đến sưng tướng, bị choáng ngất, tôi không chịu nổi, viết đơn tố cáo, cả cô giáo và cô hiệu trưởng đến tận nhà năn nỉ - “Em thương chị, thương trường. Nếu việc này xé ra to, trường mất danh hiệu lá cờ đầu, cô giáo cũng mất thi đua” – tôi lại thôi, dĩ hòa vi quý… 

Sự buông lỏng quản lý, giám sát

Bà Võ Thị Tuyết, giáo viên mầm non nghỉ hưu ở khu làng hoa Thủ Đức chia sẻ: Cái khó của những gia đình công nhân, lao động nghèo là họ phải làm ca, giờ giấc không cố định, hộ khẩu không tại địa phương nên rất khó xin cho con vào được các trường công lập. Vì số tiền ít ỏi, họ thường gửi con trong các nhóm trông trẻ tự phát, không nghiệp vụ, không giấy phép, không được cơ chế quản lý, giám sát. Rất nhiều người giữ trẻ không thể kiếm được việc gì nên họ nhận nuôi trẻ, cái nghề cơ cực, mà không lường trước được hậu quả khi không kiềm chế được cảm xúc dẫn đến bạo hành trẻ. Cô Trần Yến Mai – giáo viên trường mầm non Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp tâm sự: Quỹ lương và biên chế ngành học mầm non luôn giới hạn, các trường công lập trong tâm dù có muốn mở rộng, nhận thêm trẻ cho các bậc cha mẹ yên tâm công tác, cũng không thể vì những qui định về phòng lớp, về sĩ số lớp. Trong khi nhu cầu gửi con độ tuổi mầm non vô cùng lớn, các gia đình trẻ từ các tỉnh phía Bắc vào, rồi miền Tây Nam bộ lên, công nhân lao động diện KT3, KT4 thậm chí không tạm trú tạm vắng rất nhiều...

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn giáo viên mầm non phải đạt từ bậc trung cấp trở lên, nhóm trẻ 18-24 tháng tuổi qui định 10-12 trẻ cho 1 giáo viên phụ trách, nhóm trẻ từ 24-36 tháng thì 12 – 15 trẻ cho 1 giáo viên. Giáo viên vừa chăm sóc, vừa dạy học, vừa làm vệ sinh phòng lớp theo lịch sinh hoạt của nhóm lớp, vô cùng vất vả và đầy áp lực. Trẻ chỉ bị ngã, bị chảy máu hay tai nạn thông thường, là tháng đó, có khi năm đó sẽ bị xếp thi đua B, toi cả 1 năm phấn đấu, nỗ lực. Đây là lý do, thanh niên hiện nay đã không mặn mà với nghề sư phạm mầm non, số lượng giáo viên đạt yêu cầu bổ sung cho các trường ngày càng ít đi.  Chị Phùng Thúy Hà cũng cho rằng, rất nhiều hoàn cảnh lao động như vợ chồng chị cùng làm công nhân, không có người thân trông giúp con, trường công lập chất lượng thì không xin được vì hộ khẩu không có, trường tư thì mất tới 4-5 triệu đồng/tháng, gần bằng 1 tháng lương của cả gia đình, không còn sự lựa chọn nào khác nên trông cậy cả vào cơ sở trông trẻ tự phát ở gần khu trọ, gần các KCN. Nhu cầu lớn, dịch vụ bảo mẫu tư nhân nở rộ. Rất nhiều người không có nghiệp vụ chăm sóc trẻ, trình độ học vấn thấp kém nghiễm nhiên mở lớp mà không một sự kiểm tra, quản lý, nhắc nhở của tổ dân phố, của phường xã về những quy định tối thiểu khi chăm sóc, trông giữ trẻ.

Giảng viên bộ môn Tâm lý học Đại học Văn Hiến, Ths Trịnh Viết Then đánh giá: Hành vi bạo hành trẻ trở thành một thực trạng được cả xã hội quan tâm bởi tính chất, hậu quả nặng nề về thể chất và tâm lý cho trẻ. Ngay cả người bạo hành cũng phải trả giá đắt về hành vi mình gây ra. Bạo hành không chỉ xảy ra với bảo mẫu tư nhân, nhiều khi xảy ra ngay trong chính trường mầm non, nơi mà giáo viên được đào tạo bài bản về cách nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Bạo hành xảy ra khi người chăm sóc rơi vào trạng thái căng thẳng về mặt tâm lý (stress), dẫn đến mất kiểm soát về mặt nhận thức, cảm xúc và hành vi, gây tổn thương về mặt thực thể và tâm lý cho trẻ… Vì thế nghề bảo mẫu đòi hỏi người phụ nữ có thiên chức dịu dàng, nhân hậu được rèn luyện kỹ lưỡng cả về tư cách đạo đức và kỹ năng chăm sóc trẻ con, từ đó bảo mẫu mới có thể thay bố mẹ chăm sóc trẻ em.

Chuyên gia xã hội học Phạm Thị Thúy nhìn nhận: Hệ thống trường mầm non hiện còn quá thiếu, đặc biệt rất ít trường công lập giữ trẻ dưới 12 tháng tuổi, trong khi trẻ ở giai đoạn này lại rất cần sự chăm sóc đặc biệt để phát triển mạnh mẽ cả về thể chất và trí tuệ, xúc cảm... Hệ thống trường tư cũng có thu nhận các lứa tuổi 0-3 nhưng chi phí cao, nằm chủ yếu các khu dân cư đông đúc dân trí cao, trong khi hệ thống mầm non quanh các KCN-KCX và các vùng ven nhiều lao động nhập cư nghèo, rất thiếu…

Đã đến lúc Nhà nước, đặc biệt là Bộ GD-ĐT, UBND TP.HCM và các cơ quan bảo vệ trẻ em cần hành động để triển khai xây dựng hệ thống trường công lập mầm non cho người thu nhập thấp. Song song đó chính quyền cơ sở cần đẩy mạnh tuyên truyền, quản lý chặt chẽ mọi cá nhân, tổ chức trông giữ trẻ, hỗ trợ, hướng dẫn các bậc cha mẹ kiến thức lựa chọn nơi tin cậy trao gửi con mình. Chính các cha mẹ, xin đừng vì mưu sinh mà lỡ quên, chủ quan hoặc buộc phải cắn răng kìm lòng gửi con đến những nơi giữ trẻ tự phát: không tiêu chuẩn dinh dưỡng, không đủ kỹ năng phương pháp sư phạm, thiếu kinh nghiệm chăm sóc trẻ, không đủ cả một phút giây kiên nhẫn trước tiếng khóc con trẻ…

Hồng Phúc – Hoàng Hùng


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang